Làm mắc-ca tại Việt Nam: “Thất bại sớm mới là… may”
Về dự án mắc-ca Tây Nguyên, Phó chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng nói thẳng cả những khía cạnh dường như nhạy cảm
Trước và sau khi công bố đề án phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), đã rong ruổi hết thảy các vườn và dự án điển hình tại Việt Nam, cùng kế hoạch tìm hiểu cách làm và thị trường thế giới.
Với chiếc điện thoại màn hình lớn trên tay, ở đâu ông Hưởng cũng ghi cẩn thận từng chi tiết, để những lúc rảnh rà soát lại. “Tôi muốn sờ tận tay, nghe và thấy từng câu chuyện thực tế thành công và thất bại từ những người đang làm, đang nghiên cứu mắc-ca, để đúc rút những kinh nghiệm cho dự án”, ông giải thích.
Dự án phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên mà LienVietPostBank và công ty Him Lam triển khai cũng đã nhận không ít ý kiến trái chiều, sự hoài nghi về tính khả thi và triển vọng.
Trao đổi với VnEconomy về tiến độ triển khai trong bối cảnh đó, Phó chủ tịch LienVietPostBank nói thẳng cả những khía cạnh dường như nhạy cảm và có tính cá nhân.
Chuẩn hóa từ gốc để bảo vệ chính người dân
Sau khi chính thức công bố tại hội thảo hồi tháng 2/2015, dự án phát triển mắc-ca Tây Nguyên và gói tín dụng khoảng 20.000 tỷ đồng liên quan đã triển khai như thế nào, thưa ông?
Từ đó đến giờ cũng chỉ gần nửa năm thôi. Chúng tôi đang triển khai các bước cơ bản, vẫn là khởi đầu. Đó là xây dựng gói tín dụng cơ chế đặc thù, cùng với Him Lam triển khai các thủ tục để xây dựng nhà máy chế biến, xây dựng các vườn giống tiêu chuẩn, ký với nhà bảo hiểm để tạo chỗ dựa phòng rủi ro cho người vay vốn, xúc tiến việc thành lập Hiệp hội Mắc-ca Tây Nguyên…
Song song với đó, Him Lam đã thuê các chuyên gia của Úc, Mỹ về trực tiếp khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chuyển giao kỹ thuật giống và chăm sóc. Chúng tôi đã và đang khảo sát trực tiếp tại các quốc gia, các thị trường lớn như Trung Quốc, Úc, Mỹ và Nam Phi.
Trong khi chờ sự vào cuộc của các cơ quan chuyên trách, tự bản thân LienVietPostBank và Him Lam đang tự làm. Nếu thời gian tới không có sự hỗ trợ hay hợp tác nào khác, chúng tôi cũng tự làm và hỗ trợ các hộ dân làm với mình.
Thực tế tại Tây Nguyên, một số doanh nghiệp và nông trường đã và đang liên kết với Him Lam. Chúng tôi có thêm nguồn lực để cùng làm như vậy.
Cơ bản vẫn là khởi đầu. Song thời gian gần đây có phản ánh một số người dân không hoặc chưa thể vay vốn gói 20.000 tỷ?
Đúng vậy. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp xuống một số vườn và dự án cần vay, nhưng chưa thể cho vay. Bởi lẽ họ chưa chuẩn hóa cách làm, đặc biệt về giống, thậm chí thổ nhưỡng không thực sự phù hợp. Gói tín dụng này là ưu đãi và hỗ trợ các hộ dân, nhưng các nguyên tắc an toàn và các tiêu chuẩn tín dụng vẫn phải đảm bảo.
Để vay vốn, trước hết chúng tôi thẩm định kỹ về giống, vì đó là tương lai của khoản vay. Ví như là giống thực sinh, sau này có thể cho quả nhưng chất lượng và sản lượng có thể không đều sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.
Mặt khác, gói tín dụng này đi liền với các điều kiện là thành viên của Hiệp hội, được bảo tiêu sản phẩm, nhưng cũng phải cam kết bán lại sản phẩm cho nhà máy, gắn với cơ chế bảo hiểm, tiêu chuẩn giống và kỹ thuật trồng đề ra…
Gắn với tiêu chuẩn giống, xin hỏi thẳng với ông, thời gian qua có ý kiến cho rằng Him Lam và LienVietPostBank muốn kinh doanh giống, các hộ dân phải dùng giống của mình mới cho vay. Ông nói gì về điều này?
