Mở rộng nguồn tuyển, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên
Bên cạnh việc tuyển dụng người có trình độ cao đẳng giảng dạy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách tuyển dụng, thu hút giáo viên khác phù hợp với nội dung Nghị quyết số 75/2022/QH15…
Ngày 25/6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho biết đến cuối năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 862.108, tăng 10.314 giáo viên so với năm học 2018 - 2019.
Tuy nhiên, số lượng giáo viên này vẫn chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm Âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật cũng chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép những địa phương thiếu giáo viên được tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) là cần thiết.
Chính sách này cũng góp phần mở rộng nguồn tuyển, khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên, dần bảo đảm số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học; đồng thời khuyến khích, thu hút những người đã được đào tạo, yêu quý nghề giáo vào ngành.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP CĂN CƠ, TRIỆT ĐỂ TRƯỚC TÌNH TRẠNG THIẾU GIÁO VIÊN
Theo đại diện Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội, dự thảo mới đưa ra giải pháp tuyển dụng đối với người không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định Luật Giáo dục năm 2019 mà chưa đề cập đến các giải pháp về chế độ, chính sách thu hút đối với đội ngũ giáo viên phổ thông nhằm giải quyết căn cơ, triệt để tình trạng thiếu giáo viên.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đặt ra yêu cầu tuyển dụng giáo viên dạy “các môn học mới” theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi đó dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết lại đề xuất tuyển dụng giáo viên dạy “một số môn học”.
Hiện nay, việc tuyển giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học rất khó khăn, nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu chính sách đãi ngộ với giáo viên hay thiếu giáo viên có trình độ đại học trở lên, trên cơ sở đó mới tìm được các giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên đơn môn, ngành ghép các môn hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do các ngành đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng 2 môn (Toán Lý, Hoá Sinh, Văn Sử…) chưa tương thích với các môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên).
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết số 75/2022/QH15 còn đề cập việc tuyển giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở 3 cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông). Trong khi đó, dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết chỉ giới hạn phạm vi “cấp tiểu học và trung học cơ sở”.
Ngoài ra, theo dự thảo, việc tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được áp dụng cả với cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Tuy nhiên, hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết mới chỉ tập trung vào việc đánh giá và xây dựng các chính sách thu hút giáo viên đối với cơ sở giáo dục công lập. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các cơ chế, biện pháp tuyển dụng và “giữ” giáo viên ở cả các cơ sở giáo dục ngoài công lập để tránh bỏ sót đối tượng.
NGHIÊN CỨU VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM NGHỊ QUYẾT TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng bên cạnh việc tuyển dụng người có trình độ cao đẳng giảng dạy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách tuyển dụng, thu hút giáo viên khác phù hợp với nội dung Nghị quyết số 75/2022/QH15 (Nghị quyết giao Chính phủ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên).
Cùng với đó, hiện có nhiều địa phương đã có cơ chế riêng để thu hút giáo viên giảng dạy các cấp.
Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc chỉ cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng giảng dạy tại một số địa phương với thời gian, đối tượng và môn học theo tình hình thực tế, tránh làm giảm chất lượng giáo dục.
Đồng thời giải thích thêm thuật ngữ “môn học mới” tại dự thảo và làm rõ tiêu chuẩn tuyển dụng để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn giảng dạy chương trình tiểu học và trung học cơ sở.