09:26 17/12/2022

Nâng tầm thương mại Việt – Hàn: Sức bật mới xứng tầm quan hệ mới  

Nguyễn Duy Nghĩa

Như kỳ vọng của nhân dân hai nước, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã nâng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”, mở ra một chương mới, tươi sáng trong quan hệ giữa hai nước...

Việt Nam - Hàn Quốc nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng.
Việt Nam - Hàn Quốc nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng.

Để góp phần hiện thực hóa quyết tâm đó, hai bên nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, trước mắt nâng kim ngạch đó đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới 150 tỷ USD vào năm 2030.

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

Có thể nói thương mại giữa hai nước như vườn trái ngọt, là hệ quả tất yếu của hành trình hữu nghị, đồng thời cũng là một trong những trụ cột góp phần thực hiện mọi cam kết.

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020.  Nhưng mới hết 11 tháng của năm 2022, con số đó đã là 80,7 tỷ USD, tăng so với cả năm 2021 tới 3,3%. Điều này cho thấy việc đạt mốc 100 tỷ USD năm 2023 là hoàn toàn khả thi.

Việt Nam xuất sang thị trường Hàn Quốc những mặt hàng giá trị cao như điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện;  máy móc thiết bị phụ tùng; thủy sản...  Mức tăng của phần hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc đều tăng cao hơn mức tăng của toàn bộ mặt hàng đó.

Hàn Quốc thuộc nhóm 5 khách hàng đứng đầu trong tổng số 180 thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Quốc gia này cũng nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu hàng đầu của đồ gỗ Việt Nam.

Hàn Quốc là một trong số những địa chỉ cung cấp bông lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ hai trong số các thị trường cung cấp vải lớn nhất cho Việt Nam. Trong số các nền kinh tế nhập khẩu xơ sợi từ Hàn Quốc, Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN, Ấn Độ.

Trong số các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, thì Hàn Quốc đứng thứ hai sau Trung Quốc, nhưng kim ngạch lại gấp rưỡi Nhật Bản (đứng thứ ba). Hàn Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều ô tô sang Việt Nam. Nếu nói về kiểu dáng, công dụng, hợp gu thì xe Hàn Quốc chả thua kém gì các hãng xe danh tiếng thế giới.

Hàn Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu thép lớn sang Việt Nam. 12% lượng thép nhập khẩu của Việt Nam là từ Hàn Quốc, chiếm vị trí thứ ba chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản.

Nhờ vậy, các mốc thương mại hai nước định ra luôn về đích trước hạn và luôn phải điều chỉnh dịch lên. Năm 2009, hai nước đặt mốc kim ngạch hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2015 thì chính năm đó đã đạt 36,5 tỷ USD. Đến năm 2013 đặt ra mốc mới 70 tỷ USD vào năm 2020, thì nay mốc đó được nâng lên 100 tỷ USD vào năm 2023. Đây chính là các bằng chứng thuyết phục về quyết tâm của hai nước đưa giao thương lên tầm cao mới.

NHỮNG ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG 

Có thể kể ra nhiều động lực tăng trưởng cho thương mại hai chiều trong thời gian tới.

Một, cơ cấu hàng hóa trao đổi Việt Nam - Hàn Quốc bổ sung cho nhau, không cạnh tranh, có thể phát huy thế năng của mỗi bên, tác thành thịnh vượng chung.

Hai, kinh tế Hàn Quốc khởi sắc sau thời gian dài tiệm tiến. Sức mua lên kéo nhu cầu nhập khẩu tăng.

Ba, Hàn Quốc đang đẩy mạnh chính sách hướng nam, đưa thương mại giữa Hàn Quốc với ASEAN lên ngang tầm với Trung Quốc.

Bốn, Hàn Quốc đang hăng hái tìm nguồn nhập khẩu, gia công từ Việt Nam. Ngoài ra, các tập đoàn phân phối và chế biến thực phẩm lớn của Hàn Quốc như Emart, Lotte… đều đã có mặt tại Việt Nam.

Năm, hai nước dành cho nhau nhiều ưu đãi theo chuỗi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt - Hàn (VKFTA)… Hai nước đều cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tháng 4/2022 Hàn Quốc quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã là thành viên.

