08:15 21/11/2013

Khi “không thể chấp nhận”, đại biểu Quốc hội làm gì?

Nguyên Thảo

Làm thế nào để Quốc hội có thể xem xét trách nhiệm của một vị bộ trưởng nào đó khi mà cơ chế về việc này còn chưa rõ ràng

<font face="Arial, Verdana" size="2">Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng thì khi 20% đại biểu Quốc hội cùng có ý kiến về một vấn đề gì đó thì Quốc hội sẽ phải thảo luận để đi đến quyết định.</font>
<font face="Arial, Verdana" size="2">Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng thì khi 20% đại biểu Quốc hội cùng có ý kiến về một vấn đề gì đó thì Quốc hội sẽ phải thảo luận để đi đến quyết định.</font>
Dù khá buồn tẻ, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đang diễn ra mấy ngày nay ở nghị trường vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri.

Bởi, nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, ngay trước kỳ họp Quốc hội thứ sáu bão lũ đã diễn ra ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, và ngay khi phiên chất vấn đầu tiên bắt đầu thì “bà con của chúng ta ở các tỉnh Nam Trung Bộ đã khốn khổ vì lũ lụt”.

Nhưng nếu đó chỉ là hậu quả do thiên tai bất khả kháng thì có lẽ các vị đại biểu đã không nóng lòng đến thế.

Bấm nút đầu tiên ở phiên họp sáng 19/11, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học sau khi đề cập tình hình lũ lụt tại miền trung đã thẳng thắn “đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội”.

Vì theo ông Học, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không những đã không ban hành chính sách dành cho đồng bào nghèo tái định cư thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội mà còn có đổ trách nhiệm cho bộ khác.

Ngay sau đó, dẫn hình ảnh “chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ”, mà theo dư luận thì có nguyên nhân từ thủy điện, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị cần ban hành quy định trước khi bão đến phải xả hết nước ở các hồ thủy điện.

Đại biểu Đương cũng nhấn mạnh tính bắt buộc của quy định này, và “nếu anh nào không làm thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm hình sự hoặc tội gì đấy”, mà theo ông thì “trong Bộ luật Hình sự không thiếu”.

“Như đại biểu Đương đã nêu, không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay vẫn tranh luận với nhau giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập này và chính quyền địa phương về có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc tiếp lời.

Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc cũng đồng tình cao là phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự. “Không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại vô cùng mà không có ai bị xử lý”.

Những phát biểu trên đây làm người viết nhớ đến kỳ họp cuối năm 2009 của Quốc hội khóa 12. Khi đó, trong gần 250 chất vấn của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ, những chất vấn liên quan đến các nhà máy thủy điện dẫn đầu về độ dài của câu chữ và đậm đặc độ lo ngại.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), trong chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khi đó, cũng đã cảnh báo rằng một số dự án thủy điện lớn, nhỏ đã, đang và sẽ triển khai ở miền Trung và Tây Nguyên là “đánh cược với thiên nhiên, mà phần thua chắc chắn thuộc về con người”.

Còn đại biểu Nguyễn Đình Xuân thì cho rằng cần có một ủy ban điều tra liên ngành để điều tra thực trạng vận hành thuỷ điện có sai sót gì hay không. Khi ấy, ông Xuân đã đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời điều tra về hiện trạng thuỷ điện, rừng, quản lý đất đai, tài nguyên... ở khu vực miền Trung rồi mới tính xem nên làm gì tiếp theo.

Từ bấy đến nay đã tròn 4 năm đã trôi qua, không có ủy ban điều tra nào được thành lập, và nghị trường hôm nay vẫn nóng bỏng những điều “không thể chấp nhận được” có nguồn gốc từ thủy điện.

Nhưng khi “không thể chấp nhận được”, không chỉ riêng ở lĩnh vực thủy điện, thì các đại biểu Quốc hội sẽ làm gì?

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng thì khi 20% đại biểu Quốc hội cùng có ý kiến về một vấn đề gì đó thì Quốc hội sẽ phải thảo luận để đi đến quyết định. Nhưng một buổi thảo luận chỉ đủ thời gian cho vài chục đại biểu thể hiện chính kiến, trong khi cơ chế khác để biết được bao nhiêu đại biểu đồng ý về một vấn đề nào đó lại chưa thực sự rõ ràng.

Tuy nhiên, đại biểu Hùng cho rằng cá nhân từng đại biểu vẫn có thể gửi kiến nghị của mình đến cơ quan chức năng và cơ quan chức năng phải xem xét. Việc ban hành một quy trình để xác định bao nhiêu đại biểu đồng tình với một vấn đề (quan điểm) do đại biểu nêu ra trong quá trình thảo luận cũng được ông Hùng cho là cần phải được tính đến.

Trao đổi với báo chí bên hành lang chiều 20/11, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng đầu tiên là phải xác định rõ trách nhiệm, sau đó là xử lý trách nhiệm đó.

“Lâu nay cứ nói cần làm rõ trách nhiệm, thế nhưng khi làm rõ rồi mà vẫn buông xuôi thì không giải quyết được vấn đề”, ông Học nói.

Trở lại với đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, cũng liên quan đến “lời hứa” về thủy điện, đại biểu Học nói rõ năm 2012, nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện, nhưng đến thời điểm này chưa tham mưu ban hành chính sách đó là thiếu sót của Bộ.

“Bộ trưởng Bộ Công Thương nói đó là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát trao đổi với tôi là Chính phủ mới giao cho Bộ này vào tháng 6/2013 thì không thể nào ban hành trong năm nay được”, ông Học cho biết thêm.

“Quốc hội giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương từ năm 2012chứ không phải bây giờ mới giao, như vậy là có sự đổ lỗi trách nhiệm, tôi cho rằng như thế là không được. Như vậy Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thiếu trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm”, vị đại biểu Phú Yên thêm một lần nhấn mạnh.

Vậy làm thế nào để Quốc hội có thể xem xét trách nhiệm của một vị bộ trưởng nào đó khi mà cơ chế về việc này còn chưa rõ ràng, như đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đã phân tích?

Trả lời câu hỏi này của báo giới, đại biểu Học cho rằng, Quốc hội phê chuẩn nhân sự bộ trưởng thì trong trường hợp Quốc hội ra nghị quyết mà bộ trưởng không làm hoặc chưa làm thì đó là nghĩa vụ của bộ trưởng với Quốc hội chưa thực hiện xong. Như thế thì tùy mức độ, Quốc hội sẽ xem sẽ xem xét trách nhiệm.

“Vấn đề là có xem xét hay không, chứ cơ sở pháp lý thì có đủ để xem xét, tất nhiên Quốc hội sẽ giao trách nhiệm cho Chính phủ chứ không xem xét trực tiếp. Phát biểu của tôi là thể hiện quan điểm và đề nghị Quốc hội cho chủ trương, từ chủ trương mới tiến hành quy trình xem xét, quy trình này do các cơ quan chức năng sẽ tiến hành”, ông Học giải thích thêm.