12:54 02/11/2020

Huy động vốn cho Quy hoạch điện VIII

Mạnh Đức

Dự kiến, khối lượng đầu tư trung bình hàng năm của quy hoạch cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay

Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) có tính hệ thống rất cao, gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch ngành khác như than, dầu khí, sử dụng tài nguyên, môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông, kinh tế - xã hội, không gian đô thị... 

Dự kiến, khối lượng đầu tư trung bình hàng năm của quy hoạch cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26. Đề án Quy hoạch điện VIII sẽ được Bộ Công Thương trình Chính phủ vào cuối tháng 10 này.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG PHỤ TẢI VẪN CAO

Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên quan điểm bám sát theo Nghị quyết số 55-NQ/TƯ ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây cũng là quy hoạch có tính mở, xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên và các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030; định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất các nguồn điện trong giai đoạn 2031 - 2045, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên trong giai đoạn 2031 - 2045.

Theo Chương trình phát triển nguồn điện, tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021 - 2030 được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 8,6% giai đoạn 2021 - 2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026 - 2030. Dự kiến, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020, trong đó các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió onshore (năng lượng gió trên bờ), offshore (năng lượng gió ngoài khơi) và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000 MW.

Tới năm 2030, công suất đặt toàn hệ thống dự kiến đạt khoảng 138.000 MW và tới năm 2045 khoảng 302.000 MW, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng từng vùng/miền bảo đảm an toàn hệ thống; nhiệt điện than có xu hướng giảm dần, tăng nhanh nhiệt điện khí trong cơ cấu phát triển nguồn điện. Mức phát thải khí CO2 sẽ giảm dần, đáp ứng các chỉ tiêu mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.

Bộ Công Thương cho biết, phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Trong khi đó, xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại. Vì vậy, công tác phát triển lưới điện truyền tải hợp lý, hài hòa để giải tỏa công suất các nguồn điện này cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống.

Trong Đề án lần này, vấn đề liên kết lưới điện đã được Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa các chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ. Chính vì vậy, việc phát triển hợp lý, hài hòa, lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể cũng như chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Việc này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam trong giai đoạn tới, quan trọng hơn là tạo ra sự liên kết mạnh giữa hệ thống điện Việt Nam và các nước trong khu vực, hướng tới thị trường điện cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chương trình phát triển lưới điện sẽ được xây dựng để đảm bảo đáp ứng được tiêu chí N-1 (tiêu chí bảo đảm không sa thải phụ tải khi hệ thống điện bị sự cố hoặc hệ thống phải vận hành ngoài giới hạn kỹ thuật cho phép); riêng đối với các thành phố lớn, mật độ phụ tải cao, lưới điện sẽ được xây dựng để đáp ứng tiêu chí N-2 (dự phòng đến hai nguồn). Việc phát triển lưới điện được thiết kế đảm bảo giải tỏa các trung tâm nguồn lớn, các trung tâm năng lượng tái tạo, các nguồn điện gió xa bờ quy mô lớn... Lưới điện nông thôn dần được cải tạo nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

CẦN CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm. Để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030. Đây là những thách thức không nhỏ để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhu cầu vốn đấu tư hàng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỷ USD/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong khi yêu cầu ngày càng cao về môi trường của các tổ chức quốc tế trong việc xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ phát triển nguồn và lưới điện cũng đặt ra nhiều áp lực và thách thức cho việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII. Để giải quyết vấn đề này, Quy hoạch điện VIII đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách để triển khai thực hiện, trong đó có cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, cơ chế xã hội hóa lưới điện truyền tải... nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư tư nhân được xem là giải pháp khả thi nhằm tìm "lối đi" cho ngành này thời gian tới. Muốn "hút" vốn tư nhân, mấu chốt nhất vẫn là phải đảm bảo cơ chế giá hấp dẫn. 

Về vấn đề này, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn đánh giá, khó khăn lớn nhất khi thu hút tư nhân đầu tư vào các dự án điện là về mặt vĩ mô chứ không phải khó khăn của từng dự án. Nhấn mạnh đến trường hợp các dự án điện độc lập (IPP), ông Sơn cho rằng, vốn chưa hẳn là vướng mắc khiến các dự án IPP chậm tiến độ mà là kỹ thuật và giá mua điện từ các dự án. IPP của thế giới là tự sản tự tiêu là chính, phần bán lên lưới hoặc mua lại của lưới rất ít. Trong khi đó, dự án IPP của Việt Nam lại khác, gần như bán hoàn toàn lên lưới. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, áp dụng hợp đồng mua bán điện (PPA) theo mẫu của thế giới cho các dự án điện theo hình thức IPP có lẽ phải xem lại.

Từ phía nhà đầu tư, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang cho biết, theo quy định hiện hành tại Luật Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bị giới hạn bởi quy định cho vay đối với một dự án không quá 15% và đối với nhóm khách hàng có liên quan không quá 25% vốn tự có của ngân hàng. Với quy định như vậy, nhu cầu vay vốn từ ngân hàng trong nước của dự án nhà máy điện nói trên rất khó khăn. 

Hơn nữa, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP rất cao, dẫn đến giá điện bán cho Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng cao vượt giá trần quy định khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay. Đối với nguồn vốn ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra điều kiện tiên quyết phải có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam, trong khi hiện nay Chính phủ hạn chế bảo lãnh vay vốn đối với các dự án. 

"Hơn 1 năm nay, dự án Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD phải dừng vì chưa ký được PPA. Mặc dù doanh nghiệp cùng các đối tác nỗ lực thu xếp vốn cho gói thầu tổng thầu (EPC) nhưng do đang gặp khó khăn, vướng mắc nên chưa có nguồn vốn để triển khai thực hiện", ông Hội chia sẻ.

Nhấn mạnh vào góc độ thúc đẩy tư nhân đầu tư lưới điện, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, hiện nay có tình trạng sản xuất ra điện nhưng vì đường dây truyền tải điện có sự hạn chế nên không phát hết công suất các dự án. Làm thế nào cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển mạng lưới truyền tải điện? Chúng ta bắt buộc phải có cơ chế đột phá, tự do hóa một phần để khu vực tư nhân nhanh chóng tham gia. Nhiều nhà đầu tư rất mong chờ cơ chế, chính sách thuận lợi, dài hơi. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng, đường truyền tải điện thuộc về an ninh quốc gia, nên cần phải có tính toán kỹ lưỡng.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, thị trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong ngành điện là tiềm năng lớn. Sự tích cực, năng động của các nhà đầu tư tư nhân đang là nguồn lực lớn cho phát triển ngành năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thường xuất hiện các khó khăn, vướng mắc. 

Điển hình như, sự bất cập, chưa theo kịp thực tế của các hướng dẫn và các quy định pháp luật; hạ tầng cơ sở hệ thống lưới điện còn yếu, chưa sẵn sàng để "một sớm một chiều" tiếp nhận và truyền tải cho dự án nguồn điện với quy mô lớn; sự thiếu đồng bộ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư (đền bù đất đai, giải tỏa mặt bằng...)... Các khó khăn thách thức đó tác động, ảnh hưởng đến mọi nhà đầu tư, kể cả thuộc khối nhà nước lẫn khối tư nhân trong và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên 3 quan điểm lớn, đó là phải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ; phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo và hạn chế phát triển nhiện điện than; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.