19:33 20/09/2017

Liên kết vùng miền Trung: Phải bắt đầu từ doanh nghiệp

Lâm Phong

Câu chuyện liên kết vùng miền Trung đến nay vẫn chỉ nằm trên bàn làm việc và gói gọn trong những cuộc họp của lãnh đạo địa phương

Câu chuyện liên kết phát triển kinh tế khu vực duyên hải miền Trung đã được bàn đi bàn lại nhiều năm qua.
Câu chuyện liên kết phát triển kinh tế khu vực duyên hải miền Trung đã được bàn đi bàn lại nhiều năm qua.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu quan điểm: “Phát triển kinh tế mà không có tiếng nói của doanh nghiệp là không được. Đó là cuộc chơi, cuộc nói chuyện không đạt vấn đề. Doanh nghiệp phải là trung tâm của sự phát triển kinh tế miền Trung. Câu chuyện liên kết phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Lâu nay lãnh đạo các địa phương ngồi với nhau chỉ ở góc độ quản lý nhà nước, còn việc có liên kết được hay không thì nằm ở các doanh nghiệp”.

Câu chuyện liên kết phát triển kinh tế khu vực duyên hải miền Trung đã được bàn đi bàn lại nhiều năm qua. Các tỉnh miền Trung đã đứng ra xây dựng mô hình và lãnh đạo các địa phương sẽ ngồi cùng nhau bàn thảo về các lĩnh vực cần liên kết để phát triển. Tuy nhiên, đến nay câu chuyện liên kết vùng của miền Trung vẫn chỉ nằm ở trên các bàn làm việc và gói gọn trong những cuộc họp của lãnh đạo địa phương.

Mỗi địa phương một kiểu

Ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải thốt lên: “Thực tế lâu nay các địa phương đang chạy đi xin vốn Trung ương, anh nào giỏi thì xin được nhiều, kém thì xin được ít. Giữa các địa phương còn có sự cạnh tranh”.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thừa nhận, lãnh đạo các tỉnh miền Trung mỗi năm có gặp nhau ít nhất một lần để nói về câu chuyện liên kết nhưng bàn xong về lại để đấy, địa phương nào tự lo địa phương đó.

Còn ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lại thẳng thắn nói: “Cứ hô hào liên kết nhưng có liên kết được đâu, thậm chí còn cạnh tranh với nhau. Hiện nay nói là có liên kết nhưng chưa rõ, các tỉnh đều có ngồi với nhau nhưng chưa làm tốt mục tiêu đặt ra”.

Nói về câu chuyện liên kết vùng của các tỉnh miền Trung, TS. Trần Du lịch - Trưởng Nhóm điều phối Ban tư vấn vùng duyên hải miền Trung chia sẻ, ông đã 8 lần tham gia ký kết liên kết vùng, nhưng các tỉnh miền Trung vẫn tự mình làm, không có hợp tác gì, nói chung là không làm gì. Có chăng chỉ là liên kết trong lĩnh vực du lịch mà là do các doanh nghiệp tự làm, không nhờ cậy gì được từ quản lý nhà nước.

Cũng theo ông Lịch, khi làm việc với các lãnh đạo địa phương miền Trung, tất cả đều nhận định tính liên kết của các tỉnh, thành trong khu vực còn lỏng lẻo, tính cát cứ địa phương còn rất lớn. Trong khi đó, từ đặc điểm tự nhiên đến ưu thế thu hút đầu tư, những sản phẩm của khu vực đều có sự giống nhau tạo nên kiểu hình thái nhiều cực đồng tiến.

“Phát triển kinh tế không phân biệt ranh giới, do đó các địa phương miền Trung cần có sự liên kết mạnh hơn nữa, không chỉ trong thu hút đầu tư mà còn phải hợp tác cả trong đào tạo nhân lực, phân bổ lực lượng xem tỉnh nào làm gì, hạ tầng giao thông, môi trường chung như thế nào...”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vẫn tự bơi

Ông Lê Thanh Phong, Phó ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất dẫn chứng, Khu kinh tế mở Chu Lai của Quảng Nam nằm sát với Khu kinh tế Dung Quất của Quảng Ngãi nên có sự cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư. Kinh tế không có ranh giới nên không thể lấy quản lý ranh giới hành chính để quản lý.

Ông Phạm An - Phó ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai lắc đầu: “Chúng tôi nghe mãi rồi, rất tâm đắc nhưng chẳng thấy đâu ra đâu cả. Ý tưởng kinh tế vùng miền Trung đề xuất nhiều lần nhưng nó không thiết thực. Cần có tiếng nói mạnh với Chính phủ, làm thế nào để chúng ta có niềm tin, nếu chưa đủ độ tin thì khó thành công, khó liên kết”.

