Mặc khủng hoảng ngân hàng, ECB vẫn mạnh tay tăng lãi suất
Phần đông các nhà hoạch định chính sách trong ECB muốn giữ nguyên kế hoạch tăng lãi suất để thể hiện sự tin tưởng vào hệ thống ngân hàng của Eurozone...
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/3 vẫn thực thi kế hoạch tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã định trước, bất chấp biến động mạnh trên thị trường tài chính trong những ngày gần đây. Dù vậy, ECB cũng phát tín hiệu rằng việc có tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới hay không sẽ tuỳ thuộc vào việc bất ổn có giảm xuống hay không.
Động thái tăng lãi suất của ECB đưa lãi suất điều hành từ 2,5% lên 3%, phù hợp với cam kết đưa ra vào tháng trước. Cuộc họp này của ECB diễn ra trước cuộc họp của hai ngân hàng trung ương lớn khác là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào tuần tới. Cuộc họp được xem là một “phép thử” đối với quyết tâm chống lạm phát của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ châu Âu, trong bối cảnh ba ngân hàng Mỹ lần lượt sụp đổ trong tuần trước và mối bất an về ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse tăng cao trong tuần này.
Tuyên bố sau cuộc họp của ECB không có nhiều điểm khác biệt so với tuyên bố của cuộc họp hồi tháng 2. Tuy nhiên, tuyên bố đã bỏ đi cam kết trước đó rằng “sẽ tăng lãi suất với bước nhảy lớn và đều đặn”. Điều này được xem như một dấu hiệu cho thấy ECB không chắc chắn về việc có thể tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa, cho dù hội đồng điều hành của ngân hàng trung ương này thừa nhận rằng lạm phát ở khu vực Eurozone vẫn đang “quá cao”.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát tín hiệu rằng một số thành viên ECB muốn dừng tăng lãi suất ngay trong cuộc họp này. Bà cho biết 3-4 thành viên muốn đợi cho tới khi tình hình trở nên rõ ràng hơn, nhưng phần đông muốn giữ nguyên kế hoạch tăng lãi suất để thể hiện sự tin tưởng vào hệ thống ngân hàng của Eurozone.
Nhà kinh tế học Katherine Neiss của quỹ đầu tư trái phiếu PGIM Fixed Income nói rằng thay đổi trong định hướng chính sách của ECB là “một sự dịch chuyển quan trọng theo hướng mềm mỏng hơn”. Bà Neiss cũng cho rằng ECB đã “để ngỏ cánh cửa cho khả năng lần tăng lãi suất này có thể là lần cuối, ít nhất trong tương lai gần”.
Giá cổ phiếu Credit Suisse và các ngân hàng châu Âu khác hồi phục trong phiên ngày thứ Năm sau khi ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ này cho biết sẽ vay tới 50 tỷ Franc, tương đương 54 tỷ USD, từ Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) và mua lại khoảng 3 tỷ Franc trái phiếu trong nỗ lực tăng cường thanh khoản và trấn an nhà đầu tư.
Động thái can thiệp vào Credit Suisse của SNB đã giúp các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Eurozone bớt lo khi đưa ra quyết định tăng lãi suất. Một vị trong số này nói việc SNB cứu Credit Suisse đã “chặn đứng nỗi hoảng loạn”. ECB cho biết các ngân hàng trong Eurozone đang “vững vàng, với vị thế vốn và thanh khoản đều mạnh”, đồng thời nhấn mạnh ECB có đủ công cụ để “cung cấp hỗ trợ thanh khoản” nếu cần thiết.
ECB hạ dự báo lạm phát ở Eurozone trong 3 năm tới, nhưng nói rằng sức ép tăng giá vẫn “được dự báo duy trì ở mức quá cao trong thời gian quá dài”. Nhà kinh tế học Frederik Ducrozet của Pictet Wealth Management nói ông”không dám chắc ECB đã hoàn thành việc tăng lãi suất, nhưng họ tự tạo cho mình khả năng linh hoạt hơn” để tạm dừng.
ECB dự báo lạm phát ở Eurozone năm nay là 5,3%, giảm từ mức dự báo 6,3% đưa ra hồi tháng 12. Mức dự báo của năm tới giảm còn 2,9% từ 3,4%. ECB cho rằng đến năm 2025, lạm phát ở khu vực này là 2,1%, vẫn cao hơn so với mục tiêu 2%.
Giới chuyên gia cho rằng các ngân hàng trung ương đang bước vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ. Giai đoạn này đòi hỏi họ phải cân bằng giữa thắt chặt chính sách tiền tệ với tránh một cuộc khủng hoảng tài chính.
Trưởng bộ phận chiến lược chính sách của ngân hàng đầu tư Mỹ Evercore ISI, bà Krishna Guha, nói rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải thể hiện được khả năng “vừa xử lý được mối lo về bất ổn tài chính bằng các công cụ ổn định tài chính, vừa dùng lãi suất để kiểm soát lạm phát”.
Bà Lagarde nói “không có sự đánh đổi nào” giữa hai nhiệm vụ trên vì lãi suất có thể được dùng để chống lạm phát còn các công cụ khác, bao gồm cả công cụ mới nếu cần, sẽ được dùng để xử lý bất ổn tài chính.