18:38 27/06/2022

Khó “chồng” khó, nhưng sao không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?

Ngân Hà

Dù đang từng bước phục hồi sau giai đoạn ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 nhưng tác động từ xung đột Nga – Ukraine cũng như chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc… đang khiến doanh nghiệp gặp khó, khó quay lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp...

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.
Toàn cảnh Hội nghị đánh giá tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.

Nhận định về tình hình doanh nghiệp tại Hội nghị đánh giá tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 ngày 27/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi sản xuất và kinh doanh.

KHÓ KHĂN VẪN BỦA VÂY

Theo “người đứng đầu” Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù 6 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá khả quan, nhiều ngành/lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng nhưng những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt vẫn rất lớn.

“Giá xăng dầu và nguyên vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn… đang tác động tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định và nhấn mạnh rằng trong bối cảnh này, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như bộ ngành khác sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tranh thủ cơ hội để tiếp tục phát triển.

Cụ thể, chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước nhưng mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD mà VITAS đặt ra “vẫn chưa thể khẳng định”.

“Bởi hiện tại, các doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng”, ông Cẩm nói.

Hơn nữa, trong bối cảnh giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, giá bông 6 tháng đầu năm đã tăng 19%, cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may lại giảm sút…

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện tại các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) phát biểu tại Hội nghị.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh những khó khăn liên quan đến giá cả nguyên vật liệu, hàng tồn kho tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Uỷ viên Ban chấp hàng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), lại nói về những áp lực mà không doanh nghiệp nào không phải đối mặt. Doanh nghiệp hiện còn đang đối mặt với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022, bởi dựa vào đó, người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng gây sức ép đòi tăng lương, tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp dựa trên mức lương tối thiểu.

“Các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 thì cho đến nay chưa có một doanh nghiệp điện tử nào được hưởng”, bà Đỗ Thị Thuý Hương thông tin.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp thủy sản buộc phải tạm dừng “đi biển” trước cơn bão “giá xăng dầu”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.

“Hiện chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 400 - 440 triệu đồng. Theo đó, chi phí cho dịch vụ loigictics/tháng của doanh nghiệp có thể lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới”, ông Nam dẫn chứng và đề xuất.

THỜI ĐIỂM PHẢI TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

Mặc dù những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt là nhiều vô kể nhưng theo đại diện các hiệp hội, ngành hàng, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.

“Điều này đè nặng lên vai doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Tình hình có thể còn nặng nề hơn trong năm 2022 khi thị trường có nhiều biến động khó lường”, VLA nhận định.

Còn theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam, để hỗ trợ cho ngành hàng không hồi phục, cần giảm thuế bảo vệ môi trường về 0%.

“Sau cú sốc đại dịch, ngành hàng không lại đối mặt với bão tăng giá xăng dầu. Trong khi đó, giá vé trần hiện nay được xây dựng trên mức giá xăng dầu 80 USD/thùng”, ông Nề cho biết.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng phải năm 2021-2022 phải là thời điểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng phải năm 2021-2022 phải là thời điểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Đặc biệt, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu hiện tượng đáng lẽ các năm 2021-2022 phải là thời điểm phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh, kiểm tra vẫn cứ diễn ra, gây khó thêm cho khu vực doanh nghiệp.

“Vì vậy, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tranh thủ cơ hội thị trường để từng bước phục hồi và bứt phá trở lại sau đại dịch, cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh cần được cải thiện mạnh mẽ hơn, kiểm tra chuyên ngành cần hợp lý hơn với doanh nghiệp khi mức độ cải thiện vấn đề có dấu hiệu chững lại”, đại diện VCCI khuyến nghị.