11:22 27/10/2020

Điện thoại "cục gạch" giảm mạnh, mở đường cho "smartphone 500 nghìn"

Thủy Diệu

Từ cuối năm 2019 đến nay, số lượng điện thoại "cục gạch" đã giảm khoảng 6-7 triệu máy

Số lượng điện thoại feature phone (cơ bản) đến tháng 10/2020 chỉ còn khoảng 12 triệu máy, theo Cục Viễn thông.
Số lượng điện thoại feature phone (cơ bản) đến tháng 10/2020 chỉ còn khoảng 12 triệu máy, theo Cục Viễn thông.

Việc xác định chính xác số lượng điện thoại feature phone (điện thoại cơ bản dùng cho gọi và nhắn tin, thường gọi là cục gạch) ở thời điểm hiện tại sẽ là cơ sở để tính toán và thúc đẩy nhanh lộ trình tắt sóng 2G và trợ giá smartphone giá rẻ.

ĐIỆN THOẠI "CỤC GẠCH" ĐANG GIẢM MẠNH

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến tháng 9/2020 Việt Nam có tổng số thuê bao điện thoại di động đang hoạt động chỉ sử dụng gọi và nhắn tin là 59,2 triệu, còn tổng thuê bao đao đang hoạt động có sử dụng dữ liệu (data) là 68,6 triệu. Nhìn vào con số điện thoại chỉ sử dụng gọi và nhắn tin rất dễ có thể hình dung về số lượng điện thoại cơ bản (cục gạch) hiện có với con số lên tới bốn năm chục triệu máy.

Điện thoại "cục gạch" giảm mạnh, mở đường cho "smartphone 500 nghìn" - Ảnh 1.

Thống kê phát triển thuê bao điện thoại di động đến tháng 9/2020 của Cục Viễn thông.

Tuy vậy, cũng theo dữ liệu của Cục Viễn thông, được ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng cục này cho biết, đến hết năm 2019, Việt Nam còn trên 30 triệu máy là điện thoại cơ bản, nhưng đến tháng 10/2020 thì dòng điện thoại này chỉ còn 24 triệu máy.

"Dù vậy, trên thực tế, qua phân tích, đo đếm bằng các phương pháp kỹ thuật, Cục nhận thấy trong số 24 triệu máy này, có khoảng một nửa là đang sử dụng (điện thoại feature phone) như máy thứ 2 bên cạnh điện thoại smartphone. Điều đó có nghĩa chỉ còn khoảng 12 triệu máy feature phone đang được người dùng sử dụng và thuộc đối tượng hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng smartphone", ông Cường cho hay.

Việc tính toán cụ thể số lượng máy điện thoại feature phone hiện có sẽ là cơ sở để tính toán và thúc đẩy nhanh lộ trình tắt sóng 2G và trợ giá smartphone giá rẻ. Trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lộ trình tắt sóng 2G vào quý 1/2022. Theo đại diện Phòng Cấp phép thị trường (Cục Viễn thông), khi Bộ Thông tin và Truyền thông trình các phương án dừng công nghệ cũ (2G hoặc 3G – PV), Chính phủ kết luận không chốt cứng thời gian dừng công nghệ cũ mà Bộ cần đưa ra giải pháp mềm mại hơn để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng smartphone.

Theo tính toán, đến thời điểm khi người dùng điện thoại 2G chỉ còn chiếm dưới 5% tổng số thuê bao di động thì các doanh nghiệp viễn thông mới có thể bù chi phí cho người dùng chuyển đổi từ điện thoại feature phone sang smartphone, với mục tiêu làm sao để sản phẩm smartphone có giá 50 USD (trên 1 triệu đồng) nhưng đến tay người dùng chỉ với giá 500 nghìn đồng.

"ĐƯỜNG ĐI" CỦA SMARTPHONE 500 NGHÌN ĐẾN TAY NGƯỜI DÙNG

Chương trình phổ cập smartphone tới 100% dân số được thực hiện thông qua việc sản xuất điện thoại với giá chỉ 45-50 USD (khoảng 1.100.000-1.200.000 đồng) nhưng đến tay người dùng chỉ với giá 500 nghìn đồng được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra từ đầu năm 2020.

Theo đó, để có mức giá này, các nhà mạng trong nước, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy và các nhà sản xuất smartphone sẽ bù giá, trợ giá... Cụ thể, việc bù giá để smartphone có giá 20 USD bao gồm 10 usd của nhà mạng và các nhà phát triển ứng dụng (app) được cài sẵn trên máy sẽ hỗ trợ 1 usd/ứng dụng. Chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, tương đương với 10 usd.

Dưới góc độ của các nhà sản xuất điện thoại (trong nước) như VNPT Technology, Bkav… đều cho rằng, với chính sách bù chi phí (20 USD) như trên các nhà sản xuất hoàn toàn có thể sản xuất ra smartphone giá trên 1 triệu đồng. Bởi như VNPT Technology hiện nay, theo ông Trần Hữu Quyền, Tổng giám đốc VNPT Technology, trong danh mục sản phẩm hiện nay của công ty đã có mẫu điện thoại 1 triệu đồng.

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, mức trợ giá 10 USD không phải là vấn đề quá lớn đối với nhà mạng nếu số lượng máy/thuê bao được trợ giá chỉ vài triệu máy, và theo như các mẫu chung trên thế giới khoảng dưới 5% là nhà mạng hoàn toàn có thể trợ giá điện thoại ở mức nhất định cho người dùng.

Tín hiệu vui về việc tỷ lệ điện thoại "cục gạch" đang theo chiều hướng giảm mạnh khi Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường cho biết, chỉ từ cuối năm 2019 đến nay, số lượng điện thoại "cục gạch" đã giảm khoảng 6-7 triệu máy và là việc giảm tự nhiên chứ chưa hề có hỗ trợ hay giải pháp gì để thúc đẩy người dùng chuyển sang smartphone.

Nên, theo ông Cường, với 12 triệu máy điện thoại feature phone còn lại, đến thời điểm dự kiến dừng công nghệ cũ – 2G (quý 1/2022), cùng các giải pháp, chính sách thúc đẩy người dùng chuyển sang sử dụng smartphone hiện nay, số lượng máy điện thoại feature phone giảm xuống dưới 5% là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể còn nhanh hơn.