21:31 12/05/2010

Mỹ thâm hụt thương mại hơn 40 tỷ USD

Dương Lâm

Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao trong vòng 15 tháng qua

Mặc dù xuất khẩu tăng trở lại, nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh - Ảnh: News.
Mặc dù xuất khẩu tăng trở lại, nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh - Ảnh: News.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao trong vòng 15 tháng qua, do giá dầu tăng mạnh khiến kim ngạch nhập khẩu dầu thô đạt cao nhất kể từ mùa thu năm 2008, bất chấp sự tăng trưởng khá mạnh của lượng hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, mức thâm hụt lớn này là một bằng chứng cho thấy rõ hơn sự hồi phục của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Hãng tin AP dẫn báo cáo ngày 12/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho hay, thâm hụt thương mại tháng 3 của Mỹ tăng 2,5% lên 40,4 tỷ USD, gần sát với mức dự báo 40,1 tỷ USD của các chuyên gia kinh tế. Đây là thâm hụt thương mại theo tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2008.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế đầu tàu thế giới tăng 3,2% lên 147,87 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 10/2008. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng tăng 3,1%, lên 188,3 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại ở mức cao cho thấy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại Mỹ thời hậu khủng hoảng đang tăng lên. Các nhà kinh tế học tin rằng, các nhà máy của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và đồng USD yếu.

Tuy nhiên, dự báo này có thể bị coi là quá lạc quan, nếu khủng hoảng nợ tại châu Âu lan rộng, điều vốn được nhìn nhận là sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ hàng hóa Mỹ tại châu lục này. Hiện châu Âu là thị trường chính của các sản phẩm từ Mỹ.

Mặc dù Hy Lạp, quốc gia trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ, chỉ chiếm có 0,2% tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ, nhưng 16 quốc gia khu vực sử dụng đồng Euro thì chiếm tới 15%.

Tháng 3 vừa qua, góp phần lớn vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Mỹ là các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các loại máy móc công nghiệp nặng từ máy phát điện cho tới xe xúc đất.

Trong khi, chiếm tới 25,5 tổng lượng nhập khẩu là dầu thô. Kim ngạch nhập khẩu dầu thô đã tăng lên 22,3 tỷ USD trong tháng 3, cao nhất kể từ tháng 10/2008, do nhu cầu sử dụng và giá cả tăng vọt. Giá trung bình một thùng dầu trong tháng 2 đã tăng từ 72,92 USD lên 74,32 USD.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại giữa nước này và Trung Quốc tăng 2,4% lên 16,9 tỷ USD trong tháng 3. Đây là mức thâm hụt thương mại cao nhất giữa Mỹ với các quốc gia đối tác. Hiện chính quyền Mỹ đang đối mặt với những sức ép chính trị về việc thực thi biện pháp trừng phạt thương mại với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không tăng giá đồng Nhân dân tệ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, đã gieo hy vọng về việc Trung Quốc thay đổi chính sách tiền tệ, bằng việc bất ngờ tới thăm Bắc Kinh hồi tháng trước. Ông Geithner đã có cuộc hội đàm với các quan chức kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố các quyết sách tiền tệ của nước này “sẽ không thay đổi vì bất cứ áp lực bên ngoài nào”.

Dự kiến ông Geithner sẽ nêu lại vấn đề tỷ giá, khi ông và Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Trung Quốc tham dự cuộc đối thoại cấp cao kéo dài hai ngày sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

Thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên đã tăng lên 7,1 tỷ USD trong tháng 3, tăng 32,7%. Nhập khẩu từ châu Âu tăng nhanh hơn xuất khẩu từ Mỹ sang châu lục này. Trong khi, mức thâm hụt giữa Mỹ với Canada đã giảm 15,8% xuống 2,3 tỷ USD.