07:39 20/04/2022

Lỗ 3 năm liên tiếp, FTM bị hủy niêm yết trên HOSE từ ngày 16/5 tới

Hà Anh

FTM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc 50 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với lý do kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục và tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.

Sơ đồ giá cổ phiếu FTM thời gian qua.
Sơ đồ giá cổ phiếu FTM thời gian qua.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh quyết định về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã FTM), kể từ ngày 16/5/2022.

Theo đó, FTM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc 50 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với lý do kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục và tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.

Tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, FTM ghi nhận khoản lỗ 224,2 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 420,6 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là 1.113,97 tỷ đồng. Năm 2020, công ty báo lỗ gần 200 tỷ và năm 2019 lỗ 94,6 tỷ đồng.

Được biết, FTM hiện đang quản lý và khai thác 3 nhà máy sợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình với năng lực sản xuất 18.000 tấn sợi/năm. Các khách hàng lớn của Công ty đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu... và trong nước.

Bên cạnh đó, Công ty còn kinh doanh thương mại nguyên liệu đầu vào, gồm bông cotton và xơ polyester cho các doanh nghiệp trong nước như Dệt sợi Đam San, Công ty TNHH TM Hoàng Khang Gia, Công ty TNHH Thương mại Tân Phát…

Cơ sở ý kiến ngoại trừ của công ty là, trong năm 2021, Công ty phát sinh khoản lỗ trên Báo cáo tài chính là: 224.158.167.384 đồng; Các khoản vay Ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền: 602.487.278.506 đồng tại thuyết minh số 20 và Lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền: 413.493.049.447 đồng tại thuyết minh số 18.

Đồng thời, tình hình dịch Covid 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuôc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty. Các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tại thời điểm kểt thúc năm tài chính ngày 31/12/2021, Công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi quá hạn thanh toán số tiền: 186.358.225.331 đồng.

Theo đó, nếu khoản dự phòng này được ghi nhận, trên Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu ‘Chi phí quản lý doanh nghiệp’ tăng số tiền: 186.358.225.331 đồng, đồng thời chỉ tiêu ‘Lợi nhuận kế toán trước thuế’ giảm số tiền tương ứng. Còn trên bảng cân đối kế toán, chỉ tiêu ‘Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi’ sẽ tăng thêm 186.358.225.331 đông, chỉ tiêu ‘Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối’ cũng sẽ giảm đi số tiền tương ứng.

Được biết, FTM được niêm yết và giao dịch trên HOSE từ đầu năm 2017. Như vậy, chỉ sau 4 năm niêm yết, cổ phiếu FTM đã bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/4, thị giá cổ phiếu FTM giảm về giá sàn còn 4.920 đồng/cổ phiếu (-6.94%) và giảm 34.50% trong 1 tháng qua.