Giống là yêu cầu đầu tiên chúng tôi làm. Phải chuẩn hóa từ gốc dự án, hạn chế rủi ro về sau. Thời gian qua, mỗi tháng Him Lam chi hàng tỷ đồng để thuê chuyên gia Úc làm công tác này, các vườn ươm tiêu chuẩn cũng đang xây dựng để đảm bảo chất lượng.
Chúng tôi đã đi hầu hết các vườn giống mắc-ca điển hình trên cả nước, chứng kiến các cách làm và trách nhiệm của mỗi cách làm, hệ quả nữa. Cho nên, càng phải làm chặt về giống, để bảo vệ chính các hộ dân tham gia với chúng tôi.
Còn chuyện dư luận, đúng là có người nói chúng tôi đi xin đất làm giống, kinh doanh giống vì lãi lớn và đang sốt. Xin nói thật, nếu muốn kiếm tiền ở đây, thì vài ba năm trước chúng tôi đã đi gom đất rồi. Còn kinh doanh giống, anh Minh (ông Dương Công Minh, Chủ tịch Công ty Him Lam - PV) có nói với tôi, nếu có lãi thì cứ tính vào chính sách hỗ trợ các hộ dân.
Từ khi thành lập đến nay, Him Lam và LienVietPostBank đã dành hàng nghìn tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện. Vậy thì nhắm vào vài trăm tỷ tiền giống để làm gì?
Chúng tôi quan niệm, làm mắc-ca để tạo “cần câu” cho bà con, đó là công tác xã hội có ý nghĩa lâu dài.
Làm cho được đã, rồi mới có nhận về
Nhưng hẳn là các ông có lợi ích kinh doanh chứ?
Trước hết vẫn là làm sao để có một hướng đi xóa đói giảm nghèo bền vững, giúp bà con nông dân nâng cao đời sống.
Tất nhiên là chúng tôi có lợi ích. Như có lần tôi nói, là doanh nghiệp làm ăn kinh doanh, trước khi đầu tư thì phải thấy trước các dấu hiệu đồng vốn trở về.
Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, cổ đông cũng hỏi về lợi ích như thế nào. Tôi cũng đã nói trước đây, chúng tôi muốn tạo thêm thị phần và có thêm khách hàng. Khi hỗ trợ và gắn kết với nông dân tạo ra giá trị cho họ qua phát triển mắc-ca, họ sẽ tin tưởng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Đây là hướng đi lâu dài và bền vững, kể cả ở giá trị thương hiệu. Khi người dân tin và gắn bó với mình thì giá trị thương hiệu sẽ rất lớn, mà không hẳn cứ đầu tư tiền là tạo ra được.
Tôi không lạc quan thái quá mà tin tưởng, khi cùng các hộ dân Tây Nguyên làm được hướng đi mới và thành công, họ sẽ là khách hàng giúp ngân hàng phát triển.
Hãy cho, hãy cùng làm, làm cho được đã, rồi mới có nhận về.
Còn trực tiếp hơn, khi đã phát triển được mắc-ca tại Việt Nam, sẽ có các giá trị thương mại, dịch vụ và cả giá trị lao động xoay quanh nữa chứ.
Có những mục đích và giá trị như vậy, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hoài nghi và cả thất bại nữa. Một số hộ dân chặt bỏ mắc-ca, thu hoạch chưa rõ đầu ra thế nào…
Tôi thì cho là bình thường. Hoài nghi và thất bại xuất hiện sớm mới là may. Như vậy, để loại trừ những cách làm ẩu, cách làm sai với mắc-ca.
Sau khi thất bại, người ta sẽ nhìn lại để tìm nguyên nhân. Có thất bại như thế để tìm đến với cách làm đúng, tức là chuẩn hóa về giống, kỹ thuật và xét kỹ các điều kiện tự nhiên có phù hợp hay không.
Nói là may, vì đó là sự cảnh báo sớm, những bài học đến sớm để tránh rủi ro kéo dài với mắc-ca. Nếu không có sự chặt bỏ, sự thất bại như vậy thì nhiều người vẫn cứ lao vào làm một cách tự phát, mà có thể hổng từ gốc, để rồi dăm bảy năm nữa mới đối diện với nó.
