07:26 14/12/2023

Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững

Chu Khôi

Xây dựng chuỗi giá ngành hàng lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn là tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Điều này dẫn đến thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị…

Chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo.
Chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo.

Trong khuôn khổ Festival lúa gạo 2023 tại Hậu Giang, ngày 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững” và hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới".

CHUỖI GIÁ TRỊ LÚA GẠO NHIỀU ĐIỂM NGHẼN

Chủ trì hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhận định, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…

Thứ trưởng Hoàng Trung: "Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào".
Thứ trưởng Hoàng Trung: "Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào".

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, nhất là trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu. Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

 

“Ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn. Đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu, bởi thiếu một dự báo thị trường tốt làm giảm hiệu quả hoạt động của tất cả các tác nhân trong chuỗi”.

PGS.TS. Nguyễn Phú Son, Trường Đại học Cần Thơ.

Trình bày về chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích những điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Trong đó có những điểm nghẽn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết. Chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ.

Điểm nghẽn nữa là tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Hệ lụy của vấn đề này đã thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín, bẻ kèo giữa các bên tham gia liên kết. Điểm nghẽn tiếp theo, quy mô sản xuất nhỏ làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao.

Theo ông Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có 2 thách thức phải giải quyết, đó là nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển đổi sản xuất xanh để thích ứng biến đổi khí hậu. Thực tế hiện nay, ở nhiều nơi đã có hiện tượng nông dân bỏ ruộng hoặc bỏ vụ, do không thể sống được bằng nghề trồng lúa.

DOANH NGHIỆP LÀ CẦU NỐI TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ LÚA GẠO

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ khó khăn lớn nhất khi thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo mà Tập đoàn đang gặp phải hiện nay là nguồn tiền để mua lúa khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp phải xoay sở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu liên kết.

Theo ông Thuận, hiện nay mỗi năm Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường Philippines khoảng 700.000 tấn gạo. Từ đó, ông Thuận đề xuất phía Philippines có thể hợp tác, lập công ty tài chính để cung cấp vốn cho chuỗi liên kết lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời, sau đó nhận lại bằng nguồn gạo nhập khẩu.

Các địa biểu quốc tế tham dự hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững”.
Các địa biểu quốc tế tham dự hội thảo
 “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững”.

"Hiện nay giá lúa đang giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí là lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế hiện nay. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên một ha thời điểm này doanh thu đang từ 3.000 - 3.500 USD, từ đó có thể khẳng định ở quy mô nông sản xuất lúa hoàn toàn có lời", ông Thuận nhận định.

Đề cập vấn đề phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam bền vững, ông Thuận nêu lên một số rào cản cần phải tháo gỡ, trong đó có vấn đề tín dụng. 

“Mặc dù hiện nay có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành lúa gạo. Giống như tình trạng có áo nhưng không mặc được, vẫn phải chịu lạnh”, ông Thuận ví von.

Tiếp theo là rào cản môi trường pháp luật. Tình trạng người dân, doanh nghiệp vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến.

Tập đoàn Lộc Trời kiến nghị cần gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo. Mỗi nhà máy sẽ đăng ký sản xuất cho một nhóm thị trường có chất lượng tương đồng để có thể tạo ra sự ổn định trong cung cấp lúa gạo… Đề nghị Nhà nước ban hành quy định về lượng giống sử dụng không được vượt quá 100 kg/ha, lượng phân bón hóa chất, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất và qui định xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn qui định….

 
 
Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững - Ảnh 1
Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam

“Tôi cho rằng liên kết quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vẫn phải là giữa nông dân với nông dân. Bởi vì khi người nông dân liên kết được với nhau thì từ đó sẽ liên kết được với doanh nghiệp. Mười triệu hộ nông dân mà ai cũng cá thể thì không thể xây dựng được chuỗi giá trị, liên kết từ nông dân trước rồi liên kết chuỗi khác”, ông Bổng nêu quan điểm.

Xuất phát từ quan điểm đó, khi thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nhận được những nhắn nhủ từ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là Hiệp hội phải bắt đầu từ người nông dân trồng lúa. Hiệp hội chúng tôi nêu khẩu hiệu “Khởi đầu từ người trồng lúa”.

Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam khẳng định: Doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường. Với diện tích sản xuất lớn, sản lượng lúa gạo xuất khẩu nhiều và hơn 10 triệu hộ nông dân trồng lúa, 300 doanh nghiệp, 20.000 người thu mua lúa… không gian và các thành tố trong chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất lớn và phức tạp, để hoạt động nhịp nhàng rất khó.

Chuỗi ngành hàng bao giờ cũng có nhiều cấp độ, trong đó cấp độ ngắn nhất, hiệu quả nhất chính là từ người nông dân đến thẳng nhà máy chế biến.

“Tôi sang Thái Lan và rất dễ bắt gặp hình ảnh người nông dân dùng ô tô chở lúa tươi đến thẳng nhà máy, cân xong thì tiền vào tài khoản. Chỉ vài tiếng sau, số lúa tươi đó đã trở thành sản phẩm lúa gạo có thể xuất khẩu. Đó là chuỗi lúa gạo siêu ngắn”, ông Bùi Bá Bổng chia sẻ.

 
Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững - Ảnh 2

Chủ trì hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt Nam.

Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo năm 2024, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu gạo năm tới sẽ tiếp tục thuận lợi, do Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát đà tăng giá trong nước và bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo. Các doanh nghiệp nước ta sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới trong thời gian tới.