13:55 31/10/2022

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á

Phan Anh

Với mức tăng 28% năm 2022, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế số cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó thương mại điện tử đó đóng góp lớn với tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực (tăng 26%) so với cùng kỳ năm ngoái...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội”, vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo phân tích các xu hướng trong 5 lĩnh vực chính, gồm: thương mại điện tử; truyền thông trực tuyến; vận chuyển, thực phẩm và dịch vụ tài chính số.

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG TRƯỞNG VÀ ĐÓNG GÓP LỚN NHẤT 14 TỶ USD

Năm nay, báo cáo cho thấy nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025, hãng này dự báo, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức khoảng 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030.

Trong khi đó, Indonesia là nước đang dẫn đầu về phát triển kinh tế số có mức tăng 22% so với năm 2021 (đạt 77 tỷ USD). Các quốc gia khác như Malaysia tăng 13% (đạt 21 tỷ USD); Philippines tăng 22% (đạt 20 tỷ USD); Singapore tăng 22% (đạt 18 tỷ USD); Thái Lan tăng 17% (đạt 35 tỷ USD) trong năm 2022.

Tăng trưởng kinh tế số Việt Nam qua các năm và dự báo. (Nguồn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company )
Tăng trưởng kinh tế số Việt Nam qua các năm và dự báo. (Nguồn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company )

Trong số 23 tỷ USD kinh tế số Việt Nam trong năm 2022, lĩnh vực thương mại điện tử có đóng góp lớn nhất với 14 tỷ USD. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như du lịch trực tuyến, vận tải và thực phẩm, dịch vụ nghe nhìn mặc dù còn chiếm tỷ trọng đóng góp còn khiêm tốn trong nền kinh tế số nhưng cũng có tốc độ tăng trưởng khá mạnh trong năm 2022.

Đặc biệt lĩnh vực du lịch rực tuyến, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với mức tăng trưởng âm (-56%) trong giai đoạn 2019-2021 thì sang năm 2022 đã bứt phá trở lại với mức tăng trưởng lên đến 153% (đạt 2 tỷ USD).

Mức tăng trưởng của các lĩnh vực trong nền kinh tế số Việt Nam
Mức tăng trưởng của các lĩnh vực trong nền kinh tế số Việt Nam

Theo nhận định của bà Stephanie, Phó Chủ tịch Google Châu Á- Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bất chấp những khó khăn hiện tại trên toàn cầu và khu vực, tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam đang trên đà chạm mức 50 tỷ USD vào năm 2025.

 
Bain & Company: Nền kinh tế số Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tiếp theo trong bối cảnh nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, những nỗ lực của chính phủ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khắp các lĩnh vực, và sự tập trung của nhà đầu tư vào Việt Nam.

Lực lượng lao động nội địa chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và sự thâm nhập ngày càng tăng của dịch vụ số hóa ở các khu vực thành thị và nông thôn, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển kỹ thuật số của Việt Nam trong tương lai. Nhận thức ngày càng cao xoay quanh các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị sẽ giúp Việt Nam và khu vực Đông Nam Á xây dựng một kế hoạch tăng trưởng bền vững cho thập kỷ kỹ thuật số, chuyên gia này phân tích.

Sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ “Giao đồ ăn” (60%) và “Mua hàng tạp hóa trực tuyến” (54%).

VIỆT NAM ĐỨNG ĐẦU TRONG THỊ TRƯỜNG TĂNG TRƯỞNG DÀI HẠN CỦA CÁC QUỸ ĐẦU TƯ

Người dùng kỹ thuật số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ kỹ thuật số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ vận tải và giao đồ ăn đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%.

Mặt khác, tần suất một người Việt Nam tiêu thụ nội dung số thấp hơn mức trung bình của khu vực, với 23% người tham gia khảo sát cho biết họ xem video theo yêu cầu ít nhất một lần mỗi tuần, tiếp đến là 19% cho hoạt động chơi game online và 16% cho hoạt động nghe nhạc theo yêu cầu. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số được kỳ vọng phát triển vượt bậc với khoản cho vay tăng mạnh ở mức khoảng 56% và các khoản đầu tư kỹ thuật số sẽ nhảy vọt sau năm 2025.

Cụ thể, lĩnh vực cho vay kỹ thuật số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm nhanh nhất ở mức 114%. Lĩnh vực đầu tư dự kiến ​​sẽ có bước nhảy vọt lớn nhất vào năm 2025 với mức tăng trưởng kép hằng năm hơn 106%. Trong khi đó các lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền cũng có mức tăng trưởng khá lần lượt 21% và 31%.

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á - Ảnh 1

Các chuyên gia nghiên cứu cũng chỉ ra, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.

Tổng vốn đầu tư vào ngành thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 đạt khoảng 230 triệu USD, trở thành ngành yêu thích của các nhà đầu tư, tiếp theo đó là dịch vụ truyền thông trực tuyến với 190 triệu USD.

Với mức tăng trưởng 15% về các giá trị thương vụ từ nửa đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, nguồn vốn công nghệ vẫn được duy trì mạnh mẽ và Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng thu hút các khoản đầu tư công nghệ, bất chấp việc các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn.

Tại các thị trường tư nhân, các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn dự trữ 15 tỷ USD để duy trì các thương vụ trong khu vực. Tuy nhiên, các khoản đầu tư giai đoạn đầu đang phát triển mạnh trong khi giai đoạn cuối có xu hướng giảm do ảnh hưởng bởi các triển vọng xấu trong hoạt động IPO.

Singapore và Indonesia vẫn là các điểm đến đầu tư chính trong năm 2022, trong khi Việt Nam và Philippines đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư ở khía cạnh dài hạn hơn. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số vượt qua thương mại điện tử, trở thành lĩnh vực đầu tư hàng đầu, với khoản đầu tư kỷ lục 4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022.

Hoạt động thanh toán chiếm thị phần đáng kể trong các thương vụ về dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Hơn 80% nhà đầu tư mạo hiểm tham gia khảo sát dự tính sẽ tập trung vào các dịch vụ y tế trực tuyến (healthtech), mô hình phân phối dịch vụ phần mềm và Web 3.0, trong khi giáo dục trực tuyến (edtech) hạ nhiệt sau đại dịch.