15:06 27/05/2025

“Giàu và ngây thơ”, nhiều người Singapore mắc bẫy lừa đảo trực tuyến

An Huy

Trong 2 năm qua, người Singapore nằm trong nhóm bị dính lừa đảo trực tuyến nhiều nhất trên toàn thế giới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Laurence Pang - một diễn viên người Singapore - luôn tự nhủ phải cảnh giác với những vụ lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến, nhưng khi gặp một phụ nữ trẻ người Philippines có tên là Mika trên một trang web hẹn hò, ông đã vui vẻ trò chuyện với cô.

Sau nhiều tháng, Mika đã thuyết phục được Pang - người đã xuất hiện trong nhiều bộ phim sitcom nổi tiếng ở đảo quốc sư tử  và có một sự nghiệp diễn xuất lâu năm - đầu tư gần 40.000 đôla Singapore (30.000 USD) vào tiền điện tử vào một dự án thương mại điện tử. Khi phát hiện không tiếp cận được khoản đầu tư của mình, Pang đã gọi điện video Mika, và phát hiện ra rằng người trong video không giống với những bức ảnh mà ông đã nhìn thấy trên trang cá nhân của Mika.

“Giống như nhiều người trong độ tuổi của tôi, tôi đã quen với việc nhận được những tin nhắn trông có vẻ hài hước. Nhưng lần này thì tinh vi hơn nhiều”, người đàn ông 78 tuổi nói với tờ báo Financial Times.

NHỮNG TRÒ LỪA ĐẢO PHỔ BIẾN

Ông Pang chỉ là một trong số hàng chục nghìn người Singapore bị lừa qua mạng trong năm ngoái. Nạn nhân trong những vụ lừa đảo này đã mất tổng cộng 1,1 tỷ đôla Singapore - theo số liệu của cảnh sát - tăng 70% so với năm 2023. Con số thực tế có thể còn cao hơn nữa - theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu, tổ chức ước tính rằng hơn 2/3 số nạn nhân người Singapore bị lừa online đã không trình báo về việc họ bị lừa.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tội phạm trực tuyến toàn cầu có quy mô ước tính lên tới 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, người Singapore - thường là những người giàu có, am hiểu công nghệ, và có tính tuân thủ cao - lại đặc biệt dễ sa vào bẫy của những kẻ lừa đảo trên mạng. Một người tham gia vào việc thu hồi tài sản trong các vụ lừa đảo này nhận xét: “Họ giàu có và ngây thơ”.

Tại khu vực Đông Nam Á, các ổ nhóm lừa đảo trực tuyến lớn thường hoạt động ở Campuchia, Myanmar và Lào, và thường được vận hành bởi những người chính là nạn nhân của nạn buôn người. “Các trung tâm cuộc gọi có quy lớn ở Đông Nam Á là nơi bắt nguồn của phần lớn hoạt động này”, ông Nick Court - trợ lý giám đốc về tội phạm tài chính của cảnh sát quốc tế Interpol - xác định khu vực này là một điểm nóng của các vụ lừa đảo tình cảm, mạo danh và lừa đảo trực tuyến khác.

Trong 2 năm qua, người Singapore nằm trong nhóm bị dính lừa đảo trực tuyến nhiều nhất trên toàn thế giới. Năm 2023, họ là quốc gia mất nhiều tiền nhất trong các vụ lừa như vậy, với mức bình quân là 4.031 USD mỗi người bị lừa, so với Thụy Sĩ là nước đứng thứ hai với 3.767 USD/nạn nhân, và Áo đứng thứ ba với 3.484 USD mỗi nạn nhân. Mặc dù con số này đã giảm vào năm 2024, nhưng số vụ lừa đảo được trình báo với cảnh sát Singapore đã tăng 10% so với năm trước lên 51.501 vụ.

Các vụ lừa đảo trên mạng đã trở nên phổ biến đến mức Chính phủ Singapore thậm chí đã thảo luận về hình phạt thể xác đối với những kẻ phạm tội. Bà Loretta Yuen, Chủ tịch Uy ban Chống gian lận tại Hiệp hội Ngân hàng Singapore phát biểu: “Chúng tôi tin rằng đánh roi là một biện pháp răn đe mạnh mẽ”.

