10:13 29/08/2023

Lao động Trung Quốc bất an với “lời nguyền tuổi 35”

Nguyễn Tuyên

Vấn đề “lời nguyền tuổi 35” thu hút chú ý một phần do sự phát triển của ngành công nghệ ở Trung Quốc và “văn hóa 996” ở nước này. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng phân biệt tuổi tác và bất bình đẳng giới là thông qua cải cách pháp lý…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Khi Han, một nhà thiết kế giao diện, mất việc làm ở Bắc Kinh vào tháng 2, cô tự tin rằng với 10 năm kinh nghiệm làm việc, cô sẽ sớm tìm được công việc mới. Nhưng khi thời gian tìm việc mới kéo dài, cô bắt đầu lo lắng. Cô đã gửi hàng trăm đơn xin việc đi khắp nơi, nhưng chỉ được mời tham gia 4 cuộc phỏng vấn.

Không tìm được công việc đúng chuyên môn, Han chuyển sang làm công việc bán thời gian để trang trải cuộc sống. Cô làm nhân viên giao đồ ăn và kiếm được 20 nhân dân tệ (2,8 USD) mỗi ngày. Bên cạnh đó, cô còn làm hướng dẫn viên mua sắm, nhưng đã phải bỏ việc sau khi bị viêm ruột thừa cấp tính do đứng quá lâu.

“Tôi đã thử mọi công việc có thể, nhưng những công việc đó tốn nhiều công sức hoặc được trả lương quá thấp. Có vẻ như rất khó để duy trì cuộc sống cơ bản hàng ngày”.

"LỜI NGUYỀN TUỔI 35" - HIỆN TƯỢNG PHỔ BIẾN

Theo hãng tin CNN, Han tin rằng gốc rễ vấn đề của mình là cô đã trở nên quá già trong mắt nhiều nhà tuyển dụng. Cô đã 34 tuổi và nằm trong số rất nhiều người lao động thuộc thế hệ millennial (hay còn gọi là thế hệ Y, khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980-1996) ở Trung Quốc. Họ lo sợ rằng mình sẽ phải chịu “lời nguyền tuổi 35”.

Thuật ngữ này ban đầu được đặt ra trên mạng xã hội để mô tả tin đồn sa thải công nhân lớn tuổi của các công ty công nghệ lớn, nhưng sau đó nó đã trở nên phổ biến. Bất cứ ai nghi ngờ về sức mạnh của “lời nguyền” thì chỉ cần nhìn vào vô số danh sách việc làm và trang web tuyển dụng trực tuyến, trong đó nêu rõ rằng ứng viên không được lớn hơn độ tuổi đó.

Hoặc họ có thể nhìn vào thông tin trên mạng xã hội. Vào tháng 6, một du khách đã phàn nàn rằng các nhà trọ ở Bắc Kinh thường từ chối khách trọ trên 35 tuổi. Lời phàn nàn này đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi tại Trung Quốc. Thậm chí, nhiều vị trí công chức trong chính quyền Trung Quốc cũng không tuyển dụng các ứng viên trên 35 tuổi. Chính sách này đã bị một nhà lập pháp chất vấn tại cuộc họp thường niên của Quốc hội vào năm ngoái.

“Sự phân biệt đối xử vô hình về độ tuổi đối với những người 35 tuổi luôn tồn tại ở nơi làm việc”, nhà lập pháp Jiang Shengnan phát biểu trước cuộc họp, tờ China Youth Daily đưa tin, “Việc từ chối những ứng viên ở độ tuổi của họ là một sự lãng phí rất lớn về tài năng”.

Các học giả và quan chức hàng đầu cũng đã thừa nhận vấn đề này. Trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc vào năm 2022, một giáo sư tại Trường Đảng Trung ương đã gọi “lời nguyền” nêu trên là một “hiện tượng phổ biến trên thị trường lao động” và khiến công chúng bất an.

Năm nay, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã đề xuất giải pháp: đó là hoạch định các chính sách đặc biệt ưu tiên người lao động trên 35 tuổi, cùng với hỗ trợ tài chính và các quy định chống phân biệt tuổi tác.

Tuy nhiên, đối với nhiều người trong số hàng trăm triệu lao động trẻ ở Trung Quốc, các giải pháp này không thể sớm phát huy tác dụng. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang nỗ lực phục hồi sau thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp đã trở thành mối lo ngại hàng đầu đối với nhiều người.

Trên toàn quốc, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao gần kỷ lục 6,1% vào năm ngoái. Mặc dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức 5,2%.

ÁP LỰC ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ

Vấn đề “lời nguyền tuổi 35” thu hút sự chú ý, một phần do sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc và “văn hóa 996” ở nước này. “Văn hóa 996” nhằm chỉ tình trạng người lao động phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày một tuần.

Một bài báo đăng trên Tân Hoa Xã năm 2021 lý giải rằng những nhân viên chưa được thăng chức lên cấp quản lý ở tuổi 35 có thể bị coi là kém thành công hơn, do đó dễ bị sa thải hơn.

