09:34 31/12/2024

Loạt quỹ ETF bất ngờ hút ròng trước thềm năm mới 2025

Thu Minh

Các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam đổi chiều ghi nhận vào ròng gần 67 tỷ đồng. Động thái vào ròng diễn ra ở 6/22 quỹ, chủ yếu ở quỹ MAFM VN30 ETF...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong tuần giao dịch vừa qua, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam đổi chiều ghi nhận vào ròng gần 67 tỷ đồng. Động thái vào ròng diễn ra ở 6/22 quỹ chủ yếu ở quỹ MAFM VN30 ETF, theo thống kê từ FiinTrade.

Tháng 12/2024, tổng giá trị rút ròng ghi nhận đạt hơn 250 tỷ đồng.

Như vậy, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF gần 21,7 nghìn tỷ đồng, gấp 13,6 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 27,9% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.

Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF bao gồm ETF nước ngoài và trong nước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng trong tuần 23/12 – 27/12/2024, giảm -0,14% so với tuần trước đó . Cần lưu ý đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.

Các quỹ ETF ngoại ghi nhận vào ròng hơn 29 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở quỹ Global X MSCI Vietnam ETF (+74,3 tỷ đồng). Ở trạng thái ngược lại, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng gần 44 tỷ đồng. Các quỹ ngoại khác gần như không có biến động về dòng tiền.

Các quỹ ETF nội cũng vào ròng hơn 37 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở quỹ MAFM VN30 ETF (+88,7 tỷ đồng). Trong khi đó, 2 quỹ do Dragon Capital quản lý là VFM VN30 ETF và VFM VNDiamond ETF lại bị rút ròng lần lượt hơn 44 tỷ đồng và 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có động thái rút ròng trong dòng vốn của nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức DRs ở quỹ do Dragon Capital quản lý. Trong tuần từ 23/12 – 27/12, NĐT bán ròng 1,4 triệu chứng chỉ lưu ký (DR) ở quỹ VFM VN30ETF, tương đương 33,9 tỷ đồng. Ngược lại, nhà đầu tư mua ròng 480 nghìn DR ở quỹ VFM VNDiamond ETF, tương ứng với hơn 20 tỷ đồng.

Riêng trong ngày 30/12/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục động thái rút ròng hơn 15 tỷ đồng và không có động thái mua/bán cổ phiếu. Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF ghi nhận vào ròng hơn 13 tỷ đồng trong khi quỹ VFM VN30 ETF bị rút ròng hơn 23 tỷ đồng.

Thống kê cũng cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 266.7 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 244.4 tỷ đồng. Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm Dịch vụ tài chính, Bán lẻ. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: SSI, STB, CTG, HDB, KDH, DGC, MWG, PDR, FRT, LPB.

Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VCB, NLG, BID, VRE, VTP, FPT, MSN, VHC, PLX.

Đánh giá về xu hướng rút ròng của khối ngoại nói riêng và ETF nói chung trong một năm qua, theo MBS, thị trường mới nổi đang chứng kiến một năm nữa trôi qua trong nỗi thất vọng của giới đầu tư. Không chỉ trong năm 2024, mà trong suốt thập kỷ qua, hy vọng "sang năm sẽ khá hơn" dường như ngày càng khó thuyết phục nhà đầu tư, đặc biệt khi viễn cảnh về các mức thuế quan và chiến tranh thương mại từ Donald Trump đang khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc việc rút lui hoàn toàn.

Chỉ số tham chiếu MSCI Emerging Market tăng chưa đến 5% so với đầu năm, đánh dấu thêm một năm thua kém S&P 500. Nhìn lại 12 năm qua, có tới 11 năm thị trường mới nổi có hiệu suất kém hơn S&P 500. Trong giai đoạn này, cổ phiếu Mỹ mang lại cho nhà đầu tư tổng lợi nhuận khoảng 430%, gấp 10 lần so với cổ phiếu thị trường mới nổi.

Điểm yếu cốt lõi của thị trường mới nổi nằm ở việc không thể vượt qua sức mạnh của đồng USD. Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của JPMorgan Chase & Co. đang hướng tới năm thua lỗ thứ 7 liên tiếp.