15:22 27/10/2021

Phục hồi lại chuỗi cung ứng thương mại và đầu tư Việt Nam – EU

Vũ Khuê

Việt Nam cần xây dựng các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình mới, khơi thông mọi nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi kinh tế EU...

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn

Đại diện UBND 50 tỉnh và thành phố cùng lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ các nước thành viên EU tại Việt Nam, lãnh đạo EuroCham, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, cùng hàng trăm doanh nghiệp của Việt Nam và châu Âu, đã tham dự Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU 2021 với chủ đề “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”, ngày 27/10/2021.

XUẤT KHẨU SANG EU 9 THÁNG TĂNG MẠNH

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 - đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai bên sau năm đầu EVFTA đi vào thực thi.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi Hiệp định đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.

Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, nhưng 9 tháng năm 2021 thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi.

Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU 2021
Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU 2021

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU. Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR (theo Eurostat), và xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.

Về đầu tư, với cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh - đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên.

“Rõ ràng đây là những kết quả đặc biệt đáng ghi nhận sau một năm thực thi Hiệp định, đồng thời là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan, tin tưởng vào một sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam – EU trước bối cảnh bình thường mới với nền tảng vững chắc từ EVFTA”, ông An nhận định.

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC, NẮM BẮT XU HƯỚNG HỒI PHỤC

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò của hiệp định không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 gây ra.

Nhất là cơ hội đang dần mở ra khi bức tranh kinh tế toàn cầu xuất hiện nhiều điểm sáng sau một thời gian sụt giảm bởi tác động nghiêm trọng của dịch bệnh.

Đại diện từ phía thị trường EU chia sẻ, nhiều chỉ số kinh tế bắt đầu phục hồi tích cực, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá có xu hướng gia tăng. GDP của EU quý II/2021 tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 2% so với quý trước. Theo Uỷ ban châu Âu (EC) dự báo, GDP của EU dự kiến sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022.

Dự báo từ tháng 6/2022 nền kinh tế EU sẽ hồi phục như thời điểm chưa đại dịch. Như vậy, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, đặc biệt khi EU đẩy mạnh gói cứu trợ 750 tỷ euro cho phục hồi nền kinh tế.

 
“Cùng sự định hình và phát triển của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác EU”.
Ông Ngô Chung Khanh, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) 

Để tận dụng hiệu quả EVFTA, đón đầu những cơ hội mới mở ra hậu đại dịch, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ cả phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo Thứ trưởng An, Việt Nam cần xây dựng các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình mới, khơi thông mọi nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng.

Đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi kinh tế thế giới.

Về phía doanh nghiệp, trước những thời cơ và thách thức đan xen giai đoạn bình thường mới, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới, tham gia sâu vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Trao đổi quan điểm tại sự kiện, nhiều ý kiến trong nước và nước ngoài cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế và phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – EU trong bối cảnh bình thường mới nhưng cũng chỉ ra không ít những thách thức đặt ra trước mắt, đặc biệt là diễn biến phức tạp và khó lường của Covid-19.

Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany nhấn mạnh, hai bên cần hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp. Với việc dịch bệnh được kiểm soát trở lại, cùng lợi thế lớn từ EVFTA và tới đây là EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư), Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn, thịnh vượng và cạnh tranh.