Cũng lưu ý là việc chặt bỏ đó do từ nhiều năm trước làm tự phát. Nó đòi hỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc hướng dẫn sát sao hơn, các doanh nghiệp tham gia phải bài bản và chuẩn hóa hơn, thận trọng hơn. Điều đó là tốt chứ sao.
Bài học Malaysia, Trung Quốc
Vậy còn đầu ra, như ý câu hỏi trên, thưa ông?
Mong muốn của chúng tôi rất cụ thể: sản phẩm mắc-ca từ 3-5 năm tới sẽ có một vị trí trên kệ các siêu thị, mà hiện phần lớn chưa có. Khi có sản phẩm tốt, hữu ích, giá cả hợp lý thì tôi tin người tiêu dùng sẽ đón nhận.
Có người nói nó không phải là sản phẩm thiết yếu và khó có chỗ đứng. Nhưng ví dụ thế này nhé, bạn thử nhớ lại xem, cách đây chục năm phần lớn người tiêu dùng còn lạ lẫm với bánh pizza. Nó đâu có nhất thiết phải có trong bữa cơm của mỗi nhà đâu. Còn nay thì sao? Rất nhiều nhà hàng và nhiều người tiêu dùng sử dụng loại bánh này, chưa nói là một số khu vực nông thôn cũng có.
Không phải vì không nhất thiết phải có mà người tiêu dùng không cần hoặc không có cơ hội dùng nó. Trong khi, mắc-ca là loại hạt có ưu điểm vượt trội về dưỡng chất, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh nó đảm bảo sức khỏe và giúp giảm béo nổi trội, chưa nói là các sản phẩm cao cấp về dầu ăn, mỹ phẩm…
Vấn đề còn lại là phải làm sao tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp để người tiêu dùng đón nhận.
Nhưng dường như yếu tố đầu ra nói trên vẫn còn mơ hồ…
Những năm 60 của thế kỷ trước, Malaysia cũng từng trải qua những tranh luận dữ dội, nhiều khó khăn trở ngại khi quyết định chọn dầu cọ làm cây chủ lực. Khi đó nhiều người chưa rõ dầu cọ là gì, dùng có được không, bán cho ai...
Còn nay, họ đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu cọ. Điểm may mắn là Chính phủ Malaysia đã có quyết định đúng, có nhiều giải pháp về vốn, thuế và các chuẩn mực để hỗ trợ cho loại cây này.
Hay như tại Trung Quốc, vừa rồi chúng tôi thực hiện khảo sát thì thấy, chỉ trong vòng ba năm gần đây Trung Quốc đã vượt lên thành quốc gia có diện tích trồng mắc-ca lớn nhất thế giới. Sau khi thử nghiệm xong, nhận thấy cơ hội là họ quyết định bứt phá ngay. Tổng diện tích chỉ từ 20 - 30 nghìn ha đã tăng vọt lên 66,6 nghìn ha chỉ sau vài năm.
Trong sự bứt phá đó, mắc-ca tại Trung Quốc đã thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn tham gia. Họ hẳn là những người làm ăn có kinh nghiệm và tầm nhìn.
Khi khảo sát tại nước này, một số đối tác đặt vấn đề ký trước hợp đồng tiêu thụ mắc-ca nguyên liệu với chúng tôi vì nhu cầu nội địa của họ tăng nhanh, không đủ đầu vào để chế biến. Hay một số đối tác của Nhật, Úc cũng muốn vậy. Nhưng trong hướng xuất khẩu, chúng ta cũng cân nhắc xem xuất khẩu nguyên liệu thô hay chế biến thành phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn.
Cuối tháng này chúng tôi tổ chức khảo sát thị trường Úc. Vì sao quê hương của mắc-ca mà nay lại muốn nhập nguyên liệu từ bên ngoài, sao không tự phát triển?
Vừa rồi Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Úc sang dự hội thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông ấy cũng nói rõ một ý. Ở Úc, để đầu tư vào mắc-ca thì phải mất 30 năm mới hồi vốn, vì chi phí đất đai và nhân công rất lớn. Còn ở Việt Nam, chỉ khoảng 4-6 năm. Đó là chưa nói khí hậu và thổ nhưỡng của riêng Tây Nguyên, phải nói là rất phù hợp với mắc-ca.
