Kiểm soát việc chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư
Dự thảo hiện chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán nhưng chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra. Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Do đó cần bổ sung nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra...

Điều này được đại biểu Quốc hội chỉ ra khi thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) ngày 22/5.
ĐỀ XUẤT THANH TRA ĐỘT XUẤT NHIỀU HƠN THANH TRA KẾ HOẠCH
Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Tp. Hồ Chí Minh, dự thảo luật chủ yếu tập trung việc xây dựng thanh tra 2 cấp. Nêu ý kiến băn khoăn về hoạt động thanh tra chuyên ngành, đại biểu mong muốn khi xây dựng nghị định và thông tư sẽ có đầu tư thích đáng cho các quy định kiểm tra chuyên ngành đúng quy định.
Đại biểu cũng băn khoăn, dự thảo Luật chủ yếu tập trung vào phòng, chống lạm quyền, tiêu cực của thanh tra, trong khi quyền hạn, sức mạnh làm cho thanh tra hiệu quả hơn thì... chưa có giải pháp tận gốc rễ.
Đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, ngay từ xây dựng luật, thanh tra bị "trói tay, trói chân" rất nhiều. "Tại sao chúng ta không có những quy định thoáng hơn để có thể thanh tra đột xuất được nhiều hơn là thanh tra kế hoạch?".
Nêu vấn đề này, đại biểu Lan cho rằng thanh tra kế hoạch hầu như không có hiệu quả vì phải công khai danh sách, thống nhất từ đầu năm và phải có sự phê duyệt của cấp trên; sau đó, trước khi đi thanh tra phải có thông báo cho đơn vị được thanh tra để chuẩn bị.

"Điều này làm hạn chế rất nhiều yếu tố bất ngờ. Kinh nghiệm cho thấy, trước vấn đề sữa giả, thực phẩm chức năng giả hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm nhưng lực lượng thanh tra đi đến đâu là hàng hóa giấu hết, các nhà thuốc đều nói không bán thực phẩm chức năng…Rất khó bắt quả tang khi làm việc gì có kế hoạch, rầm rộ thông tin trước”, đại biểu Lan nói.
Góp ý quy định về mục đích của hoạt động thanh tra ở Điều 3 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung tăng cường niềm tin xã hội, củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách hành chính.
Bởi lẽ, “mục tiêu của thanh tra không chỉ là phát hiện sai phạm mà còn hướng đến việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy liêm chính và minh bạch trong hệ thống quản lý nhà nước và để phù hợp với mục tiêu về chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết 168 của Chính phủ ngày 11/10/2023”, đại biểu Nguyễn Tạo nói.
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, đại biểu kiến nghị cần quy định bổ sung nguyên tắc bảo mật thông tin nhằm thực hiện các hoạt động thanh tra có hiệu lực và hiệu quả.

Tại khoản 3 Điều 4, đại biểu kiến nghị cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí không trùng lặp về nội dung khi tiến hành thanh tra giữa các cơ quan có chức năng thanh tra như bổ sung kế hoạch thanh tra phải được công khai và chia sẻ thông tin với cơ quan Kiểm toán nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan trong quá trình thanh tra để bảo đảm tính thống nhất và tránh chồng chéo.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung ở khoản 4 Điều 4 dự thảo nội dung: Trường hợp phát hiện có sự trùng lặp hoặc chồng chéo thì cơ quan thanh tra cấp trên phải có trách nhiệm phối hợp điều chỉnh hoặc tạm dừng kế hoạch thanh tra để bảo đảm rõ ràng, hiệu quả, tránh gây phiền hà cho đối tượng thanh tra.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra được ghi nhận ở Điều 6, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ ràng hơn hành vi cố ý không quyết định thanh tra để tránh lạm quyền. Cùng với đó quy định rõ ràng về hành vi sách nhiễu gây khó khăn, phiền hà, như yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra hoặc kéo dài thời hạn thanh tra không có lý do chính đáng.
CẦN CƠ CHẾ ĐIỀU PHỐI CỤ THỂ ĐỂ TRÁNH CHỒNG CHÉO TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA
Đồng tình với Ban soạn thảo về việc thống nhất khái niệm thanh tra không phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn Tp.Hà Nội nhấn mạnh, đây là tiếp cận phù hợp với thực tiễn vì nhiều cuộc thanh tra hiện nay mang tính kết hợp rất khó phân định rạch ròi.
Theo đại biểu Hà, việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng thống nhất đã khắc phục bất cập này, sau khi tinh gọn bộ máy, chức năng thanh tra chuyên ngành vẫn tiếp tục được duy trì để đảm bảo tính đầy đủ, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 16 của dự thảo chưa thể hiện rõ việc kế thừa, tiếp nhận chức năng thanh tra chuyên ngành ở những nơi không còn tổ chức thanh tra. Do đó, đại biểu kiến nghị sửa quy định tại Điều 10, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ: “Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của bộ, không có thanh tra bộ”. Điều 16, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh: “Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của sở, không có thanh tra sở”.

Về vấn đề trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, theo Luật Thanh tra hiện hành và mô hình tổ chức trước sắp xếp, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thường có bộ phận thanh tra chuyên ngành thực hiện cả thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư. Trong thực tiễn, 2 hoạt động này được triển khai song song, không được phân biệt rõ ràng.
Tuy nhiên, theo dự thảo luật và hệ thống thanh tra sau sắp xếp, 2 hoạt động này đã được tách bạch, thanh tra là hoạt động do cơ quan thanh tra chuyên trách thực hiện, còn kiểm tra là chức năng của thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc phạm vi trách nhiệm nội bộ.
Điều 61 dự thảo quy định "Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong phạm vi quản lý".
Theo đại biểu, “dự thảo hiện chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán nhưng chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, trong khi đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư”
Trích dẫn Nghị quyết 68-NQ/TW 2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, nêu rõ việc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng, đại biểu Hà cho rằng “nếu không có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra, sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này”.
Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung khái niệm “kiểm tra” để làm rõ tính chất, chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện; đồng thời bổ sung nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra; giao Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh giữ vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.
Liên quan đến trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu tiến hành thanh tra khoản 1 Điều 22 dự thảo, theo luật hiện hành quy định thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thể yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp biến thành thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Đại biểu cho rằng quy định này phù hợp với mô hình trước đây, khi cơ quan thanh tra thuộc nội bộ cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, sau khi hệ thống thanh tra được tổ chức, sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy thống nhất, nhiều bộ, ngành không còn cơ quan thanh tra trực thuộc. Trong bối cảnh đó, việc dự thảo tiếp tục dùng từ "yêu cầu" là không còn phù hợp vì quan hệ giữa cơ quan quản lý và cơ quan thanh tra giờ đây mang tính chất phối hợp, không còn là mệnh lệnh hành chính.
Do đó đại biểu kiến nghị sửa đổi (khoản 1 Điều 22) từ "yêu cầu" thành từ "đề nghị" để phản án đúng bản chất pháp lý và mô hình tổ chức mới. Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khi đề nghị thanh tra, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm, đồng thời cần quy định điều kiện, cơ chế tiếp nhận, đề nghị để cơ quan thanh tra thực hiện đúng thẩm quyền, không làm thay vai trò quản lý nhà nước.
