10:20 06/03/2023

Thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa, cải thiện tính bền vững của ngành lúa gạo

Chương Phượng

Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo ra đời nhằm cải thiện chất lượng, tính bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam thông qua khai thác nỗ lực sẵn có của các tác nhân đa dạng trong chuỗi giá trị, Nhóm này cũng có nhiệm vụ thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo…

Tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới phải nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới phải nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chiều 3/3/2023, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển công bố quyết định thành lập nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tổ chức hội thảo Định hương chiến lược của nhóm PPP ngành hàng này. 

TĂNG SỨC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH LÚA GẠO

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, ngành lúa gạo nước ta đang chuyển dịch từ canh tác truyền thống sang phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất lúa gạo phát thải thấp. Điều đó đã góp phần tăng giá trị chất lượng và tính cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt gần 7,2 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 3,49 tỷ USD và xác lập kỷ lục mới trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Điều đặc biệt là gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, EU… và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường. 

Hội thảo được tổ chức tại Cần Thơ, chiều 3/3.
Hội thảo được tổ chức tại Cần Thơ, chiều 3/3.

Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Ngoài các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc thì gạo Việt Nam cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường nhiều tiềm năng khác, nhất là khi tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

 

"Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhóm PPP lúa gạo là nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo; tham gia thực hiện đánh giá các chương trình, dự án liên quan đến ngành hàng lúa gạo Việt Nam; tổ chức các chương trình nghiên cứu, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công tư, thông tin thị trường, khuyến nông…"

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn,  ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, như khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và quốc tế.

Hơn nữa, tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua tập trung nhiều vào số lượng hơn là chất lượng; chế biến sâu còn hạn chế, dẫn đến chất lượng gạo chưa cao; chưa có được một thương hiệu riêng cho gạo Việt.

Thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp, do đó không tạo được động lực để người dân đầu tư phát triển sản xuất lúa gạo. Sản xuất lúa gạo gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên và lạm dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật trong thâm canh.

Năm 2010, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiên phong thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), gồm các nhóm công tác PPP. Ngày 23/6/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định số 2258/QĐ-BNN-HTQT về việc thành lập Nhóm công tác đối tác công tư về lúa gạo.

Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam trở thành một hệ thống minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, giảm phát thải và thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó có Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải đang được nghiên cứu xây dựng.

“Nhóm đối tác công tác công tư ngành lúa gạo được thành lập nhằm cải thiện chất lượng và tính bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam thông qua việc thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực, áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Nhóm khối công) và Công ty TNHH Bayer Việt Nam (Nhóm khối tư) đồng chủ trì; với chức năng tổ chức, phối hợp liên ngành trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm các đại diện của khối công tư, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân. Đồng thời, nhóm công tác này có chức năng quản lý, hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, bền vững, gia tăng hiệu quả kinh tế về xã hội và môi trường.

NÂNG CAO THU NHẬP CHO NÔNG DÂN TRỒNG LÚA

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng sau gần 30 năm đổi mới, ngành lúa gạo Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực tạo việc làm và thu nhập cho 9,3 triệu hộ gia đình ở khu vực nông thôn là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo và suy dinh dưỡng. Tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới phải mang lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân, bền vững môi trường và lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu gạo theo hướng chất lượng cao và giá trị cao.

 

"Việc thành lập nhóm đối tác công tư ngành lúa gạo là nhằm kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Ngoài hiệu quả sản xuất thì còn đảm bảo an toàn và bền vững, đặc biệt là giữ gìn môi trường toàn cầu, trong đó có việc giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo".

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Ông Thanh mong muốn thông qua nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo sẽ mở rộng nhanh nhất các sáng kiến công nghệ, giải pháp kỹ thuật thông minh. Từ đó, tạo thành một quy trình sản xuất thống nhất gắn với từng vùng sinh thái khác nhau, vừa nâng cao giá trị cho người sản xuất, đảm bảo vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững hơn.

“Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo cam kết chuyển đổi ngành gạo của Việt Nam từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh về chất lượng, dinh dưỡng và tính bền vững. Từ đó, chuyển dịch dần sang nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị gắn liền với phát triển du lịch, thông qua việc tăng cường liên kết sản xuất với nông dân, tăng cường khả năng đáp ứng các yêu cầu của thị trường và thúc đẩy khả năng tiếp cận các kênh phân phối bán lẻ ở các thị trường khác nhau”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Đại diện cho các đối tác quốc tế, bà Erin Sweeney, Giám đốc chương trình nông nghiệp của Tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) đánh giá, việc thành lập nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo thể hiện một bước ngoặt quan trọng, hướng tới chuyển đổi ngành lúa gạo nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

"Tổ chức Grow Asia sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với các đối tác khối công tư tại Việt Nam để xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo bền vững, với tiềm năng trở thành hình mẫu cho khu vực. Việc tăng cường hoạt động của nhóm công tác đối tác công tư về lúa gạo sẽ thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo", bà Erin Sweeney nói.