16:09 05/08/2022

Việt Nam có 5 trường đại học tự chủ có tổng thu trên 1 nghìn tỉ/năm

Thanh Xuân

Việt Nam có năm trường đại học có tổng thu trên 1 nghìn tỉ/năm. Trong đó có 2 trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và ba trường tư thục tự chủ…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị về tự chủ đại học năm 2022 tổ chức ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo một số kết quả đạt được.

THU NHẬP CỦA GIẢNG VIÊN TRÊN 200 TRIỆU ĐỒNG/NĂM TĂNG TỪ 19,4% LÊN 31,34%

Việt Nam có năm trường đại học với tổng thu trên 1 nghìn tỉ/năm. Trong đó có 2 trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và 3 trường tư thục tự chủ gồm: Trường đại học FPT, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Kinh tế TP. HCM, Trường đại học Công nghệ TP. HCM.

Ngoài ra, trong top 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 5 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP gồm: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Kinh tế TP. HCM, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Trường đại học Công nghiệp TP. HCM, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM. Và 1 trường đại học công lập tự chủ là Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM); 4 trường đại học tư thục gồm: Trường đại học FPT, Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Công nghệ TP. HCM và Trường đại học Nguyễn Tất Thành.

Bên cạnh đó, còn có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP trong danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021.

Ngoài ra, về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, từ 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở giáo dục đại hoc tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh, cụ thể: Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021. Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khẳng định chúng ta đã đi đúng, làm tốt, nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp và vượt các nước trong khu vực. Đồng thời Phó Thủ tướng lưu ý, tự chủ, tự quản không phải là tự do, không có sự quản lý của nhà nước. Các trường đại học tự chủ phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình. Đây cũng là xu thế chung các nước trên thế giới.

Nhấn mạnh thêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quá trình thực hiện tự chủ đại học là một chặng đường đổi mới rất dài, không chỉ có thuận lợi mà còn nhiều chông gai, gian khổ phía trước. Tự chủ đại học là quá trình cọ xát từ tư tưởng, nhận thức, đến thống nhất hành động đã được đưa vào các nghị quyết của Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục vừa làm, vừa tổng kết, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thí điểm.

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC ĐÃ THAY ĐỔI TƯ DUY, NHẬN THỨC

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, cho rằng thành công lớn nhất của tự chủ đại học là làm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động. Nhất là trong quản trị đại học đã có sự thay đổi từ tư duy tới cách thức quản lý Nhà nước, quản trị một nhà trường, phân bổ nguồn lực cũng như phát huy nguồn lực, cách nghĩ, cách cung cấp dịch vụ giáo dục. Đây là điểm quan trọng giúp các trường có nguồn lực tốt, năng lực cạnh tranh cao. Qua đó cung cấp được chất lượng đào tạo tốt cho người học, những sản phẩm khoa học tốt phục vụ cộng đồng.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận định tự chủ đại học là xu thế tất yếu, là định hướng đúng tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học đổi mới, phát triển toàn diện. Đó là xu thế không thể đảo ngược của quá trình phát triển giáo dục đại học thế giới, thúc đẩy các trường đổi mới mọi mặt.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, cùng với năng lực và những thành tích trong đào tạo, nghiên cứu, Đại học Bách Khoa lần lượt có mặt và tăng bậc trong các bảng xếp hạng thế giới uy tín. Qua đó khẳng định, quá trình đổi mới, kiên định chuyển đổi mô hình thành đại học tự chủ của nhà trường thời gian qua đang đi đúng, “Nhà trường làm nền tảng, người thầy là chủ thể, là động lực phát triển và người học làm trung tâm”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.

Đánh giá cao kết quả đạt được tuy nhiên PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lưu ý, việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học vẫn còn nhiều lúng túng. Hiện nay chúng ta đang có xung đột giữa cơ chế tự chủ và tự quản. Vì vậy chúng ta cần xem xét sao cho phù hợp nếu không chủ trương tự chủ khó có thể thành công. Bên cạnh đó, luật pháp cũng không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền hậu không thống nhất, nửa vời.

Để giải quyết tình trạng này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất một số giải pháp, trong đó ông nhấn mạnh quan điểm: “Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ, mà cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học; xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng. giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia”. 

GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc đại học Thái Nguyên nêu: 5 năm tới, giai đoạn 2022-2026 cần định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, thống nhất và làm sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và xây dựng môi trường thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn…