Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lúa gạo và thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều ngày 15/9/2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị tìm giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với lĩnh vực thuỷ sản và lúa gạo...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù đang trong đà giảm nhưng mức giảm này đang thấp hơn so với những tháng đầu năm. Dự báo thị trường sẽ có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm nay do nhu cầu nhập khẩu sản phẩm hải sản của một số quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản…) sẽ tăng thời gian tới.
Riêng dư nợ tín dụng ngành thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối tháng 8 năm 2023 đạt 128.525 tỷ đồng, tăng khoảng 8,5% so với 2022 (cao hơn mức tăng chung toàn quốc 4%), chiếm 59% dư nợ cho vay thủy sản toàn quốc.
Trong đó: (i) dư nợ tín dụng phục vụ mục đích khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 62.122 tỷ đồng (chiếm khoảng 48%); (ii) Dư nợ tín dụng thu mua, tiêu thụ (trong nước, xuất khẩu) thủy sản đạt 34.390 tỷ đồng (chiếm khoảng 27%); (iii) Dư nợ tín dụng chế biến, bảo quản thủy sản đạt 31.992 tỷ đồng (chiếm khoảng 25%).
Một số địa phương có dư nợ thủy sản lớn, như tỉnh Cà Mau (29.296 tỷ đồng, tăng 12,9%); tỉnh Kiên Giang (14.588 tỷ đồng, tăng 7,5%); tỉnh An Giang (13.543 tỷ đồng, tăng 3,8%); tỉnh Đồng Tháp (12.870 tỷ đồng, tăng 7,3%); TP. Cần Thơ (12.320 tỷ đồng, tăng 6,1%).
Trong đó, dư nợ cho vay cá tra đạt khoảng 30.639 tỷ đồng, tăng 10,5% với 31/12/2022 (trong khi mức tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc giảm -2,72%), chiếm khoảng 24% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực, trong đó một số tỉnh có dư nợ cho vay cá tra lớn, như Đồng Tháp (7.475 tỷ đồng, tăng 5,97%), TP. Cần Thơ (6.400 tỷ đồng, tăng 1,11%), An Giang (5.822 tỷ đồng, tăng 9,76%); Hậu Giang (3.208 tỷ đồng, tăng 26,8%).
Dư nợ cho vay tôm đạt khoảng 39.991 tỷ đồng, tăng 8,8% so với 31/12/2022 (thấp hơn mức tăng chung toàn quốc là 10,5%) và chiếm khoảng 31% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực. Một số địa phương có dư nợ cho vay tôm lớn, như: Cà Mau (15.855 tỷ đồng, tăng 7,1%), Bạc Liêu (5.171 tỷ đồng, tăng 4,8%), Trà Vinh (4.552 tỷ đồng, tăng 10%).
Dư nợ cho vay cá ngừ đạt khoảng 826 tỷ đồng, tăng 4,8% với 31/12/2022 (thấp hơn mức tăng chung toàn quốc 13,52%), chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực.
Đối với xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2023 đang đứng trước những cơ hội "vàng” từ việc Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng lên từng ngày; thiên tai, bão lũ, hạn hán ở châu Á; sự khan hiếm về cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới trước tình trạng xung đột Nga – Ukraine.
Về cho vay lúa gạo đến tháng 7 năm 2023, dư nợ tín dụng ngành lúa, gạo trên toàn quốc đạt 195.191 tỷ đồng, tăng 16,32% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ tập trung phần lớn vào khâu thu mua, tiêu thụ lúa, gạo (chiếm khoảng 72% dư nợ ngành lúa gạo).
Đến cuối tháng 8 năm 2023, dư nợ tín dụng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 102.536 tỷ đồng, tăng 9% so với 2022, chiếm khoảng 53% tổng dư nợ ngành lúa gạo toàn quốc. Trong đó, dư nợ phục vụ mục đích trồng trọt đạt 19.050 tỷ đồng (chiếm 19%); phục vụ mục đích thu mua, tiêu thụ đạt trên 72.028 tỷ đồng (chiếm 70%); phục vụ mục đích chế biến, bảo quản đạt 11.485 tỷ đồng (chiếm 11%). Một số địa phương có dư nợ lúa gạo lớn, như tỉnh Long An (20.504 tỷ đồng, tăng 0,3%), TP. Cần Thơ (18.800 tỷ đồng, tăng 28%), Đồng Tháp (12.725 tỷ đồng, tăng 13%), (Kiên Giang 10.517 tỷ đồng, tăng 5,27%), Tiền Giang (9.402 tỷ đồng, tăng 6%).
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu lúa, gạo, thủy sản nói riêng trong việc giảm chi phí vay vốn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngắn hạn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay (Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015/TT-NHNN).
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023), tạo điều kiện cho khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, để tạo cú hích, tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiều ngày 15/9, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị về vấn đề này.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản, lúa gạo ở Hậu Giang và Cần Thơ, đây là thời điểm thuận lợi để ngân hàng mạnh dạn giảm lãi suất, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng tại hội nghị lần này, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được thảo luận chi tiết, nhằm cung ứng vốn kịp thời khi tín hiệu hồi phục của thị trường xuất khẩu thuỷ sản và lúa gạo đã rõ ràng hơn.