Có thể kể ra một trong số những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng như: Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với một số loại hàng nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang (thuế suất những mặt hàng này nhập khẩu vào Hàn Quốc rất cao, từ 241 - 420%). Phía Hàn Quốc còn miễn thuế cho tôm Việt Nam với hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến 15 năm...  

Một yếu tố khác, tuy là gián tiếp, nhưng lại có tác động tích cực đến phát triển thương mại giữa hai nước, đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Điều này đang tạo sức hút lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc và thúc đẩy họ mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, thuộc nhiều lĩnh vực: từ dịch vụ, du lịch tới công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu nhiều sản phẩm Made in Việt Nam. Sự có mặt của các tập đoàn lớn Hàn Quốc đang kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ giúp sản xuất của Việt Nam dần thoát ra khỏi “bẫy gia công”.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt  Nam đang tạo ra nhiều tác động rất tích cực. Một là, đã góp phần hình thành, phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Từ khi Tập đoàn Samsung đầu tư vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh; Tập đoàn LG đầu tư nhà máy tại Hải Phòng, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh dần và chiếm vị trí then chốt trong nền kinh tế.

Hai là, sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc tạo ra các nhà cung ứng nội địa Việt Nam, đưa các đồng nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của ta. Riêng các sản phẩm xuất khẩu Samsung chiếm khoảng 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Với những động lực đã được chứng minh bằng thực tiễn từ nhiều năm qua, nhất là từ khi Việt Nam bùng nổ tham gia các hiệp định FTA, thì việc đạt được các cột mốc đặt ra là 100 tỷ USD năm 2023; 150 tỷ USD năm 2030 không có gì phải nghi ngờ.

THỜI VẬN MỚI, QUYẾT TÂM CAO  

Tuy vậy, vẫn có những “cục máu đông” trong “huyết quản” thương mại hai bên cần được thông mạch. Đó là khắc phục tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc, tiến tới sự cân bằng giữa hai nước.

Cũng như các năm trước, cùng với sự thăng tiến về kim ngạch thương mại thì nhập siêu từ Hàn Quốc là vấn đề lớn cần được cải thiện. 11 tháng năm 2022, nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 35,6 tỷ USD, trong khi con số đó của năm 2020 chỉ là 27,8 tỷ USD; năm 2021 là 35,2 tỷ USD.

Về trị giá tuyệt đối, tỷ lệ nhập siêu từ Hàn Quốc 11 tháng 2022 là 158%, trong khi tỷ lệ đó từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chỉ là 106%. Đó là chưa kể, con số thống kê nhập khẩu nói trên chưa “quán xuyến” đến con số cũng khá lớn hàng từ Hàn Quốc vào Việt Nam theo đường xách tay.

Để đạt được mục tiêu theo hướng cân bằng, thu hẹp dần nhập siêu trong quan hệ thương mại hai nước, thiết nghĩ cần thực hiện một cách chủ động, tích cực một số giải pháp như: đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có thương hiệu, chuẩn quốc tế, minh bạch xuất xứ, giá cả cạnh tranh, phù hợp với tập quán tiêu dùng của xứ sở này.

Tăng cường xúc tiến thương mại chuyên nghiệp và hiệu quả; tiếp cận các kênh nhập khẩu, các nhà phân phối, hãng bán lẻ Hàn Quốc; mời các nhà nhập khẩu đặt hàng đưa về chính quốc hoặc cung ứng cho hệ thống phân phối toàn cầu của các tập đoàn Hàn Quốc. Cập nhật, phổ biến quy định, thủ tục về xuất khẩu của Hàn Quốc, tranh thủ cơ hội, gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam.

Hạn chế nhập khẩu từ Hàn Quốc những mặt hàng không thiết yếu, nhất là các hàng trong nước sản xuất được. Các cấp quản lý, hiệp hội, đại diện của Việt Nam tại Hàn Quốc; đại diện của Hàn Quốc tại Việt Nam cần tích cực chủ động hỗ trợ doanh nghiệp hai bên. 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nâng tầm thương mại Việt – Hàn: Sức bật mới xứng tầm quan hệ mới   - Ảnh 1