11:00 16/08/2021

Lấp đầy khoảng trống trong giám sát thị trường

Ánh Tuyết

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù non trẻ nhưng đang cùng “chia lửa” với thị trường tín dụng ngân hàng và các kênh dẫn vốn khác. Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tăng cường giám sát liên thông trên thị trường tài chính…

Sức hút trái phiếu doanh nghiệp không đến từ chất lượng kinh doanh, mà đến từ "mồi nhử" là lãi suất cao.
Sức hút trái phiếu doanh nghiệp không đến từ chất lượng kinh doanh, mà đến từ "mồi nhử" là lãi suất cao.

Bốn năm trở lại đây, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, vượt quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ, tạo nên cột mốc đáng nhớ.

Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2017, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 6,29% GDP, cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP. Đặc biệt, giai đoạn 2019-2020, thị trường phát triển bùng nổ. Cuối năm 2019 đạt 10,38% GDP, hết năm 2020, quy mô thị trường khoảng 15,75% GDP, gấp 4 lần quy mô thị trường năm 2016. Dung lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu bắt đầu tăng vọt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguồn: Bộ Tài chính
Nguồn: Bộ Tài chính

NHIỀU DẤU MỐC TRONG SỰ PHÁT TRIỂN BÙNG NỔ

Nhắc đến điểm mốc đáng chú ý của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) Đỗ Ngọc Quỳnh lưu ý đến đáng chú ý nhất là vào năm 2018, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường, tạo nên một bước ngoặt lịch sử.

Đến năm 2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 436 nghìn tỷ đồng, bỏ xa mức 330 nghìn tỷ đồng huy động bằng trái phiếu Chính phủ.

 
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được hình thành, hòa chung vào thị trường vốn và thị trường tài chính, giảm áp lực, nâng cao chỉ số an toàn cho các ngân hàng thương mại".
Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) Đỗ Ngọc Quỳnh.

Trong 3 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những thay đổi và ngày càng sôi động hơn, đã và đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh mà “room” tín dụng cho bất động sản ngày càng co lại.

Điều này cũng cho thấy rõ một sự dịch chuyển dần từ kênh huy động vốn truyền thống sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường vốn cân bằng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của mọi loại hình doanh nghiệp.

Bởi nếu huy động vốn ngắn hạn mà cung ứng vốn trung và dài hạn sẽ dễ tạo bất ổn trong hệ thống ngân hàng. Hoặc nếu huy động vốn qua thị trường cổ phiếu, có thể là nguồn vốn dài hạn, nhưng tăng vốn lại pha loãng quyền kiểm soát của chủ doanh nghiệp, khiến quản trị doanh nghiệp phức tạp và khó khăn hơn.

HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO LIÊN TỤC RUNG LÊN

Sự nóng lên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có lẽ đạt tới đỉnh điểm vào năm 2019 khi mà lãi suất huy động cao nhất của đợt phát hành trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản lên tới 14,5%/năm. Việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản, cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thuộc ngành này phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các doanh nghiệp ngành khác.

Với sự phát triển nóng thời gian qua, liên tiếp có những hồi chuông cảnh báo từ giới chuyên gia, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.

Trước dấu hỏi lớn về chất lượng tài sản đảm bảo đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính khuyến nghị: “Đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo, nhưng cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường, thì rủi ro không thể xác định được giá tài sản đảm bảo của cổ phiếu đó. Hoặc cổ phiếu đó không có tính thanh khoản trên thị trường, khi doanh nghiệp xảy ra vấn đề, nhà đầu tư sẽ mất vốn đầu tư”.

Cũng theo Bộ Tài chính, nhà đầu tư cá nhân gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ngày càng gia tăng trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm của trái phiếu. Đồng thời, các nhà đầu tư này thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro tiềm ẩn.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư, như mua lại trước hạn theo thỏa thuận, thanh toán gốc, lãi trái phiếu… thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư.

TẠO NỀN MÓNG VỮNG CHẮC CHO SỰ PHÁT TRIỂN

Đánh giá cao những khuyến cáo của các bộ, ngành trong thời gian qua, nhưng ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FiinRatings cho rằng thông tin còn khá chung chung, chỉ mang tính cảnh báo, chưa phân tích cụ thể tiêu chí khi xem xét một nhà phát hành. Chẳng hạn, những chỉ tiêu tài chính như nợ/EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) 10 lần, nghĩa là 10 năm doanh nghiệp mới trả được nợ gốc, thì ý nghĩa như thế nào với nhà đầu tư. Những thông tin này kể cả nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng rất cần.

Dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn non trẻ, còn nhiều dư địa phát triển. Cụ thể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng từ khoảng 4% GDP lên 15,75% GDP từ năm 2011 đến năm 2019. Cũng trong thời gian đó, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tăng vọt từ 11% GDP lên 84,1% GDP.

Ngoài ra, quy mô của thị trường trong nước còn nhỏ so với các quốc gia so sánh, vì vậy, cần nắn dòng vốn trái phiếu đi đúng hướng và tiếp tục cải cách, cải thiện sự vận hành của thị trường, đem lại nguồn tài chính dài hạn cho khu vực tư nhân đang “đói” vốn.

Triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 dường như “siết” về lượng nhưng nâng tầm về lượng trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã có những thay đổi căn bản. Cụ thể, đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, được cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép chào bán; yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có lãi; đối tượng mua là mọi nhà đầu tư.

Đối với phát hành riêng lẻ, chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các đợt chào bán phải được tư vấn bởi công ty chứng khoán. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, tổ chức lưu ký và các tổ chức cung cấp dịch vụ… làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm khi các tổ chức này không tuân thủ quy định của pháp luật.

Trước sự tăng trưởng nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính thường xuyên theo sát, nắm bắt tình hình thị trường. Đồng thời, phối hợp, chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong quản lý giám sát thị trường. Khung pháp lý đang dần hoàn thiện hứa hẹn đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong tương lai.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội lưu ý thêm Ngân hàng Nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đầu tư bất động sản, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp. Bởi “chúng ta đang trá hình bằng cách không tăng phần tiền qua tín dụng bất động sản, mà lại chuyển thành tiền cho mua trái phiếu. Điều này không khác gì việc đang cho vay để tăng lượng tín dụng bất động sản”, ông Cường lý giải. Nếu dòng vốn tiếp tục đổ nhiều vào bất động sản, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là nguồn cho vốn cho sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh đi qua.

Ngoài ra, điều cần thiết lúc này, theo các chuyên gia, cần có những chính sách tốt hơn về công bố thông tin để nhà đầu tư tránh được rủi ro. Đến năm 2023 các quy định về xếp hạng tín nhiệm mới thể hiện những ràng buộc mang tính pháp lý. Đây cũng là khoảng thời gian hợp lý để thị trường có thời gian làm quen và có những đánh giá ban đầu về chất lượng của các dịch vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm vẫn còn non trẻ của Việt Nam. Sự tiếp nối của các văn bản pháp lý mới, sẽ góp phần tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường.