12:12 12/02/2022

Hướng dẫn mới về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2022

Nhật Dương

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong Công văn số 265 gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2022-2025.

Trước đó, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quá trình tổ chức thu bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 còn có vướng mắc phát sinh.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng theo một trong các phương thức 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó thực hiện mức chuẩn nghèo mới (ngày 1/1/2022) thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã nộp. Tuy nhiên, đối với trường hợp người tham gia nêu trên đóng trong năm 2022 thì xác định số tiền người tham gia phải nộp như thế nào?

Về vấn đề trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức đóng 3 hoặc 6 tháng, hoặc 12 tháng một lần khi thay đổi mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Khoản 1, Khoản 2, Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, thì mức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng, hoặc 12 tháng một lần bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng, nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng, và nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần. Trong đó, mức đóng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.

Về việc đóng bù cho số tháng chậm đóng theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Khoản 3, Điều 11 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, thì mức đóng bù cho số tháng chậm đóng xác định dựa trên mức đóng hàng tháng, mức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần. Trong đó, mức đóng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.

Về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Khoản 1, Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.

Do vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với Bộ Tài chính để thống nhất nội dung về hướng dẫn xác định số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng. Theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện trong năm 2022, do chưa thực hiện cải cách tiền lương nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là: 1.490.000 đồng x 20= 29.800.000 đồng/tháng.