Ông Phan Xuân Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thì thẳng thắn bày tỏ: “Văn hoá chúng ta khó liên kết, đó là vấn đề gốc của câu chuyện này. Đến nay không có cơ chế hành động cụ thể, vai trò cụ thể của các tỉnh. Chỉ nói mà không có cơ chế thì chẳng làm được gì. Phải ngồi với nhau để xem địa phương mình có lợi thế gì, điểm yếu gì để bù đắp cho nhau. Nếu để liên kết phải thực hiện liên kết sâu từng nghề một, không thể đưa ra một mô hình chung chung cho tất cả".

"Thực tế hiện nay Đà Nẵng và Quảng Nam đang cạnh tranh khách du lịch. Đã cạnh tranh thì không thể liên kết được. Chỉ một vài doanh nghiệp tự liên kết với nhau, thực chất là hợp tác theo hình thức đối tác đôi bên cùng có lợi. Chúng ta cũng cần người nhạc trưởng để hoà nhập các nghề với nhau sau khi các ngành tự liên kết. Nếu cứ phát triển rời rạc, không có sự liên kết, các doanh nghiệp tự cạnh tranh, bóp chết nhau”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu quan điểm: “Phát triển kinh tế mà không có tiếng nói của doanh nghiệp là không được. Đó là cuộc chơi, cuộc nói chuyện không đạt vấn đề. Doanh nghiệp phải là trung tâm của sự phát triển kinh tế miền Trung. Câu chuyện liên kết phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Lâu nay lãnh đạo các địa phương ngồi với nhau chỉ ở góc độ quản lý nhà nước, còn việc có liên kết được hay không thì nằm ở các doanh nghiệp”.

Ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng chia sẻ, phải va chạm thực tế như doanh nghiệp mới thấy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong vùng rất mạnh. Đã cạnh tranh thì khó có sự liên kết, tỉnh nào cũng có hiệp hội doanh nghiệp nhưng chưa có sự kết nối liên thông, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương.

Cần tìm được tiếng nói chung

“Cần có tổ chức mạnh để liên kết vùng. Chúng ta đang nói chung chung, không có ai chịu trách nhiệm nên không hiệu quả...”, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty thủy sản Thuận Phước đề nghị.

Cũng theo ông Lĩnh: “Chúng ta phải làm kinh tế vùng như Nhật Bản lập ra hội đồng kinh tế vùng điều phối liên kết... Nếu ở miền Trung tỉnh nào cũng có thế mạnh, cũng đầu tàu, cũng mũi nhọn và không ai chịu ai cả thì làm sao liên kết được”.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề xuất, phải tiến hành ngay việc liên kết phát triển kinh tế vùng, không nói chung chung như thời gian qua. Chỉ khi liên kết mới xác định được rõ lợi thế cạnh tranh giữa các khu kinh tế miền Trung để tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau. Mỗi khu kinh tế cần có chính sách riêng để phát triển, tập trung vào một vài lĩnh vực có thế mạnh nhất để tạo động lực phát triển. Đơn giản như việc liên kết giữa các sân bay trong khu vực, khách mua vé ở Đà Nẵng vẫn có thể bay ở Phú Bài hoặc Chu Lai.

“Tôi cho rằng Chính phủ cần đứng ra thành lập một Ban chỉ đạo liên kết vùng cho khu vực miền Trung và có phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân trong ban. Nếu cứ nói chung chung sẽ chẳng bao giờ có được sự liên kết...”, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị.

Cùng chung quan điểm, ông Đặng Văn Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần có chế tài rõ ràng cho việc liên kết vùng, phân công ai sẽ chịu trách nhiệm thực hiện. Đến nay, việc liên kết vùng ở miền Trung chỉ là sáng kiến tự phát của các địa phương, nhưng chẳng có cá nhân nào chịu trách nhiệm cụ thể.

Theo TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, mỗi địa phương nên chọn một lĩnh vực mà mình có lợi thế. Hiện nay các địa phương ở miền Trung đều nhấn mạnh đến phát triển công nghiệp, du lịch, nhưng nhìn sản phẩm của các tỉnh lại trùng lặp nhau. Lãnh đạo tỉnh đã ngồi với nhau nhưng chưa tìm ra, sự liên kết có chăng chỉ là mấy doanh nghiệp tự làm với nhau. Các địa phương có nên chạy đua phát triển đồng đều tất cả các phân khu chức năng, lĩnh vực như thế này không hay đặt trọng tâm vào một lĩnh vực mà mình có lợi thế?.