“Nói chung, hầu hết nhân viên có 10 năm kinh nghiệm sẽ trở thành lãnh đạo hoặc quản lý nhóm nếu khả năng của họ thực sự tốt. Nói cách khác, “ngưỡng 35 tuổi” không phải để chỉ độ tuổi mà là thước đo năng lực làm việc của người sử dụng lao động”, vị giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ở Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhưng những giới hạn này khiến cho nhiều người nhận thấy mình giống Han: có trình độ cao, có học vấn và kinh nghiệm nhưng lại đang phải vật lộn để duy trì cuộc sống bằng công việc tự do.

Điều này đặc biệt đúng khi ngày càng có nhiều người theo đuổi bằng thạc sĩ và tiến sĩ với hy vọng giành được lợi thế trong thị trường việc làm đông đúc. Nhưng điều trớ trêu là họ lại không tìm được việc làm phù hợp.

Tao Chen, làm nghề sáng tạo nội dung, đã thu hút được sự chú ý vào tháng 3 sau khi đăng bài về trải nghiệm của mình lên mạng. Sau khi lấy được tấm bằng thạc sĩ triết học tại Đại học Tứ Xuyên danh tiếng, anh bị cho thôi việc ở ngành báo chí. Lao vào kinh doanh, nhưng Chen đều thất bại. Ở tuổi 38, anh trở thành nhân viên giao đồ ăn, nhưng rồi cuối cùng cũng phải nghỉ việc vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.

“Mặc dù tôi có kinh nghiệm làm việc tốt và có bằng thạc sĩ, nhưng tôi thực sự không có khả năng cạnh tranh sau 35 tuổi”, Chen nói trong đoạn video đăng trên trang Douyin cá nhân. Hơn 98% đơn xin việc của anh không nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng, trong khi số còn lại cho rằng anh “không phù hợp” với vị trí công việc mà họ muốn tuyển. “Tôi gần như bị suy sụp tinh thần”, Chen chia sẻ.

Đối với nhiều phụ nữ Trung Quốc, “lời nguyền tuổi 35” càng làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt giới tính đã “ăn sâu bám rễ” ở nơi làm việc.

Lao động nữ ở độ tuổi này thường phải đối mặt với áp lực từ phía người sử dụng lao động không muốn trả lương cho thời gian họ nghỉ thai sản. Họ cho biết đã bỏ lỡ cơ hội thăng tiến vì người chủ sợ họ sẽ nghỉ không làm việc trong thời gian dài, hoặc tệ hơn, ngay từ đầu họ có thể không được tuyển dụng.

“Ở độ tuổi này, nhiều công ty không sẵn sàng tuyển dụng bạn. Họ thích những người trẻ tuổi hơn. Họ cho rằng tôi có thể nhanh chóng kết hôn và có con. Dù tôi có nói với họ rằng tôi không có ý định kết hôn nhưng họ cũng không tin”, Han, một cư dân Bắc Kinh, nói.

Khi Liu, 35 tuổi, cư dân Thâm Quyến, trở lại làm việc tại một công ty kỹ thuật sinh học sau thời gian nghỉ thai sản sáu tháng, cô hy vọng được tham gia một dự án mới. Nhưng thay vào đó, cô đột ngột bị sa thải và vị trí của cô được giao cho một sinh viên mới tốt nghiệp.

Nhiều tháng sau, cô vẫn chưa tìm được việc làm khác. Liu tin rằng chính thời gian nghỉ thai sản đã khiến cô bị sa thải. “Họ rất thực tế. Khi không cần đến bạn, họ sẽ thay thế bạn bằng lao động được trả mức lương thấp hơn”, cô nói.

Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng có thể bị ảnh hưởng. Liu nhớ lại đã chứng kiến một đồng nghiệp nam vừa mới lên chức bố thì được giao những nhiệm vụ mà cô cho là không phù hợp, chẳng hạn như được cử đi công tác ngay sau khi con chào đời.

Liu cho rằng, nhiều người sử dụng lao động chỉ quan tâm lợi nhuận. “Nhiều công ty xem xét hiệu quả chi phí”, Liu nói, “Họ cho rằng lương của tôi cao hơn sinh viên mới ra trường nên họ thích chọn sinh viên mới tốt nghiệp hơn. Tôi có thể nhìn thấu thủ đoạn của họ”.

Theo các chuyên gia,cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng phân biệt tuổi tác và bất bình đẳng giới là thông qua cải cách pháp lý.

Bà Yiran Zhang, trợ lý giáo sư tại Trường Luật Cornell, cho biết mặc dù luật lao động của Trung Quốc cấm phân biệt đối xử vì lý do sắc tộc, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo nhưng lại không cấm phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác.

Ngay cả ở những lĩnh vực được luật pháp bảo vệ, chẳng hạn như đối với các bà mẹ đang nghỉ thai sản, thì việc thực thi luật còn yếu và tình trạng phân biệt đối xử về giới tính vẫn còn phổ biến, bà Zhang nói.

Theo bà, những nhân viên khởi kiện thành công chủ sử dụng lao động có thể chỉ nhận được mức bồi thường thiệt hại thấp, khiến một số người không muốn theo kiện.