Mỹ thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong nửa đầu năm 2022, Mỹ là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới...
Dữ liệu của EIA cho thấy lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đã tăng 12% trong 6 tháng đầu năm nay, so với 6 tháng cuối năm 2021. Bình quân, nước này xuất khẩu hơn 317 triệu mét khối LNG mỗi ngày.
Trong 5 tháng đầu năm, ít nhất 71% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ được chuyển tới Liên minh châu Âu (EU) và Anh khi căng thẳng năng lượng giữa Nga và khu vực này leo thang.
“Xuất khẩu LNG của Mỹ tiếp tục tăng lên vì 3 lý do, gồm khả năng xuất khẩu LNG tăng, giá LNG và khí đốt quốc tế đi lên, và nhu cầu toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu”, EIA cho biết.
Châu Âu đang phải đối mặt tình huống khó khăn khi phải vật lộn để tích trữ năng lượng trước khi bước sang mùa đông do nguồn cung từ Nga giảm. Từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần 200%. Giá hợp đồng khí đốt tương lai giao tháng kế tiếp trên trung tâm giao dịch TTF - có trụ sở tại Hà Lan (giá tiêu chuẩn cho khu vực châu Âu) tăng hơn 10% trong phiên giao dịch ngày 26/7. Đây là mức tăng trong một phiên cao nhất kể từ đầu tháng 7. Giá này đang ở mức cao hơn 430% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 trong 10 ngày để tiến hành bảo trì. Việc đóng cửa tạm thời gây ra làn sóng lo sợ ở châu Âu khi nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực cho rằng việc này có thể trở thành vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro.
Việc khóa van vĩnh viễn đã không xảy ra bởi sau đó Nga đã khôi phục dòng chảy khí đốt qua đường ống, nhưng với lưu lượng thấp hơn nhiều. Vài ngày sau đó, hãng năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo sẽ giảm lượng khí đốt cung cấp qua Nord Stream 1 sang châu Âu xuống chỉ còn 20% công xuất từ ngày 27/7, giảm từ mức 40% hiện tại.
Nhiều quan chức châu Âu cáo buộc Moscow đang dùng năng lượng làm "vũ khí" để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với quốc gia này do cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trong khi đó, điện Kremlin nói sự giảm sút nguồn cung khí đốt mà nước này bơm cho khách hàng ở châu Âu xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật trong công tác bảo trì và do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.
Phản ứng trước tình thế này, EU đã phải tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế để tích trữ cho mùa đông sắp tới.
“Từ cuối năm ngoái, các quốc gia ở châu Âu đã tăng đáng kể nhập khẩu LNG để bù đắp cho nguồn cung sụt giảm từ Nga, đồng thời lấp đầy các kho dự trữ khí đốt đang ở mức thấp nhất trong lịch sử”, EIA cho biết.
Mỹ cũng đã hỗ trợ các nước đồng minh EU với việc tăng lượng xuất khẩu thêm gần 54 triệu mét khối mỗi ngày kể từ tháng 11/2021.
Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng bị Nga cắt giảm thêm cung cấp khí đốt. Ngày 26/7, khối này phê chuẩn một kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế tiêu thụ khí đốt trong khối, nhưng mức giảm ít hơn so với dự kiến ban đầu vì phải nhượng bộ một số quốc gia thành viên. Thoả thuận của EU miễn trừ ba nước Ireland, Malta và Cyprus khỏi mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt bắt buộc 15%.
Ngoài ra, theo ước tính của hãng tin Reuters, các công ty năng lượng châu Âu đang xem xét các dự án với tổng trị giá 100 tỷ USD ở châu Phi. IEA ước tính, đến năm 2030, toàn bộ châu Phi có thể thay thế tới 1/5 lượng xuất khẩu khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu. Định chế có trụ sở ở Paris cho biết đến thời điểm đó, lượng khí đốt châu Phi bán cho châu Âu có thể tăng thêm 30 tỷ mét khối mỗi năm so với hiện nay.