Những so sánh đó cho thấy chúng ta có lợi thế về nhiều mặt. Và khi chúng ta đi sau thì sẽ học hỏi kinh nghiệm của họ để cố gắng rút ngắn chặng đường.
Với chiếc điện thoại màn hình lớn trên tay, ở đâu ông Hưởng cũng ghi cẩn thận từng chi tiết, để những lúc rảnh rà soát lại. “Tôi muốn sờ tận tay, nghe và thấy từng câu chuyện thực tế thành công và thất bại từ những người đang làm, đang nghiên cứu mắc-ca, để đúc rút những kinh nghiệm cho dự án”, ông giải thích.
Dự án phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên mà LienVietPostBank và công ty Him Lam triển khai cũng đã nhận không ít ý kiến trái chiều, sự hoài nghi về tính khả thi và triển vọng.
Trao đổi với VnEconomy về tiến độ triển khai trong bối cảnh đó, Phó chủ tịch LienVietPostBank nói thẳng cả những khía cạnh dường như nhạy cảm và có tính cá nhân.
Chuẩn hóa từ gốc để bảo vệ chính người dân
Sau khi chính thức công bố tại hội thảo hồi tháng 2/2015, dự án phát triển mắc-ca Tây Nguyên và gói tín dụng khoảng 20.000 tỷ đồng liên quan đã triển khai như thế nào, thưa ông?
Từ đó đến giờ cũng chỉ gần nửa năm thôi. Chúng tôi đang triển khai các bước cơ bản, vẫn là khởi đầu. Đó là xây dựng gói tín dụng cơ chế đặc thù, cùng với Him Lam triển khai các thủ tục để xây dựng nhà máy chế biến, xây dựng các vườn giống tiêu chuẩn, ký với nhà bảo hiểm để tạo chỗ dựa phòng rủi ro cho người vay vốn, xúc tiến việc thành lập Hiệp hội Mắc-ca Tây Nguyên…
Song song với đó, Him Lam đã thuê các chuyên gia của Úc, Mỹ về trực tiếp khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chuyển giao kỹ thuật giống và chăm sóc. Chúng tôi đã và đang khảo sát trực tiếp tại các quốc gia, các thị trường lớn như Trung Quốc, Úc, Mỹ và Nam Phi.
Trong khi chờ sự vào cuộc của các cơ quan chuyên trách, tự bản thân LienVietPostBank và Him Lam đang tự làm. Nếu thời gian tới không có sự hỗ trợ hay hợp tác nào khác, chúng tôi cũng tự làm và hỗ trợ các hộ dân làm với mình.
Thực tế tại Tây Nguyên, một số doanh nghiệp và nông trường đã và đang liên kết với Him Lam. Chúng tôi có thêm nguồn lực để cùng làm như vậy.
Cơ bản vẫn là khởi đầu. Song thời gian gần đây có phản ánh một số người dân không hoặc chưa thể vay vốn gói 20.000 tỷ?
Đúng vậy. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp xuống một số vườn và dự án cần vay, nhưng chưa thể cho vay. Bởi lẽ họ chưa chuẩn hóa cách làm, đặc biệt về giống, thậm chí thổ nhưỡng không thực sự phù hợp. Gói tín dụng này là ưu đãi và hỗ trợ các hộ dân, nhưng các nguyên tắc an toàn và các tiêu chuẩn tín dụng vẫn phải đảm bảo.
Để vay vốn, trước hết chúng tôi thẩm định kỹ về giống, vì đó là tương lai của khoản vay. Ví như là giống thực sinh, sau này có thể cho quả nhưng chất lượng và sản lượng có thể không đều sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.
Mặt khác, gói tín dụng này đi liền với các điều kiện là thành viên của Hiệp hội, được bảo tiêu sản phẩm, nhưng cũng phải cam kết bán lại sản phẩm cho nhà máy, gắn với cơ chế bảo hiểm, tiêu chuẩn giống và kỹ thuật trồng đề ra…
Gắn với tiêu chuẩn giống, xin hỏi thẳng với ông, thời gian qua có ý kiến cho rằng Him Lam và LienVietPostBank muốn kinh doanh giống, các hộ dân phải dùng giống của mình mới cho vay. Ông nói gì về điều này?
Giống là yêu cầu đầu tiên chúng tôi làm. Phải chuẩn hóa từ gốc dự án, hạn chế rủi ro về sau. Thời gian qua, mỗi tháng Him Lam chi hàng tỷ đồng để thuê chuyên gia Úc làm công tác này, các vườn ươm tiêu chuẩn cũng đang xây dựng để đảm bảo chất lượng.
Chúng tôi đã đi hầu hết các vườn giống mắc-ca điển hình trên cả nước, chứng kiến các cách làm và trách nhiệm của mỗi cách làm, hệ quả nữa. Cho nên, càng phải làm chặt về giống, để bảo vệ chính các hộ dân tham gia với chúng tôi.
Còn chuyện dư luận, đúng là có người nói chúng tôi đi xin đất làm giống, kinh doanh giống vì lãi lớn và đang sốt. Xin nói thật, nếu muốn kiếm tiền ở đây, thì vài ba năm trước chúng tôi đã đi gom đất rồi. Còn kinh doanh giống, anh Minh (ông Dương Công Minh, Chủ tịch Công ty Him Lam - PV) có nói với tôi, nếu có lãi thì cứ tính vào chính sách hỗ trợ các hộ dân.
Từ khi thành lập đến nay, Him Lam và LienVietPostBank đã dành hàng nghìn tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện. Vậy thì nhắm vào vài trăm tỷ tiền giống để làm gì?
Chúng tôi quan niệm, làm mắc-ca để tạo “cần câu” cho bà con, đó là công tác xã hội có ý nghĩa lâu dài.
Làm cho được đã, rồi mới có nhận về
Nhưng hẳn là các ông có lợi ích kinh doanh chứ?
Trước hết vẫn là làm sao để có một hướng đi xóa đói giảm nghèo bền vững, giúp bà con nông dân nâng cao đời sống.
Tất nhiên là chúng tôi có lợi ích. Như có lần tôi nói, là doanh nghiệp làm ăn kinh doanh, trước khi đầu tư thì phải thấy trước các dấu hiệu đồng vốn trở về.
Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, cổ đông cũng hỏi về lợi ích như thế nào. Tôi cũng đã nói trước đây, chúng tôi muốn tạo thêm thị phần và có thêm khách hàng. Khi hỗ trợ và gắn kết với nông dân tạo ra giá trị cho họ qua phát triển mắc-ca, họ sẽ tin tưởng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Đây là hướng đi lâu dài và bền vững, kể cả ở giá trị thương hiệu. Khi người dân tin và gắn bó với mình thì giá trị thương hiệu sẽ rất lớn, mà không hẳn cứ đầu tư tiền là tạo ra được.
Tôi không lạc quan thái quá mà tin tưởng, khi cùng các hộ dân Tây Nguyên làm được hướng đi mới và thành công, họ sẽ là khách hàng giúp ngân hàng phát triển.
Hãy cho, hãy cùng làm, làm cho được đã, rồi mới có nhận về.
Còn trực tiếp hơn, khi đã phát triển được mắc-ca tại Việt Nam, sẽ có các giá trị thương mại, dịch vụ và cả giá trị lao động xoay quanh nữa chứ.
Có những mục đích và giá trị như vậy, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hoài nghi và cả thất bại nữa. Một số hộ dân chặt bỏ mắc-ca, thu hoạch chưa rõ đầu ra thế nào…
Tôi thì cho là bình thường. Hoài nghi và thất bại xuất hiện sớm mới là may. Như vậy, để loại trừ những cách làm ẩu, cách làm sai với mắc-ca.
Sau khi thất bại, người ta sẽ nhìn lại để tìm nguyên nhân. Có thất bại như thế để tìm đến với cách làm đúng, tức là chuẩn hóa về giống, kỹ thuật và xét kỹ các điều kiện tự nhiên có phù hợp hay không.
Nói là may, vì đó là sự cảnh báo sớm, những bài học đến sớm để tránh rủi ro kéo dài với mắc-ca. Nếu không có sự chặt bỏ, sự thất bại như vậy thì nhiều người vẫn cứ lao vào làm một cách tự phát, mà có thể hổng từ gốc, để rồi dăm bảy năm nữa mới đối diện với nó.
Cũng lưu ý là việc chặt bỏ đó do từ nhiều năm trước làm tự phát. Nó đòi hỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc hướng dẫn sát sao hơn, các doanh nghiệp tham gia phải bài bản và chuẩn hóa hơn, thận trọng hơn. Điều đó là tốt chứ sao.
