Mới có 6,6% số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên, chưa đạt mục tiêu
Nhiều vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ được ghi nhận, không ít đơn vị xin dừng tự chủ toàn diện sau nhiều năm thí điểm. Điều này khiến số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên mới đạt 6,6% cuối năm 2021, chưa đạt mục tiêu đề ra...
Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tập huấn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Cung cấp số liệu mới nhất về kết quả thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau gần 5 năm ban hành, ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cho hay tính đến cuối năm 2021, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập trong các bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị; giảm 7.306 đơn vị, tương ứng giảm 13,2% so với năm 2015.
Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương giảm 8,5%; thuộc địa phương giảm 13,3%.
Số lượng nguời làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế viên chức) năm 2021 là gần 1,8 triệu người, giảm hơn 236 nghìn người, tương ứng giảm 11,67% so với năm 2015, vượt mục tiêu giảm 10% theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trong đó, biên chế viên chức tại các bộ, ngành, trung ương năm 2021 giảm 25,19% và các địa phương giảm 10,51% so với năm 2015.
Về thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, trong tổng số 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập, có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên. Trong đó, 287 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỷ lệ 0,6% và 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 5,97%.
Như vậy, số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương, chưa đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính.
Cùng với đó, có 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 18,7% nhưng mức độ tự bảo đảm một phần còn thấp.
Còn lại số đơn vị do ngân sách nhà nước vẫn phải bảo đảm chi thường xuyên là 35.687, chiếm tỷ lệ 74,7%.
“Để thay đổi bức tranh này, giảm phần phụ thuộc vào ngân sách, tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế, trong đó có cơ chế tài chính phù hợp. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có thể coi là cơ sở pháp lý mang tính đột phá so với các quy định trước đây vì giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập về tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự, tài chính", ông Giang đánh giá.
Thực hiện định hướng đổi mới theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ khác nhau về tài chính.
Theo đó, đối với đơn vị đã tự chủ về tài chính, trả lương theo kết quả hoạt động. Đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, thực hiện trả lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành. Đối với phần tăng thu, tiết kiệm chi, được trích lập các quỹ bổ sung thu nhập và phát triển hoạt động sự nghiệp...
Tuy nhiên, trong các buổi họp Quốc hội gần đây, lộ trình, tiến độ, những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn và thảo luận.
Theo phản ánh, do nguồn thu khó khăn, việc liên doanh, liên kết cũng gặp khó khăn nên Hàng loạt bệnh viện lớn, đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Việt Đức… từng xin dừng thực hiện tự chủ toàn phần, thay vào đó là tự chủ một phần, tức là tự chủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới... vẫn được ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đặc biệt, năm 2020-2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về các khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022.
Đồng thời, nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn.