18:03 14/06/2021

Mở cửa du lịch, kích cầu có phải “thuốc tiên“ để cứu kinh tế Thái Lan?

Hoài Thu

"Chúng tôi không biết mất bao nhiêu năm ngành du lịch mới có thể phục hồi. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lao dốc. Khu vực sử dụng nhiều lao động đã chuyển dịch phần lớn sang Việt Nam. Vậy đâu sẽ là động lực tăng trưởng thúc đẩy phục hồi kinh tế Thái Lan?"

Ngành du lịch Thái Lan tê liệt vì Covid-19 - Ảnh: Bangkok Post
Ngành du lịch Thái Lan tê liệt vì Covid-19 - Ảnh: Bangkok Post

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ ba tại Thái Lan đã bước sang tháng thứ ba và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các nhà hàng, quán bar tại nước này hứng chịu thêm đòn giáng mới do các biện pháp giãn cách xã hội. 

Dù chật vật vượt qua đợt phong tỏa tại Bangkok vào năm ngoái, Thaisho, một quán bar nhỏ ở thủ đô Thái Lan đang đối mặt với tương lai ảm đạm khi dịch bệnh bùng phát trở lại.

“Không thể biết được chúng tôi có thể trở lại kinh doanh thế nào. Doanh nghiệp như chúng tôi không tiếp cận được hỗ trợ từ chính phủ", Em, 31 tuổi, chủ sở hữu chủ sở hữu Thaisho, bày tỏ. "Chẳng biết được khi nào khách hàng có thể trở lại do chương trình tiêm vaccine Covid-19 tại Thái Lan diễn ra chậm chạp”.

“Mọi thứ thật mờ mịt. Chúng tôi không biết khi nào Thái Lan có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi thậm chí không thử vay tiền để duy trì doanh nghiệp bởi biết chắc chẳng có hy vọng”, Em chia sẻ.

CÁC ĐỘNG LỰC KINH TẾ "OẰN MÌNH" VÌ DỊCH BỆNH

Thái Lan đang bước vào giai đoạn kinh tế ảm đạm khác sau khi GDP giảm 6,1% năm ngoái. Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định quá trình phục hồi của kinh tế Thái Lan diễn ra chậm chạp, không đồng đều và nhiều bất ổn với mức tăng trưởng dự báo 2,6% năm nay. Tuy nhiên, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, Phòng Thương mại Thái Lan và Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan mới đây đưa ra một tuyên bố chung trong đó dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 0,5 - 2%. 

 
Đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 193.000 ca nhiễm Covid-19, tăng từ chỉ hơn 28.000 ca vào cuối tháng 3 - ngay trước đợt bùng dịch thứ ba.  

Sethaput Suthiwartnarueput, thống đốc ngân hàng trung ương Thái Lan, dự báo quá trình phục hồi kinh tế của nước này có thể kéo dài tới năm 2023, dù trước đó dự báo phục hồi về mức trước đại dịch trong quý 3/2022. 

Bangkok, động lực quan trọng của kinh tế Thái Lan, chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh lan nhanh ra các quận mua sắm, cộng đồng thu nhập thấp, các chợ, công trường xây dựng bắt nguồn từ một quán bar cao cấp vào cuối tháng 3. 

Tại các tỉnh khác, các nhà máy phải đóng cửa đóng cửa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh giữa các công nhân, tác động nghiêm trọng tới ngành công nghiệp sản xuất - một động lực khác của kinh tế Thái Lan. 

Cal-Comp Electronics, một trong những nhà cung cấp hàng điện tử lớn nhất của các công ty như Western Digital, Seagate, Hewlett Packard và Panasonic, tháng trước đã phải tạm dừng hoạt động nhà máy tại tỉnh Phetchaburi, cách Bangkok 120km, sau khi ghi nhận một chùm ca bệnh. Tính tới ngày 4/6, hơn 6.100 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện tại công ty này. 

Trong khi đó, nhà máy chế biến gà của công ty Charoen Pokphand Foods tại tỉnh Saraburi và ít nhất 2 nhà máy của công ty găng tay Sri Trang Gloves ở miền nam Thái Lan cũng phải đóng cửa để chống dịch, gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng. 

Theo Chủ tịch Hội đồng Các hãng vận chuyển quốc gia Thái lan, chiến dịch tiêm chủng chậm chạp có thể ảnh hưởng tới các ngành sử dụng nhiều lao động của nước này như sản xuất thực phẩm, điện tử, phụ tùng ô tô và dệt may.

Trung tâm mua sắm Siam Paragon ở Bangkok, Thái Lan hầu như không có khách vào một tối tháng 5 - Ảnh: Bloomberg
Trung tâm mua sắm Siam Paragon ở Bangkok, Thái Lan hầu như không có khách vào một tối tháng 5 - Ảnh: Bloomberg

Thái Lan bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc vào ngày 7/6 với mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho 50 triệu người, tương đương 70% dân số trong năm nay. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, hiện mới chỉ 5% dân số nước này được tiêm vaccine. 

Dự kiến trong vài tháng tới, khoảng 61 triệu liều vaccine của AstraZeneca sản xuất trong nước sẽ được đưa vào sử dụng tại Thái Lan. Đầu tháng này, chính phủ nước này cho biết đã nhận được 7,5 triệu liều vaccine của hãng được Trung Quốc Sinovac và đặt thêm 25 triệu liều vaccine của Pfizer và Johnson & Johnson. 

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại quốc gia Đông Nam Á này đang tiếp tục lan nhanh ra toàn quốc. Đến nay, nước này ghi nhận hơn 193.000 ca nhiễm Covid-19, tăng từ chỉ hơn 28.000 ca vào cuối tháng 3 - ngay trước đợt bùng dịch thứ ba.  

ĐỘNG LỰC NÀO ĐỂ KINH TẾ PHỤC HỒI HẬU COVID?

Thái Lan đang hy vọng phục hồi ngành du lịch - đóng góp hơn 20% GDP cả nước - với việc thí điểm mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket từ ngày 1/7. Theo kế hoạch, du khách nước ngoài đã tiêm vaccine tới Phuket sẽ được miễn cách ly. Chính sách này cũng đang được cân nhắc áp dụng tại một số tỉnh khác. Tuy nhiên, các nhà quan sát, như bà Pavida Pananond - giảng viên Đại học Thammasat, cảnh báo rằng hoạt động du lịch hậu Covid-19 có thể sẽ không trở lại mức như trước đại dịch. 

“Việc kiểm soát dịch bệnh chậm chạp của chính phủ, đặc biệt trong việc tiêm chủng vaccine, sẽ làm chậm lại quá trình trở lại hoạt động bình thường, tạo ra chi phí cơ hội không thể thu hồi cho nền kinh tế Thái Lan”, bà Pavida nhận định. 

 
"Chúng tôi không biết mất bao nhiêu năm ngành du lịch mới có thể phục hồi. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lao dốc. Khu vực sử dụng nhiều lao động đã chuyển dịch phần lớn sang Việt Nam và việc tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp. Vậy đâu sẽ là động lực tăng trưởng thúc đẩy phục hồi kinh tế Thái Lan?"

Quốc hội Thái Lan tuần trước đã thông qua dự luật cho phép chính phủ vay 16 tỷ USD để hỗ trợ ngành y tế công cộng chống chọi đợt dịch Covid-19 thứ ba. Các nhà làm luật Thái Lan trước đó ủng hộ một gói kích cầu trị giá 4,5 tỷ USD, bao gồm phát tiền mặt và trợ cấp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, để từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Tuy nhiên, theo bà Pavida, gói kích thích kinh tế này không tới được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đang cần tiền mặt để tồn tại. 

“Các khoản vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phụ thuộc vào quyết định của ngân hàng và với nền kinh tế Thái Lan vẫn trong tình trạng ảm đạm, họ khó có thể thuyết phục ngân hàng về khả năng tài chính của mình. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn”, bà Pavida cho biết. 

Theo ông Saengchai Theerakulwanich, chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan, những công ty có doanh thu năm không quá 1,8 triệu Baht (58.000 USD), gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tiếp cận khoản vay, kể cả khi chỉ vay số tiền không quá lớn, chỉ dưới 5 triệu Baht. 

Ông Saengchai cho biết, mặc dù các ngân hàng có gói cho vay dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng họ vẫn ưu tiên doanh nghiệp lớn hơn.

“Có khoảng 3,1 triệu doanh nghiệp và nhỏ ở Thái Lan. Tôi không thể nói có bao nhiêu trong số này sẽ tiếp tục sống sót khi đại dịch kết thúc”, ông Saengchai nói. 

Cảnh vắng vẻ tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan ngày 7/6 - Ảnh: EPA
Cảnh vắng vẻ tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan ngày 7/6 - Ảnh: EPA

Ông Pichai Naripthaphan, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng thiệt kinh tế do Covid-19 gây ra có nghĩa là “doanh nghiệp mới không thể ra đời”.

“Chúng tôi không biết mất bao nhiêu năm ngành du lịch mới có thể phục hồi. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lao dốc. Khu vực sử dụng nhiều lao động đã chuyển dịch phần lớn sang Việt Nam và việc tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp”, ông Pichai nói. “Vậy đâu sẽ là động lực tăng trưởng thúc đẩy phục hồi kinh tế Thái Lan?"