08:36 27/07/2022

Bị Nga “siết van”, châu Âu khẩn cấp nhất trí cắt giảm sử dụng khí đốt

An Huy

Dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu sẽ siết chặt thêm từ ngày 27/7, thời hạn mà hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga đã đưa ra để cắt lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 1/5 công suất đường ống...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng bị Nga cắt giảm thêm cung cấp khí đốt. Ngày 26/7, khối này phê chuẩn một kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế tiêu thụ khí đốt trong khối, nhưng mức giảm ít hơn so với dự kién ban đầu vì phải nhượng bộ một số quốc gia thành viên.

Dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu sẽ siết chặt thêm từ ngày 27/7, thời hạn mà hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga đã đưa ra để cắt lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 1/5 công suất đường ống. Hiện tại, lượng khí đốt đi qua Nord Stream 1 chỉ đạt 40% công suất đường ống.

CHÂU ÂU LOAY HOAY GIẢM NHU CẦU KHÍ ĐỐT

Với hơn một chục nước EU hiện đã bị Nga “siết van” khí đốt, EU hối thúc các quốc gia thành viên tiết kiệm khí đốt và dự trữ khí đốt cho mùa đông. Khối này lo ngại Nga sẽ tiếp tục cắt giảm dòng chảy khí đốt để trả đũa các biện pháp trừng phạt mà châu Âu đã áp lên Moscow liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Trong một cuộc họp vào ngày 26/7, bộ trưởng bộ năng lượng các nước EU phê chuẩn đề xuất được đưa ra cách đây 1 tuần kêu gọi tất các các quốc gia thành viên tự động cắt giảm sử dụng khí đốt 15% trong thời gian từ tháng 8/2022-3/2023 so với mức bình quân cùng kỳ từ 2017-2021.

Việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt này có thể trở thành bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung, miễn sao phần đông các nước EU chấp nhận. Tuy nhiên, các nước EU đã nhất trí miễn trừ một số ngành công nghiệp khỏi mức cắt giảm bắt buộc 15%.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói thoả thuận trên sẽ chứng tỏ với Tổng thống Nga Vladimir Putin một điều rằng châu Âu vẫn đoàn kết. “Ông sẽ không chia rẽ được chúng tôi”, ông Habeck gửi lời nhắn nhủ tới ông chủ điện Kremlin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng Nga đang giảm cung cấp khí đốt để tạo ra một cuộc “khủng bố về giá” nhằm vào châu Âu. “Sử dụng Gazprom, Moscow đang làm tất cả những gì có thể để biến mùa đông này trở nên khắc nghiệt nhất có thể đối với các nước châu Âu. Nga phải bị đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt”, ông Zelenskiy nói trong một bài phát biểu qua video ngày 26/7.

Gazprom vốn giải thích rằng động thái giảm cung cấp khí đốt mới nhất của hãng này đối với châu Âu là do việc phải ngưng vận hành một turbine. Quan chức phụ trách vấn đề năng lượng của EU, ông Kadri Simson, bác bỏ lý do này, gọi động thái của Gazprom đưa ra là “có động cơ chính trị”.

Ông Simson nói thoả thuận về giảm tiêu thụ khí đốt của EU cần đảm bảo rằng các quốc gia tiết kiệm đủ khí đốt để vượt qua được một mùa đông bình thường nếu Nga cắt cung cấp ngay bây giờ. Tuy nhiên, một mùa đông lạnh hơn bình thường sẽ đòi hỏi các biện pháp tiết kiệm khí đốt hà khắc hơn.

“BÀI KIỂM TRA” ĐOÀN KẾT

Thoả thuận của EU miễn trừ ba nước Ireland, Malta và Cyprus khỏi mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt bắt buộc 15%. Đây là những nước không được kết nối với mạng lưới khí đốt của các quốc gia EU khác, và vì thế không thể được chia sẻ khí đốt trong trường hợp cần thiết.

Những nước có khả năng nhất định trong việc xuất khẩu khí đốt sang các nước EU khác có thể yêu cầu một mục tiêu thấp hơn, miễn sao họ xuất khẩu số khí đốt mà họ chia sẻ được. Nhóm này có thể bao gồm Tây Ban Nha - nước không dựa vào nguồn khí đốt Nga và ban đầu phản đối kế hoạch của EU.

“Mọi người đều hiểu rằng khi ai đó đề nghị bạn giúp đỡ, bạn nên giúp họ”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera phát biểu.

Những nước đã đạt mức dự trữ khí đốt cao hơn mục tiêu mà EU đề ra cho thời hạn tháng 8 cũng có thể hạ mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Mức cắt giảm vì thế sẽ không quá khắc nghiệt đối với khoảng hơn một chục nước hiện đã có dự trữ tương đối đầy, như Đức và Italy.

Các quốc gia EU cũng có thể miễn cắt giảm đối với nhu cầu khí đốt của những ngành công nghiệp chủ chốt, như sản xuất thép - một ngành sử dụng nhiều năng lượng. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái của Italy, ông Roberto Cingolani, nói rằng mục tiêu bắt buộc của Italy nên là 7% thay vì 15%, nếu tính đến việc cắt giảm nhu cầu khí đốt mà nước này đã thực hiện trong những năm trước.

Những lời cảnh báo mới nhất từ Nga đã đẩy giá khí đốt tăng cao hơn, làm gia tăng chi phí của việc mua khí đốt dự trữ, đồng thời tạo ra động lực để cắt giảm tiêu thụ khí đốt.

Trong phiên giao dịch ngày 26/7, giá khí đốt giao tháng kế tiếp trên thị trường Hà Lan tăng hơn 10% và hiện đang cao hơn 430% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kế hoạch của châu Âu được xem là một “bài kiểm tra” về sự đoàn kết của EU. Ba Lan phê chuẩn thoả thuận nhưng Bộ trưởng Bộ Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa nói rằng một nước không nên bắt buộc phải giảm tiêu thụ khí đốt để giúp các nước khác.

Những nước khác đưa ra quan điểm tích cực hơn, bao gồm Malta và Bồ Đào Nha, hai nước có mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt thấp hơn trong kế hoạch của EU. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Malta Miriam Dalli nói thoả thuận này phản ánh tình hình năng lượng khác nhau tại các quốc gia. “Chúng ta đã gửi đi được một thông điệp mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết”, bà nói.

Có một số ý kiến lo ngại rằng việc tiết kiệm khí đốt vẫn sẽ không đủ để ngăn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa đông năm nay. Mức dự trữ hiện đang rất chênh lệch giữa các quốc gia, nhưng cho tới hiện tại toàn bộ EU mới chỉ giảm được 5% tiêu thụ khí đốt, bất chấp giá khí đốt đã leo than mạnh nhiều tháng qua và nguồn cung từ Nga ngày càng siết lại.

“15% có thể sẽ không đủ, xét tới những gì Nga vừa công bố”, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ireland Eamon Ryan nói.