22:00 13/09/2022

Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 vẫn là thách thức lớn

Anh Nhi

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghị quyết riêng đầu tiên về đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn…

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW chiều ngày 13/9 tại Nam Định.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW chiều ngày 13/9 tại Nam Định.

Chiều 13/9, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW đã làm việc với Tỉnh ủy Nam Định về tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết đã nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi DN, doanh nhân.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và đã đạt kết quả bước đầu.

Tính đến 31/12/2021, Việt Nam đã có gần 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.

“Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn!”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chất lượng doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn còn hạn chế; chưa có nhiều thương hiệu hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế, thương mại mang lại…

DOANH NGHIỆP CHƯA LIÊN KẾT 

Là một trong 4 địa phương Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW thực hiện khảo sát, Nam Định được đánh giá là có nhiều sáng kiến trong triển khai Nghị quyết nhằm thúc đầy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Với 10.958 doanh nghiệp (gấp 2,6 lần năm 2011) và 845 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc khẳng định cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 10 năm qua.

 

Đến ngày 15/8/2021, Nam Định có hơn 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 244,76% so với thời điểm hết tháng 12/2011.

Tuy nhiên, so với mục tiêu 14.500 doanh nghiệp đăng ký đến năm 2025, đây vẫn là bài toán khó đối với Nam Định.

“Trong thời gian vừa qua, Nam Định cũng đã có những bước đi khác biệt trong thu hút đầu tư; chọn lựa các lĩnh vực, nhà đầu tư phù hợp. Nhờ đó, các loại hình doanh nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng trong tăng tưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh”, ông Túc nhận định.

Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của các doanh nghiệp Nam Định. Đó là số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 6.455 doanh nghiệp tính đến 31/12/2021, đứng thứ 8/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 26/63 cả nước. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định chưa cao, chỉ đạt 3,5 doanh nghiệp/1.000 người, đứng thứ 10/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ cao hơn Thái Bình), đứng thứ 60/63 cả nước. Trong khi đó, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để có thể phát triển doanh nghiệp, nhất là từ khu vực hộ kinh doanh, làng nghề. Hiện Nam Định có hơn 105 nghìn hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, đứng thứ 5/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 12/63 cả nước.

Đặc biệt, theo ông Phạm Gia Túc, hạn chế lớn nhất của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Nam Định là tính liên kết chưa cao, chưa hiệu quả; số doanh nghiệp lớn có thương hiệu chưa nhiều; phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng thấp; một bộ phận doanh nhân chưa trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh; chưa chú trọng đổi mới công nghệ, quảng; vẫn còn tình trạng lách luật, trốn thuế, nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

CẦN GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP HIỆU QUẢ

Từ thực tế của Nam Định, các đại biểu là đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các sở ngành của tỉnh đã phát biểu tham luận về các vấn đề trong triển khai Nghị quyết, tình hình thực tiễn, phân tích những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất các giải pháp để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TW.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá rằng mặc dù Nam Định đã chủ động đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm tận dụng và khai thác hết tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội, môi trường kinh doanh của tỉnh cũng ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định vẫn còn khiêm tốn.

 

Việc tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn chỉ ra một loạt những hạn chế trong triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW, đó là: Công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết còn chưa thực sự được quan tâm đúng mức; kết quả phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân còn hạn chế so với tiềm năng của địa phương cũng như so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước; thiếu những giải pháp đột phá, thực chất hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; đặc biệt trong phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề…

Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc, để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành; đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp; coi doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; tiếp tục nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân trong các làng nghề.

Đặc biệt, nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp trong giai đoạn tới.