09:26 08/02/2024

Lúa gạo Việt Nam rạng danh toàn thế giới

Chu Khôi

Ngành lúa gạo Việt Nam đã khép lại năm 2023 huy hoàng với nhiều dấu ấn rực rỡ, lập nhiều kỷ lục về sản lượng, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu… Cùng với đó là nhiều sự kiện quan trọng, như thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo; Tổ chức thành công Festival lúa gạo quốc tế; Gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới…

Năm 2023, ngành lúa gạo đã lập nên nhiều kỷ lục phi thường.
Năm 2023, ngành lúa gạo đã lập nên nhiều kỷ lục phi thường.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, thời gian tới thị trường gạo trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục sôi động, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thế giới gia tăng nhập khẩu gạo. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam.

LẬP NHỮNG KỶ LỤC PHI THƯỜNG

Bức tranh ngành lúa gạo Việt Nam năm 2023 nhiều điểm sáng, sự kiện để lại dấu ấn đáng tự hào.

Dấu ấn đầu tiên: Kỷ lục về xuất khẩu gạo trong năm 2023 khi khối lượng và giá trị đều đạt đỉnh, 8,2 triệu tấn và 4,78 tỷ USD, tăng tương ứng 15,4% và 36,6% so với năm 2022. Thị trường số 1 của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,86 triệu tấn, tương ứng 1,54 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Lúa gạo Việt Nam rạng danh toàn thế giới  - Ảnh 1

Dấu ấn thứ hai: Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thế giới. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VF), giá gạo xuất khẩu tăng cao đột biến trong năm 2023. Trong tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt mức 653 USD/tấn, cao hơn gần 93 USD so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan (với giá 560 USD/tấn), cao hơn Pakistan là 90 USD/tấn (với giá 563 USD/tấn). Với mặt hàng gạo 25% tấm, gạo Việt Nam bán được giá 638 USD/tấn, cao hơn 118 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan (520 USD/tấn); cao hơn Pakistan 150 USD/tấn (488 USD/tấn).

 

"Gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt gạo chất lượng cao".

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Dấu ấn thứ ba: Sản lượng gạo thu hoạch lập kỷ lục mới, qua đó vừa đảm bảo nhu cầu trong nước, vừa đáp ứng lượng gạo xuất khẩu kỷ lục lần đầu vượt qua 8 triệu tấn. Một trong những điểm nổi bật là tỷ trọng các giống lúa thơm, lúa đặc sản hiện chiếm phần lớn. Cụ thể, giống Đài Thơm 8/OM18 chiếm 41%, giống OM5451 chiếm khoảng 19%, giống ST (21/24/25) chiếm khoảng 9%.

Dấu ấn thứ tư: Gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị lúa gạo quốc tế 2023 tổ chức tại Cebu - Philippines từ ngày 28 đến 30/11/2023. 

Dấu ấn thứ năm: Lần đầu tiên Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức (5 lần Festival lúa gạo trước đây chỉ tổ chức quy mô trong nước), trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững gắn với Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Festival đã được tổ chức tại Hậu Giang từ ngày 11-14/12/2023.

Dấu ấn thứ sáu: Lần đầu tiên Việt Nam có người giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của IRRI. Năm 2023, TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã được toàn thể Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện IRRI.

Viện IRRI có trụ sở chính đặt tại Philippines và văn phòng tại 16 quốc gia với nhiệm vụ cung cấp cho các nhà khoa học về lúa gạo và sản xuất với các thông tin di truyền và vật liệu cần thiết để phát triển các công nghệ cải tiến giống lúa và nâng cao sản xuất lúa gạo. IRRI đã có quá trình hợp tác nhiều thập kỷ với Việt Nam. Trong số 226 giống lúa được trồng ở Việt Nam, 25% giống do IRRI chọn tạo, 52% giống do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo có sử dụng giống bố mẹ có nguồn gốc từ IRRI.

NGÀNH LÚA GẠO CÓ "ĐIỂM TỰA" MỚI

Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) ra đời là dấu ấn của ngành lúa gạo trong năm 2023. Hiệp hội được thành lập theo Quyết định số 959, ngày 28/11/2023 của Bộ Nội vụ.

Theo điều lệ, VIETRISA là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và các phụ phẩm, sản phẩm chế biến từ lúa gạo; sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ số, dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ phát triển ngành hàng lúa gạo.

Ban chấp hành VIETRISA gồm 33 thành viên là đại diện từ các thành phần trong chuỗi ngành hàng gồm chuyên gia, nhà khoa học, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà quản lý. Chủ tịch VIETRISA nhiệm kỳ 2023 – 2028 là ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng thư ký là ông Lê Thanh Tùng.

Phát biểu tại Đại hội thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: hạt gạo Việt Nam trở thành thương hiệu trên thương trường quốc tế như hiện nay nhờ công sức của tất cả các thành phần trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ngành lúa gạo truyền đi thông điệp chúng ta có nhiều hiệp hội cùng hoạt động, nhưng không hiệp hội nào phủ định hiệp hội nào mà cùng ngồi lại với nhau, hội tụ những điểm chung, phát huy những điểm riêng là thế mạnh để làm tốt hơn...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lúa gạo Việt Nam rạng danh toàn thế giới  - Ảnh 2