Trong khi phần lớn các vụ lừa đảo được trình báo với cơ quan chức năng là những vụ có mức thiệt hại dưới 2.000 đôla Singapore, vẫn có hàng nghìn nạn nhân đã giao nộp toàn bộ tiền tiết kiệm của mình cho những kẻ lừa đảo - những kẻ thường đóng giả là nhân viên ngân hàng hoặc thậm chí là công chức nhà nước.

Các hình thức lừa đảo phổ biến bao gồm lừa đảo thương mại điện tử, lừa đảo việc làm, lừa đảo tình cảm, lừa đảo mạo danh viên chức chính phủ, lừa đảo sử dụng phần mềm độc hại và xâm phạm email doanh nghiệp. Trong hơn 80% các trường hợp được trình báo ở Singapore, nạn nhân bị thao túng để tự chuyển tiền hoặc tài sản tiền điện tử cho những kẻ lừa đảo.

VÌ SAO NGƯỜI SINGAPORE DỄ BỊ LỪA?

Ngày càng có nhiều kẻ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và video deepfake. Vào tháng 3 năm nay, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - tức ngân hàng trung ương của nước này - đã cảnh báo về việc tội phạm lừa đảo sử dụng các công cụ AI để mạo danh viên chức quản lý và hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.

Việc các ngân hàng Singapore đã đầu tư mạnh vào việc cải thiện năng lực kỹ thuật số của mình có thể đã vô tình khiến cho việc tiền chuyển qua hệ thống vào tay tội phạm quá nhanh để bị phát hiện. Do đó, một số ngân hàng hiện đang cố gắng đưa thêm “ma sát” vào hệ thống bằng cách trì hoãn việc chuyển tiền và đưa thêm nhiều biện pháp kiểm tra và cân đối.

Thông thường, tội phạm mất khoảng 30 phút để chuyển tiền đánh cắp ra khỏi hệ thống ngân hàng Singapore.

“Khi câu chuyện đã diễn biến đến lúc liên quan tới ngân hàng, các nạn nhân đã bị ảnh hưởng nặng nề đến mức chúng tôi rất khó ngăn chặn họ thực hiện các giao dịch chuyển tiền, đặc biệt là trong các vụ lừa đảo tình cảm, đầu tư và mạo danh nhà chức trách”,  ông Yuen - người cũng giữ vị trí Giám đốc pháp lý và tuân thủ tại OCBC, một trong những ngân hàng lớn nhất Singapore - cho biết.

Hầu hết các nạn nhân ở Singapore bị những kẻ lừa đạo tiếp cận thông qua Facebook, WhatsApp và Instagram - theo các nhà chức trách.

Meta, công ty mẹ của ba nền tảng trên, cho biết đang đầu tư vào công nghệ mới để xóa nội dung lừa đảo khỏi các nền tảng của mình. Công ty này cho biết thêm rằng kể từ đầu năm 2024, họ đã phát hiện và phá hơn 7 triệu tài khoản có liên kết với các trung tâm lừa đảo ở những nơi như Myanmar, Lào, Campuchia và Philippines.

Nhưng ngay cả các sáng kiến của cảnh sát nhằm chống lại các vụ lừa đảo cũng đang bị những kẻ gian lợi dụng. Cảnh sát cho biết đã có hơn 1.500 trường hợp kẻ lừa đảo mạo danh cơ quan nhà nước được trình báo trong năm ngoái.

Trong một số trường hợp, kẻ lừa đảo đã gọi điện cho nạn nhân, mạo danh là cảnh sát của Trung tâm Chống lừa đảo đang làm nhiệm vụ. Đây là một kiểu lừa mà nạn nhân dễ sa bẫy một phần do chính mức độ tuân thủ cao của người dân Singapore với cơ quan chức năng.

Khi suy ngẫm về trường hợp của mình, ông Pang hối hận vì đã không phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo như nhận được cuộc gọi từ những người tự xưng là đại diện công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Philippines nhưng lại có số điện thoại Nhật Bản. Ông cũng tin rằng người phụ nữ lừa ông chẳng qua bị ép buộc.

“Điều quan trọng nhất cần nhớ là bất cứ khi nào tiền bạc hoặc tiền điện tử được đề cập đến, đó đều là sự cảnh báo lớn. Lúc đó, bạn có thể chắc chắn rằng đó là một vụ lừa đảo”, ông nói.