Khai hội chùa Hương năm Ất Tỵ: “Thoát nạn” ùn tắc, chèo kéo khách
Với nhiều cải tiến trong công tác tổ chức và quản lý, Lễ hội chùa Hương năm 2025 diễn ra trật tự hơn, không còn cảnh ùn tắc trên suối Yến và chùa Thiên Trù. Tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách cũng đã chấm dứt nhờ hệ thống xuồng đò được quản lý và vận hành bài bản, giúp hành trình du xuân của khách thập phương thuận tiện hơn…
![Suối Yến chùa Hương xuân Ất Tỵ. Ảnh: Chu Khôi.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/08/anh-t50-51-1.png)
Tại Lễ khai hội chùa Hương năm nay, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, đã trao Quyết định công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) là khu du lịch cấp thành phố cho Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức.
Một điểm nhấn đặc biệt trong năm 2025 là tuyến cáp treo Hương Bình chính thức đi vào hoạt động, kết nối hai địa danh chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tiên (Hòa Bình). Tuyến cáp treo này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ách tắc giao thông mà còn thúc đẩy kết nối văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giữa Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam và các vùng lân cận.
DU XUÂN NGÀY CÀNG VĂN MINH
Suốt 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, cứ đến mùa lễ hội chùa Hương trong 3 tháng mùa Xuân, trên báo chí luôn xuất hiện dày đặc những thông tin cảm thán về lễ hội này: nào là ùn tắc, quá tải, nào là chèo kéo ép du khách trả thêm tiền thuyền đò. Những năm đó, trên quốc lộ 21B từ Ba La về đến huyện Mỹ Đức thường xuyên gặp cảnh những người phóng xe máy bám theo, mời chào, chèo kéo đi xuồng Suối Yến, khiến du khách vô cùng khó chịu. Đến xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, du khách thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường. Đi đò trên Suối Yến, lại tiếp tục trải qua nạn tắc đò, do thuyền quá đông. Mặc dù đã mua vé thắng cảnh và vé đò, nhưng lái đò vòi vĩnh, thúc ép du khách trả thêm tiền. Thế nhưng đến năm nay, những tình trạng nêu trên đã không còn tái diễn.
Những con đường từ bãi xe đến bến Yến khá thông thoáng. Dọc bến đò suối Yến, không còn cảnh chen lấn hay “cò mồi”. Đi đò trên Suối Yến cũng khá thông thoáng, du khách không còn phải ngả nghiêng do các xuồng va đập vào nhau như trước kia. Giờ đây ai cũng an nhiên để ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, dòng suối trong xanh sạch đẹp và những tấm pano đẹp mắt.
![Khai hội chùa Hương Xuân Ất Tỵ. Ảnh: Chu Khôi.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/08/anh-t50-51-2.png)
Nhớ lại cách đây chừng 10 năm trước, trong một lần trò chuyện với Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì quần thể chùa Hương, tôi hỏi: “Ở miền Bắc, ngày càng xuất hiện nhiều địa điểm du lịch tâm linh mới hút du khách như: chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng, Tam Chúc... Thầy có lo lượng du khách đến chùa Hương những năm tới sẽ giảm, bởi sự cạnh tranh hút khách từ các điểm đến mới?
Thượng tọa Thích Minh Hiền chia sẻ: “Tôi mong lượng khách đến chùa Hương giảm. Xem báo, mỗi khi đề cập đến chùa Hương, toàn thấy viết về những tình trạng không đẹp: tắc đường, tắc đò, chèo kéo. Tại chùa Thiên Trù, lúc nào cũng quá tải du khách, rất bát nháo. Người lễ Phật chen chúc từ trong Tam Bảo, ra đến các sân và đường đi lối lại. Mỗi khi nhà chùa thực hiện các lễ nghi, các sự kiện đều gặp khó do lượng khách quá đông”.
Trò chuyện với ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn ngày đó, tôi cũng nêu câu hỏi này. Ông Thanh nêu quan điểm: “Quần thể danh thắng chùa Hương là di tích lâu đời, lại nằm trong khu vực núi đá và rừng, yêu cầu phải bảo tồn nghiêm ngặt, do đó không được mở rộng đường đi hay xây dựng các công trình bên trong. Vì vậy, nếu muốn giảm tình trạng ùn tắc, quá tải, thì chỉ có giảm lượng du khách hành hương. Nhưng lượng du khách giảm, cũng đồng nghĩa với doanh thu và thu nhập của người dân địa phương sẽ giảm. Giảm lượng du khách, nhưng doanh thu phải tăng là bài toán hóc búa của huyện Mỹ Đức và du lịch chùa Hương”.
Giờ đây, vấn đề ùn tắc và quá tải đã được giải quyết, bên cạnh giải pháp từ cải tạo hạ tầng, đổi mới trong quản lý bến bãi, xuồng đò, còn là nhờ lượng du khách giảm. Nếu như từ năm 2020 trở về trước, vào ngày khai hội (mồng 6 tháng Giêng âm lịch), lượng du khách đến đây năm ít thì 5 vạn, năm nhiều lên tới 10 vạn người. Thế nhưng, ngày khai hội chùa Hương xuân Ất Tỵ (ngày 3/2/2025), chỉ có gần 1,5 vạn người.
