09:29 06/12/2019

“Không loại trừ doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm chủ lĩnh vực Fintech Việt Nam”

Quỳnh Nguyễn

Áp lực của doanh nghiệp Fintech trong nước sẽ ngày càng lớn. Một số doanh nghiệp Fintech phát triển tương đối sẽ bị các tập đoàn lớn của nước ngoài mua lại

Cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua của doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính. Và doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc cho công nghệ, trải nghiệm khách hàng nếu muốn có những lợi thế để phát triển trong tương lai

Đây là ý kiến của các diễn giả tại hội thảo "Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 5/12/2019. 

Người tiêu dùng không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào

Theo ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, các xu hướng công nghệ đang thu hút sự chú ý trên thị trường như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), ứng dụng robot (Robotics) hay 5G đang định hình lại thị trường vào tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới với hành vi khác hoàn toàn so với 5-7 năm trước đây.

Các dịch vụ có tính tiện lợi sẽ khuyến khích người dùng, và các chương trình quảng cáo, khuyến mãi cũng được "cá nhân hóa" thay vì mang tính đại chúng. Đến năm 2022, khoảng 20% lượng đơn đặt hàng sẽ đến từ đề xuất của cửa hàng thay vì đến từ nhu cầu người dùng. Dịch vụ tài chính cũng đang thay đổi rõ rệt, đặc biệt là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chức năng hoàn tiền từ thẻ tín dụng ngân hàng hay ví điện tử….

Đại diện Nielsen Việt Nam đánh giá, người tiêu dùng hiện cần sự tiện lợi, cá nhân hóa, và đặc biệt là không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào. Vậy nên chính doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu này. Với doanh nghiệp dịch vụ tài chính, nếu có những sản phẩm được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng online thì đó là một lợi thế.

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE CREDIT cho rằng, doanh nghiệp cần làm chủ công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Ví như với ứng dụng $NAP của FE CREDIT, quy trình cho vay chỉ còn 15 phút thay vì mất 4-5 ngày như trước đây; và quy trình duyệt vay không có sự tham gia của con người.

"Khách hàng ngày một thông minh hơn. Vì vậy, dịch vụ tài chính trong tương lai phải là dịch vụ tiếp cận dễ hơn, phù hợp với hành vi ngày một thay đổi của người tiêu dùng. Hành trình của khách hàng với sản phẩm dễ chịu hơn, dễ dàng hơn" – Ông Kalidas Ghose nhận định. 

Niềm tin của khách hàng vào giao thức mới

Tổng giám đốc FE CREDIT đánh giá ngành dịch vụ tài chính thời số hóa Việt Nam vẫn còn non trẻ chỉ mới phát triển mạnh 2 năm nay và có tiềm năng lớn để phát triển.

Nghiên cứu của Nielsen thực hiện hàng tháng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM cho thấy, có khoảng 25% khách hàng, nằm trong độ tuổi 18-25 đang sử dụng dịch vụ tài chính nói chung. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Số liệu này cho thấy tiềm năng tăng trưởng từ nhu cầu giao dịch tài chính của giới trẻ.

Ở thái cực khác, các diễn giả đồng tình rằng, các công ty fintech mang đến dịch vụ bổ sung cho ngành ngân hàng, các ngân hàng và công ty fintech sẽ tiếp tục bổ trợ, mối quan hệ này ngày càng thuận tiện hơn và kết dính hơn chứ không đối nghịch nhau.

Tuy nhiên, từ góc nhìn thận trọng, ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng Giám đốc Công ty Finteck cho rằng, công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận những thị trường mới nhanh hơn và mạnh hơn. Nhưng việc này cũng đồng thời mở ra những cơ hội tương đương cho các đối thủ, vì vậy doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm và kỹ năng phục vụ liên tục để có thể cạnh tranh được.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ly áp lực của doanh nghiệp Fintech trong nước sẽ ngày càng lớn vì các doanh nghiệp nước ngoài có tốc độ thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường rất nhanh. Đồng thời một số doanh nghiệp Fintech phát triển tương đối thì sẽ bị các tập đoàn lớn của nước ngoài mua lại. Vì vậy về lâu dài,  không loại trừ khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm chủ lĩnh vực fintech của Việt Nam.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại Học Kinh tế Tp. HCM cho rằng, một trong những rào cản nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế số đặt ra là làm sao khắc phục được lòng tin, tín nhiệm của khách hàng vào giao thức, mô hình kinh doanh mới. 

"Từ lòng tin đi đến thái độ và ứng xử của cộng đồng. Đơn cử, người ta đang tranh cãi về Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số hay là một hình thái tiền tệ thay thế đồng tiền truyền thống. Theo tôi, giả sử Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước Say Yes (nói đồng ý) với Bitcoin, Bitcoin sẽ thay thế các đồng tiền tệ, lịch sử thế giới sẽ sang trang mới. Nếu Ngân hàng Trung ương các nước và người dân không chấp nhận, không tin tưởng vào Bitcoin thì Bitcoin sớm chấm dứt sứ mệnh của nó. Vì vậy, chính thái độ và lòng tin sẽ quyết định vận mệnh của các giao thức kinh doanh mới" – ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo.

Đồng ý với ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Quan hệ khách hàng Nielsen Việt Nam bổ sung thêm thái độ của chúng ta với sự thay đổi.

"Lãnh đạo và nhân viên có đồng lòng thay đổi không? Sản phẩm tốt phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu; xác định khách hàng mục tiêu; quản lý trải nghiệm khách hàng. Chúng ta cần vẽ ra hành trình khách hàng, chiến lược trải nghiệm khách hàng, tại từng điểm chạm có nhiều thứ chúng ta cần phải xem xét" - bà Hà lưu ý.

Thị trường tài chính tiêu dùng hiệu quả sẽ giúp hạn chế tín dụng đen

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Tp. HCM cho biết, hiện tại cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương ủng hộ và ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế đặc biệt là các tổ chức tín dụng.

Trung ương đã có nghị quyết 52 – NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong thời gian qua, các Ngân hàng thương mại đã chủ động áp dụng công nghệ 4.0 đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, nếu Việt Nam phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì đây là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tín dụng đen. Tín dụng đen hình thành do nhiều nguyên nhân khách quan, hầu như nước nào cũng có. Nhưng hậu quả ở Việt Nam nói chung, Tp.HCM nói riêng là khá năng nề, do đó, đòi hỏi có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tín dụng đen.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng trong 3 năm qua, hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển mạnh. Riêng tại TP. HCM, dư nợ cuối tháng 10/2019 là 450.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, tăng trưởng bình quân 36%/năm trong 3 năm 2016 – 2018. Chính mức tăng trưởng nhanh nói trên đã có khá nhiều tác động tích cực ngăn chặn/hạn chế tín dụng đen.

Cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành khung pháp lý quan trọng, ban hành Thông tư 43 quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18 sửa đổi bổ sung Thông tư 43: điều chỉnh mức giải ngân; điều chỉnh hành vi thu nợ/nhắc nợ, số lần nhắc nợ, đối tượng nhắc nợ; điều chỉnh tính công khai minh bạch thông tin – hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi, lãi suất….

Ông Minh đánh giá, thị trường tài chính thời số hóa sẽ an toàn hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn.