07:00 04/11/2021

Kinh tế TP.HCM dần "hồi sinh" sau giãn cách xã hội

Xuân Thái

Bước sang tháng 10/2021, các hoạt động thương mại, dịch vụ tại TP.HCM bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Vì cũng là thời điểm quý cuối của năm nên nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân thường tăng cao…

Từ đầu tháng 10/2021, các hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm của người dân tăng cao trở lại.
Từ đầu tháng 10/2021, các hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm của người dân tăng cao trở lại.

Sau hơn 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố; đặc biệt hơn 3 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ tháng 7/2021, cho đến nay, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM cơ bản đã được kiểm soát.

SẢN XUẤT, KINH DOANH ĐÃ ĐƯỢC CẢI THIỆN

Mặc dù tình trạng thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng đang tiếp tục diễn ra do người lao động dịch chuyển về các tỉnh và các địa phương kiểm soát phương tiện vận chuyển. Song, với sự nỗ lực chung của Thành phố, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong tháng 10 vừa qua đã có nhiều cải thiện.

Nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được phép mở cửa hoạt động trở lại theo phương châm “An toàn là trên hết”, “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”.

Các đơn vị kinh doanh đã chuẩn bị kế hoạch cho việc tái sản xuất, buôn bán, nhiều chương trình khuyến mãi được các trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện thông qua các kênh mua sắm truyền thống tại cửa hàng, cũng như các giao dịch thương mại điện tử nhằm kích cầu tiêu dùng.

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 10/2021 ước đạt 30.007 tỷ đồng, tăng 32,6% so với tháng 9 là tháng còn giãn cách, và giảm 40,5% so với tháng 9/2020.

Trong đó, doanh thu lương thực, thực phẩm chiếm 23% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, ước đạt 6.907 tỷ đồng, tăng 26,4% so với tháng 9 và giảm 18% so với cùng kỳ. Các mặt hàng như đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 4.736 tỷ đồng, tăng 16% so tháng trước nhưng giảm 44,1% so với tháng cùng kỳ.

Đặc biệt, một số nhóm ngành có tốc độ tăng cao so với tháng 9/2021 là sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ ước đạt 810 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần. Nhiều đơn vị kinh doanh quá tải, lượng khách tăng mạnh do nhiều người dân có nhu cầu bảo dưỡng xe sau khi chấm dứt việc giãn cách xã hội.

Doanh thu hàng may mặc 1.925 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng năm trước và doanh thu phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) ước 2.257 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.

Riêng với dịch vụ ăn uống tăng rõ nét. Số liệu của Cục Thống kê Thành phố cho thấy, doanh thu dịch vụ ăn uống của tháng 10 ước đạt 598 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tháng trước (giảm 92,5% so với cùng kỳ 2020).

Trong đó, hoạt động ăn uống tháng 10 ước đạt 548 tỷ đồng, tăng 13,5% so với tháng 9 và giảm 92,6% so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do, hiện nay, các đơn vị kinh doanh ăn uống đã được hoạt động trở lại dưới hình thức phục vụ cho khách mang đi hoặc giao hàng nhằm bảo đảm an toàn cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chưa kể vào thời điểm cuối tháng 10, nhiều địa bàn tại TP.HCM đã được mở cửa phục vụ ăn uống tại chỗ, nhu cầu ăn uống bên ngoài của người dân, vì thế cũng tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu suất ăn cho người lao động bắt đầu tăng trở lại khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động.

Cộng dồn 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 683.272 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2020. Xét theo ngành kinh tế thì doanh thu bán lẻ ước đạt 401.507 tỷ đồng, chiếm 58,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 15,5% so với cùng kỳ.

GIAO THÔNG THUẬN LỢI, HÀNG HÓA DỒI DÀO

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 của Thành phố giảm 0,41% so với tháng trước, nhưng tăng 2,02% so với tháng 10/2020 và tính bình quân 10 tháng đầu năm 2021 tăng 2,52% so với bình quân cùng kỳ.

So với tháng 9 có 4 nhóm chỉ số giá giảm, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,80%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-1,53%); thiết bị và đồ dùng gia đình (-0,41%); bưu chính viễn thông (-0,10%). Các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (+2,14%).

Điểm qua diễn biến giá một số nhóm ngành hàng, ghi nhận nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,80% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực giảm 0,48% chủ yếu do bột mì và ngũ cốc khác giảm 4,13%; nhóm lương thực chế biến giảm 0,53%.

Theo ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, giá các mặt hàng này giảm mạnh vì khi Thành phố chấm dứt việc giãn cách xã hội trên toàn địa bàn, nguồn cung tăng do khâu vận chuyển hàng hóa không còn bị gián đoạn như trước đây. Hàng hóa dồi dào trở lại đã giúp chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,76% so với tháng trước.

Cụ thể chỉ số giá nhóm thịt gia súc giảm 3,53%, do giá heo hơi giảm mạnh trong thời gian gần đây; thịt gia cầm giảm 1,13%; thịt chế biến giảm 0,82%; trứng các loại giảm 2,96%; thủy sản tươi sống giảm 1,80%; nước mắm, nước chấm giảm 0,30%. Nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 3,89% so tháng trước; quả tươi, chế biến giảm 1,80%.

Các nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,07% so với tháng 9 do giá bán các mặt hàng quần áo, giày dép được điều chỉnh sau thời gian nghỉ dịch Covid-19.

Riêng nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,53% so với tháng trước, chủ yếu là do giá nhà ở thuê giảm 2,30% khi chủ nhà cho thuê giảm giá nhằm chia sẻ khó khăn với khách thuê trong thời gian dịch bệnh.

Giá điện sinh hoạt giảm 2,26% do vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của Bộ Công Thương về hỗ trợ giảm tiền điện khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giá nước sinh hoạt giảm 6,12% do TP.HCM hỗ trợ tiền sử dụng nước sinh hoạt cho tất cả khách hàng sử dụng nước trên địa bàn Thành phố (không tính huyện Củ Chi).

Nhóm nhiên liệu tăng 4,99% chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 11/10/2021: Giá xăng tăng 5,61%, dầu diezel tăng 7,54% so tháng trước.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm giao thông cũng tăng 2,14% so với tháng 9. Trong đó, phương tiện đi lại tăng 0,06% do việc điều chỉnh giá bán xe ô tô cùng các loại phụ tùng.