Thanh tra Chính phủ: Sai phạm ở 2 dự án bệnh viện “có tính hệ thống”
Thanh tra Chính phủ xác định vi phạm pháp luật trong triển khai 2 dự án xảy ra ở hầu hết các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, từ phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến tổ chức thực hiện các gói thầu...

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo kết luận thanh tra, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối trong đó có 2 dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án y tế trọng điểm.
Hai dự án có tổng mức đầu tư 9.958 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 9.000 tỷ đồng; quy mô mỗi dự án 1.000 giường bệnh; thời gian thực hiện dự án ban đầu từ năm 2014 đến năm 2017. Năm 2019, Bộ Y tế có quyết định gia hạn đến hết năm 2020, sau đó năm 2023, tiếp tục có quyết định gia hạn đến hết năm 2024.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, sai phạm dẫn đến phải dừng thi công từ tháng 1/2021 đến nay, không đạt được mục tiêu đề ra, gây lãng phí thiệt hại ngân sách.
BÁO CÁO KHÔNG TRUNG THỰC, KHÁCH QUAN
Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư cố ý trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài khi chưa làm rõ khả năng đáp ứng của đơn vị trong nước.
Chủ đầu tư cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng khi báo cáo không trung thực, không khách quan, không đủ cơ sở đáp ứng điều kiện áp dụng phương thức tuyển chọn đơn vị tư vấn. Việc lập, thẩm tra chi phí thuê tư vấn nước ngoài không có cơ sở, cao hơn nhiều lần định mức quy định.
Trong Thông báo số 417 ngày 9/5/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo xác định Công ty VK Group (Vương quốc Bỉ) là đơn vị tư vấn lập dự án khi chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Việc trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập dự án mang tính chủ quan, cố ý lựa chọn tư vấn nước ngoài là Công ty VK Group khi chưa đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện về năng lực, kinh nghiệm của tư vấn trong nước, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đấu thầu và quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
Kết luận nêu rõ, việc lập, phê duyệt dự án đầu tư thiếu nội dung theo quy định, một số nội dung còn hạn chế dẫn đến phải thay đổi, điều chỉnh ngay sau khi ký kết hợp đồng làm tăng tổng mức đầu tư với số tiền tạm tính khoảng 503 tỷ đồng, gây lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Quá trình thực hiện một số gói thầu tư vấn, thi công, cung cấp thiết bị… có nhiều vi phạm xảy ra.
Đối với 4 gói thầu tư vấn (TV4/2014, TV5/2014, TVBM-04 và TVVĐ-04), có việc cố ý vi phạm quy định về đấu thầu, xây dựng như nhà thầu không đủ điều kiện, chỉ định thầu sai quy định, cố ý báo cáo sai, không trung thực khi đánh giá hồ sơ dẫn đến sai lệch kết quả chỉ định thầu…
Quá trình thương thảo, ký kết các hợp đồng tư vấn cũng có sai phạm, giá trị hợp đồng được ký cao hơn nhiều lần giá trị tính theo định mức.
Cụ thể, giá hợp đồng tư vấn lập dự án cao gấp khoảng 5,6 lần (số tiền cao hơn tạm tính khoảng hơn 35,8 tỷ đồng với 2 dự án).
Giá trị hợp đồng của công tác tư vấn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công của dự án (trong đó, giá trị 2 hợp đồng tư vấn thiết kế kiến trúc chiếm 72% tổng giá trị) cao gấp khoảng 2,3 lần (số tiền cao hơn tạm tính khoảng hơn 69 tỷ đồng với 2 dự án).
Như vậy, tổng giá trị hợp đồng cao hơn giá trị tính theo Định mức 957 khoảng 104,86 tỷ đồng. Tổng giá trị đã thanh toán cho các hợp đồng cao hơn giá trị tính theo Định mức 957 tạm tính khoảng 80 tỷ đồng. Điều này gây thiệt hại ngân sách số tiền tạm tính khoảng 80 tỷ đồng.
CÓ DẤU HIỆU SAI PHẠM VỀ ĐẤU THẦU
Thanh tra Chính phủ xác định vi phạm pháp luật trong triển khai 2 dự án xảy ra ở hầu hết các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, từ phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến tổ chức thực hiện các gói thầu. Các vi phạm có tính hệ thống, vi phạm sau có nguyên nhân từ vi phạm trước.
Những vi phạm này trực tiếp dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả, không sử dụng hết nguồn vốn được cấp, gây lãng phí lớn, có dấu hiệu thiệt hại.
Trong đó, nguyên nhân khách quan do pháp luật đấu thầu, xây dựng có sự thay đổi, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật chậm được ban hành. Ngoài ra, quá trình triển khai 2 dự án có nhiều biến động về nhân sự và phương thức quản lý dự án, ảnh hưởng do dịch Covid 19… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là trước tiên, cơ bản và chủ yếu do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, tài liệu vụ việc có dấu hiệu sai phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đến Bộ Công an để xem xét điều tra, xử lý liên quan đến 4 gói thầu tư vấn, gói thầu thiết bị y tế.