Kinh tế khó khăn, biên lợi nhuận của nhiều ngân hàng Trung Quốc thấp tới mức báo động
Trong số 58 ngân hàng được phân tích, có 47 đơn vị - tương đương tỷ lệ 81% - có NIM thấp hơn 1,8%. Vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid, tỷ lệ ngân hàng có biên lãi ròng như vậy là 10%...

Theo phân tích của tờ báo Nikkei Asia, trong bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng kéo dài và lãi suất cho vay giảm, biên lãi ròng (NIM) của khoảng 80% ngân hàng tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới ngưỡng cảnh báo báo của ngành. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính ổn định của hệ thống nhà băng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phân tích cho thấy 54 trên 58 ngân hàng thương mại niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông ghi nhận biên lãi ròng năm 2024 giảm so với năm trước.
Biên lãi ròng là số liệu được tính bằng cách lấy số tiền lãi thu về từ các khoản cho vay trừ đi tiền lãi chi trả cho các khoản tiền gửi tại ngân hàng. Biên lãi ròng càng cao, ngân hàng càng có lợi nhuận cao và tính ổn định lớn.
Theo một hiệp hội ngân hàng Trung Quốc, ngưỡng cảnh báo của biên lãi ròng ngân hàng là 1,8%. Hiệp hội này sử dụng biên độ lãi suất và các tiêu chí khác để đánh giá mức độ lành mạnh của các ngân hàng và trừ điểm khỏi tổng điểm nếu biên độ giảm xuống dưới ngưỡng cảnh báo.
Trong số 58 ngân hàng trong phân tích trên, có 47 đơn vị - tương đương tỷ lệ 81% - có NIM thấp hơn 1,8%. Vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid, con số này là 10%.
Tại Trung Quốc, hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp và và hộ gia đình thời gian qua đình trệ trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản dai dẳng và nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng. Nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần hạ lãi suất để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm khiến biên lãi ròng của các nhà băng liên tục giảm mạnh.
Theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc (NFRA), vào cuối năm 2024, biên lãi ròng bình quân toàn ngành ngân hàng Trung Quốc, bao gồm cả các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ chưa niêm yết, là 1,52%. Con số này giảm 0,17 điểm phần trăm so với một năm trước và là mức thấp kỷ lục.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục đối mặt nhiều thách thức lớn do tiêu dùng nội địa suy yếu. Xuất khẩu suy giảm do chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến tình hình thêm tồi tệ. Trong bối cảnh này, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và hộ gia đình sụt giảm mạnh do lo lắng về triển vọng tương lai.
Vào tháng 4, mức lãi suất bình quân của khoản vay mới tại các ngân hàng Trung Quốc ghi nhận mức thấp kỷ lục mới là 3,2%. Do đó, giới chuyên gia cho rằng biên lãi ròng của các nhà băng Trung Quốc hiện tại thậm chí đã giảm sâu hơn so với thời điểm cuối năm ngoái.
Để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, điều này gây ra rủi ro tài chính cho các nhà băng bởi đây là nhóm doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ cao hơn so với doanh nghiệp lớn uy tín.
Giới nhà băng Trung Quốc đã bắt đầu bày tỏ quan ngại về tình hình hiện tại.
“Điều chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là rủi ro tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mối lo ngại này không phải là không có cơ sở”, ông Pan Huafu, Phó chủ tịch Ngân hàng Hàng Châu, cho biết tại họp báo công bố kết quả kinh doanh mới đây.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Shinichi Seki của Viện nghiên cứu Nhật Bản, “rủi ro của bên vay không được phản ánh trong lãi suất. Do đó, các khoản vay có nguy cơ trở thành nợ xấu có thể đang tăng lên”.
Ông Seki ước tính tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc vào cuối năm 2024 ở mức 7,8%, theo số liệu từ nhóm ngân hàng niêm yết. Phần lớn rủi ro nằm ở lĩnh vực bất động sản.
Trong trường hợp sức khỏe của các nhà băng giảm sút và việc xử lý nợ xấu bị chậm trễ, các ngân hàng có thể sẽ không muốn cho vay hoặc thu hồi khoản vay. Điều tương tự từng xảy ra tại Nhật vào những năm 1990 và có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế hơn nữa.
Nằm trong nỗ lực xoa dịu mối lo ngại về vấn đề tài chính, hồi tháng 3, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch bơm 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 70 tỷ USD) vào nền kinh tế thông qua các ngân hàng quốc doanh lớn.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc bơm vốn qua các nhà băng lớn là chưa đủ, bởi ngân hàng vừa và nhỏ tại các khu vực nông thôn Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn ảm đạm.
“Tất cả những gì các ngân hàng nhà nước lớn có thể làm là giải cứu nhóm nhà băng vừa và nhỏ bằng cách sáp nhập và mua lại, từ đó dần giải quyết các khoản nợ xấu của họ”, ông Naoki Tsukioka, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Research & Technologies, nhận định. “Nhưng rất khó để giải quyết một cách nhanh chóng và căn bản tất cả các vấn đề liên quan tới tài chính”.