Kinh tế số đóng góp 17% vào tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã ưu tiên khai thác, tạo ra giá trị cụ thể từ dữ liệu số để huy động, khơi thông nguồn lực mới. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành TTTT đạt hơn 34.000 tỷ đồng; kinh tế số đóng góp 17% vào tăng trưởng GRDP của Thành phố.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2022 ngành TTTT thành phố đạt tổng doanh thu 34.293 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD, đạt 120% so với kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, kinh tế số của TP. Đà Nẵng trong năm 2022 đã đóng góp 17% GRDP của thành phố, trong khi đó, năm 2021 chỉ đạt mức đóng góp 12,7% GRDP.
Đáng chú ý trong năm 2022, Sở TTTT đã tập trung hoàn thành 03 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Đánh giá kết quả 03 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng Đề án truyền thông chuyển đổi số của Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025; Đưa vào quản lý, vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 (theo Đề án Quản lý vận hành) sau khi được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng bàn giao hoàn thành Giai đoạn 1. Nhờ đó đã tạo nguồn lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng thành phố thông minh; với 03 trụ cột là phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng Thông tin Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng (tại địa chỉ https://chuyendoiso.danang.gov.vn; xây dựng Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số (được tích hợp trên Cổng Thông tin Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng) nhằm hỗ trợ mọi doanh nghiệp tự đánh giá để xác định hiện trạng hay mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của mình; từ đó có phản hồi kết quả (gồm thông tin, biểu đồ có so sánh với mức độ trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành/lĩnh vực) để doanh nghiệp biết điểm mạnh, điểm yếu và có giải pháp phù hợp.
Theo báo cáo của Sở TTTT thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 12/2022, toàn thành phố có 100% dịch vụ công đã được triển khai trực tuyến mức 4, tỷ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 96% (gần gấp 2 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 71,4% (gấp 1,5 lần so với trung bình toàn quốc), tích hợp 1.476 DVC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia- là tỉnh, thành có số lượng DVCTT tích hợp nhiều thứ 4 của cả nước.
Đáng chú ý, ngành TTTT thành phố Đà Nẵng đã cung cấp 600 bộ dữ liệu mở; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân đạt 2,27, gấp 3 lần so với trung bình toàn quốc là 0,7); số lượng tài khoản công dân số đạt khoảng 43% dân số trưởng thành; tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet cáp quang băng rộng đạt 99,61% …
Đặc biệt, 02 năm liên tiếp (2020-2021) Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số DTI và 03 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020, 2021, 2022 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; năm thứ ba liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022…
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng cũng được công nhận, đạt giải thưởng lớn như: Retex (nền tảng dệt may; Giải thưởng VietSolution); IRTech (Cảng thông minh, Giải thưởng Sao Khuê); Toàn Cầu Xanh (Giải pháp Green Data), Điện lực Miền Trung (ERP, trạm sạc nhanh ô tô điện) cùng đạt giải thưởng Make in Việt Nam...
Trong năm qua, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng Ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cứu thương 115 (dạng Web https://danang-dashboard-prod.bsmart.city/; App Mobile: phân hệ DanaMap tích hợp trên Danang Smart city). Theo đó, Ứng dụng giúp người dân, du khách có thể theo dõi được lộ trình xe cứu thương; đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị quản lý có thể theo dõi và quản lý từng nhiệm vụ, lộ trình di chuyển của xe cứu thương nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành chuyên môn chính xác hơn, thông minh hơn.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TTTT thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, Thành ủy Đà Nẵng đã chọn chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2023 ngành TTTT thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình “Thành phố thông minh toàn diện” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, ưu tiên khai thác, tạo ra giá trị cụ thể từ dữ liệu số để huy động, khơi thông nguồn lực mới; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ và công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền; hỗ trợ quản lý có hiệu quả đô thị và các nguồn tài nguyên của thành phố; hòa nhập vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp và xã hội.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, năm 2023 ngành TTTT thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án lớn như: Dự án Mở rộng Trung tâm dữ liệu, Dự án xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đa nhiệm (IOC, giai đoạn 1); dự án Trung tâm xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh... Dự kiến, năm 2023 toàn ngành TTTT thành phố Đà Nẵng phấn đấu đạt doanh thu 36.200 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 146 triệu USD, đạt 110% so với năm 2022.