Khủng hoảng khí đốt leo thang, châu Á bắt đầu tích trữ cả dầu “bẩn” cho mùa đông
Theo Bloomberg, châu Á đang tích trữ dầu nhiên liệu (fuel oil, còn gọi là dầu mazut, dầu đốt lò) để sản xuất điện trong mùa đông sớm hơn thường lệ do tình trạng thiếu khí đốt đang khiến các nước gác lại mối lo về môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng...
Theo dữ liệu từ công ty thông tin năng lượng Vortexa, nhập khẩu dầu nhiên liệu - loại có thể dùng để thay khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện - của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất 4 năm trong tháng 8 và được dự báo tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Tháng trước, Đài Loan và Bangladesh cũng tăng gấp đôi lượng nhập khẩu mặt hàng này so với cùng kỳ năm trước.
Dầu nhiên liệu có mức độ gây ô nhiễm cao và chủ yếu được dùng cho tàu thủy, từ lâu là một lựa chọn dự phòng cho việc phát điện trong trường hợp nguồn cung khí đốt khan hiếm. Năm nay, việc sử dụng dầu nhiên liệu tăng lên đáng kể khi Nga siết chặt nguồn cung khí đốt khiến giá mặt hàng này tăng vọt. Dù đang tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang ưu tiên việc đảm bảo nguồn cung điện hơn là cắt giảm lượng khí thải.
“Nhập khẩu dầu nhiên liệu của Nhật có thể sẽ vẫn tăng trong những tháng tới”, ông Roslan Khasawneh, nhà phân tích cấp cao của Vortexa, dự báo. “Những nơi khác tại châu Á sản đang xuất điện từ dầu như Đài Loan, Hàn Quốc và Pakistan ít nhất sẽ duy trì mức nhập khẩu hiện tại”.
Bên cạnh dầu nhiên liệu, các nước châu Á cũng chuyển sang than đá để phục vụ sản xuất điện. Các nhà máy điện than đang được kéo dài thời hạn sử dụng.
Dầu nhiên liệu có mức độ gây ô nhiễm cao và chủ yếu được dùng cho tàu thủy, từ lâu là một lựa chọn dự phòng cho việc phát điện trong trường hợp nguồn cung khí đốt khan hiếm.
Theo ông Khasawneh, bất kỳ quyết định giảm mua khí đốt Nga của Nhật Bản – nước nhập khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới – cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với dầu nhiên liệu và các mặt hàng tương tự khác.
Thông thường, các quốc gia ở Bắc Á, nơi áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt hơn, tăng cường mua dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp sạch hơn trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 2. Trong khi đó, các nước Nam Á thường mua dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao vào mùa hè khi nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng cao. Giá giảm – một phần do nguồn cung từ Nga dồi dào hơn – là một trong những nguyên nhân khiến cả hai mặt hàng này trở nên hấp dẫn hơn trong năm nay.
Các quốc gia châu Á, đặc biệt ở phía Bắc, đang tiến tới loại bỏ các nhà máy điện sử dụng dầu nhiên liệu, nhưng tình trạng thiếu năng lượng thời gian qua đang buộc họ phải đánh giá lại việc này. Các nhà máy điện thường được thiết kế để sử dụng một loại nhiên liệu chính và không nhiều nhà máy có khả năng linh hoạt để chuyển sang nhiên liệu khác.
“Dù trước đây chúng ta từng chứng kiến một giai đoạn loại bỏ nhanh chóng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu lỏng, nhưng vẫn có tiềm năng để tăng hiệu suất sử dụng các nhà máy này”, nhà phân tích Sofia Guidi Di Sante tại Rystad Energy – công ty có trụ sở tại Oslo, Na Uy, cho biết.
Nhà phân tích thị trường dầu châu Á JY Lim, Asia oil của S&P Global Commodity Insights dự báo nhu cầu dầu nhiên liệu để sản xuất điện của châu Á có thể vẫn ở mức cao ít nhất tới đầu năm 2023 do giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng.
Trong khi các nước Bắc Á giàu hơn đang chuyển sang dùng dầu nhiên liệu để bổ sung cho khí đốt tự nhiên để sản xuất điện, các nước nghèo hơn ở Nam Á hầu như không theo kịp đà tăng giá trên thị trường khí đốt và đang phải đối phó với tình trạng mất điện. Do vậy, các nước này cần thêm các lựa chọn nhiên liệu thay thế để ngăn cuộc khủng hoảng thiếu điện trở nên trầm trọng hơn.
Theo các nhà phân tích, dù theo hướng nào, thì hiện tại, mối quan tâm về môi trường đang bị gạt sang một bên. Điều này cho thấy cuộc chiến khí đốt ở châu Âu đang gây cản trở cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu toàn cầu.