Ông Bùi Văn Triều, Trưởng Ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, cho biết tính từ ngày 28/1 (tức 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2 (mùng 5 Tết Ất Tỵ), huyện Mỹ Đức đón 8,7 vạn lượt khách thập phương về tham quan, thắng cảnh chùa Hương. Trước đó, năm 2015, lượng du khách đến chùa Hương trong cả 3 tháng lễ hội là 1,5 triệu lượt; năm 2023 đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt; năm 2024, đón được gần 900 nghìn lượt du khách.
TĂNG GIÁ VÉ, LƯỢNG KHÁCH GIẢM, DOANH THU KHÔNG GIẢM
Lý giải nguyên nhân lượng du khách giảm trong ngày khai hội năm nay, UBND huyện Mỹ Đức cho biết là do giá vé thắng cảnh và giá vé đi đò tăng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, năm 2025, vé tham quan chùa Hương (gồm cả vé thắng cảnh và vé đò) là 230.000 đồng/người, tăng 25.000 đồng so với năm 2024. Giá vé cáp treo Thiên Trù - Hương Tích khứ hồi năm 2025 là 260.000 đồng/người".
Bà Vũ Thị Định, đến từ Bắc Ninh đã 5 lần đi lễ chùa Hương, cho biết cách đây 3 năm, chi phí cho mỗi chuyến đi chùa Hương chỉ vào khoảng 200-300 nghìn đồng/người, nhưng năm nay, chi phí lên đến 1 triệu đồng/người, bao gồm: vé thắng cảnh, xuồng đò, vé cáp treo, tiền gửi xe, ăn uống... “Gia đình tôi với 6 người, tổng chi phí lên gần 6 triệu đồng. Đi chùa Hương bây giờ quá đắt so với các địa điểm khác, nên có lẽ năm sau nhà tôi sẽ không đi chùa Hương nữa”, bà Định bày tỏ.
Tính toán theo số liệu công bố lượng du khách và giá vé thắng cảnh hàng năm của Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, cho thấy năm 2023 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, giá vé thắng cảnh 80.000 đồng/người, tổng số tiền thu vé thắng cảnh là 96 tỷ đồng. Năm 2024 đón gần 900 nghìn lượt khách, tổng thu vé thắng cảnh khoảng 108 tỷ đồng.
HIỆU QUẢ TỪ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ THUYỀN ĐÒ
Một trong những nét mới của Lễ hội chùa Hương năm nay chính là sự đổi mới quản lý và điều hành thuyền đò và tích hợp vé thắng cảnh vào vé thuyền đò thành vé điện tử thống nhất. Chị Nguyễn Thị Thảo, một người dân địa phương lái đò chở khách trên suối Yến, cho biết trước đây có những người đầu tư hàng chục, hàng trăm chiếc thuyền, rồi thuê người từ địa phương khác đến chèo đò.
Thậm chí họ còn lập cả hệ thống “tiếp thị” ra tận các con đường và đứng dọc bến Yến để mời chào du khách, nên thu lợi nhuận rất lớn. Trong khi đó, dân địa phương như chị phải chịu nhiều thua thiệt, vì cảnh “người ăn không hết, người lần chẳng ra”. Chị Thảo chia sẻ thêm: “Gia đình chỉ có một chiếc thuyền, vì không khéo miệng mời chào khách, nên chầu chực ở bến từ sáng đến tối mà nhiều ngày không được khách nào. Có năm, cả mùa lễ hội chỉ kiếm được 3-5 triệu đồng”.
"Từ năm 2023 trở về trước, trên suối Yến có tới 5.000 - 6.000 thuyền đò. Do lượng thuyền đò quá nhiều, dẫn đến tình trạng ách tắc. Hiện nay, chỉ còn hơn 3.700 thuyền đò chở khách được phép hoạt động".
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch chùa Hương.
Tuy nhiên, từ năm 2024, Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch chùa Hương được thành lập. Chính quyền đưa ra quy định, chỉ những người tham gia Hợp tác xã mới được phép tham gia chèo thuyền phục vụ du khách trên suối Yến. Mỗi xã viên chỉ được đăng ký 1 thuyền. Do đó, các ông chủ lớn không thể thuê người nơi khác đến chèo đò nữa, buộc phải bán hết thuyền đò.
“Bây giờ, việc chèo đò được sắp xếp lần lượt, không còn chuyện mạnh ai nấy làm như trước đây. Mỗi người lái đò nhận thông báo đến lượt nhận khách qua nhóm zalo. Việc quản lý người lái đò theo mô hình hợp tác xã giúp mang lại công bằng, giúp người yếu thế có cơ hội việc làm thay vì tình trạng giành giật khách như trước đây”, chị Thảo vui mừng chia sẻ; chị Thảo cho biết thêm vào những ngày đông khách (khai hội, hoặc thứ bảy, chủ nhật), mỗi ngày chèo được 2 chuyến đò; đợt vắng khách thì 2-3 ngày mới có một chuyến. Chở mỗi khách được Hợp tác xã trả 70.000 đồng/người. Bình quân mỗi chuyến đò, chị Thảo chở 6 người lớn và 2 trẻ em, được trả 500.000 đồng.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch chùa Hương, cho hay năm nay mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. "Nhờ phát hành vé điện tử, hợp tác xã đã không còn tình trạng chèo kéo khách, ép giá. Các thuyền đò được xếp số thứ tự, các chủ đò có thu nhập cao hơn, đồng đều về thu nhập”, ông Đức khẳng định...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2025 phát hành ngày 10/2/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1247
![Khai hội chùa Hương năm Ất Tỵ: “Thoát nạn” ùn tắc, chèo kéo khách - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/08/50-51-1.png)