12:11 06/09/2022

Mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các địa phương

Nhật Dương

Nhiều tỉnh, thành tập trung quá nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lại có dân số ít, nguồn lao động không nhiều. Ngược lại, nhiều địa phương tập trung thu hút đầu tư nhưng không tính toán đến cung – cầu lao động, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đánh giá về thị trường lao động trong thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều, đáng chú ý là việc mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, giữa các loại lao động khác nhau (lao động phổ thông, lao động quản lý, lao động trình độ kỹ thuật cao…).

Theo vùng kinh tế, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 11,9% lực lượng lao động cả nước, nhưng chỉ có 8% lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cả nước.

Tỷ lệ tương ứng của các vùng lần lượt như sau: Đồng bằng sông Hồng 22,3% - 30,5%; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 20,2% - 16%; Tây Nguyên 7,1% - 3%; Đông Nam Bộ 20,14% - 28,5%; Đồng bằng sông Cửu Long 18,2% - 12,7%.

Lực lượng lao động tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (lực lượng lao động ở nông thôn chiếm 62,8%). Dư cung lao động tập trung ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, trong khi dư cầu lao động lại ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng.

Theo trình độ, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đã tăng dần qua các năm, đến quý 2/2022 là 26,2%. Tuy nhiên có sự chênh lệch về tỷ lệ qua đào tạo của lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 40,7%, cao hơn 2,3 lần khu vực nông thôn (17,8%).

Mất cân đối cung cầu còn thể hiện ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Theo đó, có tới 84,61% lao động có trình độ cao đẳng, 65,99% số lao động có trình độ trung cấp, 22,81% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo. Mặt khác, có khoảng 44,48% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng cao hơn so với bằng cấp.

Lao động một doanh nghiệp dệt may tại Thái Nguyên. Ảnh - Mạnh Dũng.
Lao động một doanh nghiệp dệt may tại Thái Nguyên. Ảnh - Mạnh Dũng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên chính là do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đô thị chưa đồng bộ, chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực của từng vùng, miền, địa phương.

Thêm vào đó, công nghiệp hóa - hiện đại hóa kéo theo hiện tượng đô thị hóa tập trung, không đồng đều, không đồng bộ đã gây nên sự chênh lệch của các địa phương. “Điển hình là nhiều tỉnh, thành tập trung quá nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lại là nơi dân số ít, nguồn lao động không nhiều, phụ thuộc vào lao động nhập cư.

Ngược lại, nhiều địa phương tập trung thu hút đầu tư để phát triển kinh tế nhưng không tính toán đến cung – cầu lao động cũng như hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lao động”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dẫn chứng.

Cũng theo Bộ này, Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số nước trong khu vực ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.

Theo thống kê, đến nay các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 3,2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam và hàng triệu lao động gián tiếp khác.

Việc dịch chuyển nhanh chóng cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về nhân lực thay đổi, đòi hỏi cơ cấu nhân lực mới, trong khi đó cung lao động chưa chuyển dịch kịp thời.

Trước tình hình đó, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đổi mới cơ cấu, liên kết hợp tác trong đào tạo là đòi hỏi cấp bách để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Ngoài ra, việc tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài nói riêng, và việc đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nói chung, sẽ góp phần hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ và hội nhập.