Bài học Malaysia, Trung Quốc
Vậy còn đầu ra, như ý câu hỏi trên, thưa ông?
Mong muốn của chúng tôi rất cụ thể: sản phẩm mắc-ca từ 3-5 năm tới sẽ có một vị trí trên kệ các siêu thị, mà hiện phần lớn chưa có. Khi có sản phẩm tốt, hữu ích, giá cả hợp lý thì tôi tin người tiêu dùng sẽ đón nhận.
Có người nói nó không phải là sản phẩm thiết yếu và khó có chỗ đứng. Nhưng ví dụ thế này nhé, bạn thử nhớ lại xem, cách đây chục năm phần lớn người tiêu dùng còn lạ lẫm với bánh pizza. Nó đâu có nhất thiết phải có trong bữa cơm của mỗi nhà đâu. Còn nay thì sao? Rất nhiều nhà hàng và nhiều người tiêu dùng sử dụng loại bánh này, chưa nói là một số khu vực nông thôn cũng có.
Không phải vì không nhất thiết phải có mà người tiêu dùng không cần hoặc không có cơ hội dùng nó. Trong khi, mắc-ca là loại hạt có ưu điểm vượt trội về dưỡng chất, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh nó đảm bảo sức khỏe và giúp giảm béo nổi trội, chưa nói là các sản phẩm cao cấp về dầu ăn, mỹ phẩm…
Vấn đề còn lại là phải làm sao tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp để người tiêu dùng đón nhận.
Nhưng dường như yếu tố đầu ra nói trên vẫn còn mơ hồ…
Những năm 60 của thế kỷ trước, Malaysia cũng từng trải qua những tranh luận dữ dội, nhiều khó khăn trở ngại khi quyết định chọn dầu cọ làm cây chủ lực. Khi đó nhiều người chưa rõ dầu cọ là gì, dùng có được không, bán cho ai...
Còn nay, họ đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu cọ. Điểm may mắn là Chính phủ Malaysia đã có quyết định đúng, có nhiều giải pháp về vốn, thuế và các chuẩn mực để hỗ trợ cho loại cây này.
Hay như tại Trung Quốc, vừa rồi chúng tôi thực hiện khảo sát thì thấy, chỉ trong vòng ba năm gần đây Trung Quốc đã vượt lên thành quốc gia có diện tích trồng mắc-ca lớn nhất thế giới. Sau khi thử nghiệm xong, nhận thấy cơ hội là họ quyết định bứt phá ngay. Tổng diện tích chỉ từ 20 - 30 nghìn ha đã tăng vọt lên 66,6 nghìn ha chỉ sau vài năm.
Trong sự bứt phá đó, mắc-ca tại Trung Quốc đã thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn tham gia. Họ hẳn là những người làm ăn có kinh nghiệm và tầm nhìn.
Khi khảo sát tại nước này, một số đối tác đặt vấn đề ký trước hợp đồng tiêu thụ mắc-ca nguyên liệu với chúng tôi vì nhu cầu nội địa của họ tăng nhanh, không đủ đầu vào để chế biến. Hay một số đối tác của Nhật, Úc cũng muốn vậy. Nhưng trong hướng xuất khẩu, chúng ta cũng cân nhắc xem xuất khẩu nguyên liệu thô hay chế biến thành phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn.
Cuối tháng này chúng tôi tổ chức khảo sát thị trường Úc. Vì sao quê hương của mắc-ca mà nay lại muốn nhập nguyên liệu từ bên ngoài, sao không tự phát triển?
Vừa rồi Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Úc sang dự hội thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông ấy cũng nói rõ một ý. Ở Úc, để đầu tư vào mắc-ca thì phải mất 30 năm mới hồi vốn, vì chi phí đất đai và nhân công rất lớn. Còn ở Việt Nam, chỉ khoảng 4-6 năm. Đó là chưa nói khí hậu và thổ nhưỡng của riêng Tây Nguyên, phải nói là rất phù hợp với mắc-ca.
Những so sánh đó cho thấy chúng ta có lợi thế về nhiều mặt. Và khi chúng ta đi sau thì sẽ học hỏi kinh nghiệm của họ để cố gắng rút ngắn chặng đường.