12:49 27/09/2019

FTM được "cá mập" tung tiền giải cứu sau 30 phiên thả trôi rơi tự do

Bạch Huệ

Cuộc giải cứu gần 4,8 triệu cổ phiếu FTM diễn ra chóng vánh chỉ trong vài phút

Chân dung cựu Chủ tịch FTM Lê Mạnh Thường người được cho là có liên quan đến 10 tài khoản mở tại 11 công ty chứng khoán để giao dịch, vay margin mua bán cổ phiếu FTM
Chân dung cựu Chủ tịch FTM Lê Mạnh Thường người được cho là có liên quan đến 10 tài khoản mở tại 11 công ty chứng khoán để giao dịch, vay margin mua bán cổ phiếu FTM

Dù được "giải cứu", 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thương mại liệu có thu được về 200 tỷ đồng cho vay ký quỹ đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã FTM)?

Mở cửa phiên giao dịch ngày 27/9, FTM vẫn gây ám ảnh nhà đầu tư với màu xanh lơ muôn thuở và cổ phiếu tiếp tục "nằm sàn" phiên thứ 30. Đà giảm của FTM chóng vánh đến mức nhà đầu tư liên tưởng đến hình ảnh một chiếc thang máy bị rơi tự do từ trên cao. Tuy vậy, chỉ khoảng 36 phút sau khi mở cửa, FTM được "giải cứu" khi có tới gần 4 triệu cổ phiếu được vét hết ở giá sàn. FTM đồng thời cũng tăng trần 6,81% lên mức 2.980 đồng/cổ phiếu, kết thúc chuỗi ngày giảm giá kinh hoàng.

Với khối lượng lớn được khớp lệnh nhanh chóng này chứng tỏ đã có thế lực vào cuộc "giải cứu" cho FTM. Giá trị khớp lệnh phiên sáng của FTM khoảng 12,8 tỷ đồng. Đặc biệt, lệnh mua giá trần cổ phiếu này cũng được chất chồng với hơn 2,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, trên đà rơi của cổ phiếu, một số cổ đông lớn của công ty cũng liên tục bán ra FTM. Cụ thể, ông Nguyễn Chí Cường - cổ đông lớn đã bán ra hơn 42.000 cổ phiếu.  Ông Lâm Văn Đỉnh nắm hơn 10,3% vốn điều lệ của công ty cũng bán 192.890 cổ phiếu.

Trước đó,  FTM đã "nằm sàn" 30 phiên liên tiếp gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và các công ty chứng khoán. Cụ thể, ngày 14/8, FTM có giá 23.650 đồng/cổ phiếu nhưng đến chốt phiên 26/9, cổ phiếu này chỉ còn 2.790 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến cú rơi bất thường của cổ phiếu FTM, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thương mại đã thống kê mức tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đối với mã chứng khoán FTM của Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân là 200 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán xác minh được các chủ tài khoản margin có nhiều mối liên hệ với ông Lê Mạnh Thường - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Hiện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ những khuất tất trên.

Tính tới thời điểm 30/6/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân -Fortex (FTM) có khoản nợ phải trả chiếm 1.177 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn chiếm tổng cộng 719,7 tỷ đồng.

Doanh thu 6 tháng năm 2019 của công ty đạt 450 tỷ đồng nhưng lỗ tới 31 tỷ đồng. FTM cho biết kết quả kinh doanh của công ty sụt giảm đáng kể và có mức lợi nhuận âm là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua. Đáng nói, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại vẫn còn kéo dài và với gánh nặng chi phí lãi vay như hiện nay khó có thể đảm bảo được dòng tiền của doanh nghiệp trong thời gian tới.