13:00 10/01/2022

Khung pháp lý chưa theo kịp thực tế phát triển game online

Đỗ Phong

Mặc dù ngành game Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn và là một trong những mũi nhọn trong nền kinh tế số, nhưng theo các chuyên gia, hiện nay khung pháp lý cho vấn đề này vẫn chưa đủ để theo kịp thực tế phát triển, nhất là trước những xu thế công nghệ mới...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2021 vừa qua, NFT nổi lên như một từ khóa của năm. Các công nghệ như Blockchain, GameFi (kết hợp giữa Game và DeFi, là một lĩnh vực tài chính được game hóa, nơi người dùng có thể kiếm lợi nhuận bằng cách chơi game), Metaverse và tài sản số… đang trở thành những vấn đề nóng trong giai đoạn hiện nay. Thị trường game lĩnh vực này đã xuất hiện những doanh nghiệp được định giá cả tỷ USD và hút vốn lớn từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp.

MŨI NHỌN TRONG NỀN KINH TẾ SỐ

Chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến tại Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (ISP), nhận định ngành game đang là một mũi nhọn trong nền kinh tế số của Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, nhìn nhận về trào lưu đi ra toàn cầu hay xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số thì ngành nội dung số mà đặc biệt là ngành game mobile (di động) có thể coi là điểm sáng bởi có thể tiếp cận được thị trường người dùng trên toàn cầu.

Thống kê cho thấy cứ 25 game mobile được tải lên các kho ứng dụng thì có 1 game là của Việt Nam. Trong 10 game mobile được nhiều người chơi nhất thường có khoảng 5-6 game đến từ Việt Nam. Trong số đó, Sky Mavis nổi lên như một hiện tượng thành công của game lĩnh vực này trong năm 2021.

Sky Mavis nổi lên như một hiện tượng thành công của game lĩnh vực này trong năm 2021.
Sky Mavis nổi lên như một hiện tượng thành công của game lĩnh vực này trong năm 2021.

Đánh giá về tiềm năng của ngành game Việt Nam, ông Dương Vi Khoa, Phó Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam cho biết, game online đã xuất hiện ở nước ta gần 20 năm, gần đây đã bắt đầu phát triển hệ thống game thi đấu và dần dần được công nhận trở thành một bộ môn thể thao điện tử có thể đi thi ở SEA Games. Đặc biệt, nhờ công nghệ livestream, bộ môn thể thao điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia, quan tâm theo dõi của giới trẻ. Điều đó cho thấy, thị trường game Việt Nam đang phát triển nhanh và mạnh.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp làm game, ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sky Mavis, nhấn mạnh từ đầu năm 2021 đến nay, sự tác động của game Blockchain trên thị trường là rất lớn. Từ vị trí thiết kế, phát hành game, hiện nay Việt Nam còn được biết đến là một quốc gia có phong trào, năng lực trong thực hiện xây dựng game trên nền tảng công nghệ Blockchain.

Đối với những người làm game, đây như một “luồng gió” mới. Thay vì phải loay hoay, vật lộn với thị trường game truyền thống cạnh tranh như trước đây, thì hiện nay, các doanh nghiệp có thêm nhiều động lực để làm ra sản phẩm lớn hơn nữa phục vụ thị trường.

TÁC ĐỘNG LAN TỎA TỚI NHIỀU NGÀNH KINH TẾ XÃ HỘI

Mặc dù một bộ phận xã hội vẫn còn cái nhìn chưa thiện cảm về tác động tiêu cực của game, tuy nhiên ở một góc độ khác, công nghiệp game đã và đang mang lại những giá trị và có tác động đối với các lĩnh vực, ngành nghề khác trong cuộc sống.

Theo ông Khoa, ngành game ở Việt Nam không chỉ có tiếng trong khu vực về phát hành game mà các studio game đã gia công cho nhiều studio game lớn trên thế giới. Thời gian qua đã có sự chuyển mình khi các doanh nghiệp Blockchain và studio game bắt tay phát triển. Trong 6 tháng qua, đã có hơn 100 dự án game ra đời và phát hành trên thị trường.

 
Blockchain sẽ là một xu hướng công nghệ và đã phát triển thêm nhiều ứng dụng mới trong cuộc sống chứ không chỉ là tiền mã hóa và các giao dịch như trước đây...

Đáng chú ý, có một số dự án game chuyển hướng sang công nghệ Metaverse đã mang lại những giá trị ngoài game, có ảnh hưởng đến một số lĩnh vực khác. Các đơn vị liên quan đang có sự kết hợp để đưa vào những ứng dụng của đời sống chứ không thuần túy chỉ là game hoặc gameFi.

Chia sẻ quan điểm này, ông Trung cho rằng, game là một hình thức hiệu quả để đưa mọi người kể cả người biết rất ít về công nghệ có thể tiếp xúc công nghệ mới. Minh chứng trước đây có những người chưa có tài khoản ngân hàng nhưng thông qua game đã lập tài khoản, ví điện tử, sở hữu những tài sản, vật phẩm trong game, biết thực hiện trao đổi, mua bán qua công nghệ số...

Như vậy, game có thể được sử dụng như là phương tiện để đưa mọi người đến gần hơn với công nghệ. Thông qua cách tiếp cận này, ngành game cũng thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, trước hết là những ngành có liên quan trực tiếp như công nghệ truyền thống. Ngoài ra, các ngành kinh tế, tài chính và kể cả luật cũng cần phát triển thì mới có thể theo kịp xu hướng công nghệ mới.

Một câu hỏi được đặt ra, các tài sản mã hóa, tiền số, NFT đang rất nóng hiện nay liệu chỉ là tài sản “bong bóng” nhất thời hay sẽ là một xu hướng công nghệ mang tính đột phá, bền vững và có thể tạo ra tác động lớn hơn nữa?

Nhìn lại lịch sử bong bóng Dotcom, ông Khoa cho rằng đã có nhiều công ty phát triển bùng nổ, thậm chí đã trở thành những “tượng đài” công nghệ hiện nay. Với Blockchain cũng sẽ là một xu hướng công nghệ và đã phát triển thêm nhiều ứng dụng mới trong cuộc sống chứ không chỉ là tiền mã hóa và các giao dịch như trước đây.

CẦN HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BỨT PHÁ

Các chuyên gia nhấn mạnh, tiềm năng của ngành game là rất lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang phải đối mặt với rào cản, nhất là vấn đề pháp lý, trong đó các doanh nghiệp quan tâm tới các vấn đề đăng ký hoạt động, về tài sản số, thuế…

Theo các chuyên gia, hiện nay khung pháp lý cho vấn đề này ở Việt Nam vẫn chưa đủ để theo kịp thực tế phát triển. Có nhiều doanh nghiệp game đang đăng ký thành lập ở Singapore, đóng thuế ở đó thay vì ở Việt Nam. Trong khi đó, toàn bộ đội ngũ phát triển sản phẩm lại ở Việt Nam.

 
Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong cuộc đua công nghệ mới, nhất là Blockchain. Tuy nhiên, cần có những kiến thức, nền tảng, hệ sinh thái, có các cơ chế chính sách cụ thể để duy trì tốc độ phát triển nhanh. Yếu tố mấu chốt nhất để thúc đẩy phát triển vẫn là cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể cho vấn đề này.

Trước sức nóng của các vấn đề tài sản số, đồng tiền số, NFT một mặt góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nhưng cũng tạo ra những lo ngại khi chưa có một hành lang pháp lý, quy trình phát hành tài sản số rõ ràng. “Điều này có nguy cơ dẫn đến việc tranh chấp hoặc nảy sinh các hình thức lừa đảo người dùng, gian lận tài chính. Đây là những vấn đề nóng đặt ra cho sự phát triển của kinh tế số ở Việt Nam nói chung và ngành game nói riêng”, ông Đồng nói.

Liên quan đến vấn đề về quản lý thuế đối với các giao dịch tài sản mã hóa, bà Nguyễn Lan Phương, Viện IPS cho biết, hiện nay chưa có quy định về việc NFT, tiền mã hóa là tài sản nên giao dịch với loại hình này chưa được coi là giao dịch chuyển nhượng tài sản. Do đó chưa thể đánh thuế vào phần lợi tức phát sinh của chủ thể tham gia và trao đổi NFT hay tiền mã hóa.

Ngoài ra, đối với chủ thể kinh doanh trò chơi Blockchain, vốn hóa của doanh nghiệp này là dựa trên giá trị quy đổi của số lượng tiền mã hóa phát hành tương tự như xác định vốn hóa của một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Số tiền này không phải là cơ sở thu thuế thu nhập doanh nghiệp mà phải tính thực tế doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, bà Phương cho rằng xu hướng game Fi hay giao dịch tiền mã hóa hiện đang đặt ra nhiều câu hỏi về mặt chính sách.

Đề cập vấn đề xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển ở trò chơi trực tuyến gắn với xu hướng công nghệ Blockchain, vật phẩm tài sản ảo, tiền mã hóa, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thừa nhận chúng là tài sản là một điều tất yếu, vì nó đã, đang và sẽ tồn tại. Điều quan trọng là công nhận một cách chính thức hay thừa nhận theo kiểu bỏ ngỏ.

Dẫn các văn bản pháp lý liên quan, ông Đức cho biết, điều 3.27 Nghị định 72/2013 quy định đơn vị tiền ảo một loại công cụ cung cấp dịch vụ dùng để trao đổi mua bán vật phẩm ảo, điểm thưởng, kỹ năng trong trò chơi. Còn Thông tư 24/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông có giải thích vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng… không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng, hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử. Đặc biệt, quy định rõ không được mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, tiền thưởng giữa những người chơi với nhau.

Luật sư Đức cho rằng, nếu như muốn thay đổi quan điểm, dần vận động xây dựng khung chính sách riêng thì cần đi từ những thông tư, nghị định như trên. Nếu công nhận thì phải sửa đổi bổ sung nhiều luật và văn bản dưới luật như: dân sự, đầu tư kinh doanh, giao dịch điện tử, ngân hàng, thuế, phòng chống rửa tiền… Đưa ra một số vụ việc trong thời gian qua liên quan đến tiền ảo, chuyên gia này nhấn mạnh, đây là thách thức pháp luật đối đối với việc công nhận các vật phẩm NFT cũng như đồng tiền mã hóa.

Trong khi chưa có văn bản chính thức, các doanh nghiệp, cá nhân đang tự do phát hành cung ứng, mua bán trao đổi, giao dịch, đầu tư kinh doanh... tài sản số nói chung và tiền ảo nói riêng. Các chuyên gia cho rằng rất cần phải xây dựng cơ chế để quản lý thử nghiệm với các loại tài sản và giao dịch này cũng như các loại hình như gameFi. “Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong cuộc đua công nghệ mới, nhất là Blockchain. Tuy nhiên, cần có những kiến thức, nền tảng, hệ sinh thái, có các cơ chế chính sách cụ thể để duy trì tốc độ phát triển nhanh trong tương lai. Yếu tố mấu chốt nhất để thúc đẩy phát triển hiện nay vẫn là cơ chế chính sách pháp luật phải rõ ràng, cụ thể cho vấn đề này”, ông Trung nói.