17:01 03/08/2023

Muốn liên kết vùng đi vào thực chất, phải bứt phá khỏi cách làm cũ

Chương Phượng

Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thế nhưng thực tế triển khai đến nay, liên kết vùng vẫn còn rời rạc. Vì vậy ,muốn phát triển liên kết vùng đi vào thực chất, phải bứt phá khỏi cách làm cũ, thúc đẩy liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh…

Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Ảnh minh họa.
Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Ảnh minh họa.

Tại diễn đàn: "Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương", do Vnbusiness thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, ngày 3/8, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận định: "Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

CÒN NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm: Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay trong năm 2022, 4 vùng kinh tế trọng điểm đóng góp gần 75% vào GDP của cả nước. Trong khi 39 tỉnh, thành còn lại chỉ đóng góp khoảng 25,12% vào GDP cả nước.

 

"Đứng ở góc nhìn của kinh tế tập thể, với quy mô tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 hợp tác xã), 133 Liên hiệp hợp tác xã, và 120.983 tổ hợp tác, việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Xét về tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp cao nhất, khoảng 37,75%; vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ xếp thứ hai, đóng góp khoảng 26,82%; vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đóng góp khoảng 5,35% và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 4,95%.

Tuy vậy, trên thực tế liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ông Nguyễn Văn Thịnh nhận định, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình.

“Rõ ràng trong quá trình thiết lập mô hình hợp tác liên kết, chúng ta ít nói về hoạt động này, mà chỉ nói chung chung về định hướng, cam kết chính trị, về chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng”, ông Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chưa có nhiều hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành cụm liên kết ngành. Do đó, theo ông Thịnh, điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ. Nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

LIÊN KẾT VÙNG ĐỀ CÙNG "CẤT CÁNH"

Ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: "Phải bứt phá khỏi cách làm cũ và thực hiện liên kết vùng theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh và tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, các địa phương cũng cần nhận thức về lợi ích của liên kết vùng và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động kinh tế và đầu tư".

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

“Thực tế, khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ “cất cánh”, từ đó đời sống bà con nông dân giàu mạnh, và chính các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp cũng lớn mạnh hơn”, ông Lê Đức Thịnh bày tỏ.

Tại diễn đàn, các chuyên gia và đại diện các cơ quan đã nêu lên những giải pháp để liên kết vùng đi vào thực chất. Ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng trước hết, cần giải quyết thách thức về quy hoạch, tính đồng nhất của các địa phương, thách thức về sự hòa hợp các quan điểm đa dạng. Tiếp đến, cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

“Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng. lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Chẳng hạn có những mặt hàng nào đang hút hàng hay giá cả tăng vọt, trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì chúng ta sẽ nắm được mặt hàng này ở địa phương nào của vùng đang dư thừa, sẽ giúp cung ứng kịp thời, tránh nguy cơ thiếu hay đứt gãy chuỗi nguyên liệu sản xuất”, ông Thịnh nêu giải pháp.

 

"Để không bị đứng ngoài liên kết vùng, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản.

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Ban Kinh tế trung ương.

TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài, qua đó giúp có thêm tăng cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Các đia phương sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút FDI phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam như: sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin…

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho hay, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ông Hùng cho rằng cần kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh.

Các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.