15:25 11/02/2022

Thu nhập ổn định và có tích lũy: Lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần?

Phúc Minh

Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt, và có tích lũy thì khi đó họ mới tham gia đóng góp để có lương hưu…

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh - Nhật Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh - Nhật Dương.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2010 - 2020, mỗi năm bình quân có 651.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đánh giá, số lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Riêng trong năm 2021 ghi nhận hơn 860.000 lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đặt áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mục tiêu tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng do tác động của dịch Covid-19, làm ảnh hưởng đến nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động dẫn đến người lao động không có việc làm, buộc họ phải tìm đến các nguồn tài chính có thể huy động được để đảm bảo cuộc sống trước mắt, và bảo hiểm xã hội một lần là một lựa chọn.

Giải pháp cho vấn đề trên chính là việc Nhà nước đã và đang tiếp tục triển khai các gói chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trước mắt. Riêng trong năm 2020-2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có Nghị quyết 116/NQ-CP về triển khai hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu người lao động, với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 375.861 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 11.868.907 người lao động thuộc diện được hỗ trợ.

Tuy nhiên về lâu dài, theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Bởi chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy, thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.

Với nguyên nhân nhiều người lao động còn chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ về chính sách để có thể đưa ra quyết định hợp lý, Bộ trưởng cho rằng, tới đây ngành bảo hiểm xã hội cùng với các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin về chính sách.

Chỉ khi người lao động nhận thức đầy đủ lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng quyền lợi hưu trí khi về già thì mới có thể đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn.

Để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cần có chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, song vẫn cho phép người lao động được tiếp tục hưởng chính sách này nếu có nhu cầu.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa điều kiện hưởng lương hưu, theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận chế độ hưu trí. Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng được tính tới như: Thay đổi chính sách trợ cấp thất nghiệp, khôi phục thị trường lao động, duy trì việc làm.