10:00 25/12/2021

Ngành thủy sản “thoát hiểm” về đích, xuất khẩu vượt 4,6% so với mục tiêu

Chu Khôi

Ngành thuỷ sản đã về đích năm 2021 với giá trị sản xuất tăng trưởng 3,01%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020 và vượt 4,6% so với mục tiêu kế hoạch được giao (8,5 tỷ USD)…

Chế biến thủy sản đang hồi phục sau giãn cách xã hội.
Chế biến thủy sản đang hồi phục sau giãn cách xã hội.

Thông tin trên được Tổng cục Thủy sản công bố tại Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành thủy sản vào chiều 24/12/201.

SẢN LƯỢNG ĐÁNH BẮT CAO, NUÔI BIỂN CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2021, mặc dù nuôi trồng, đánh bắt và chế biển thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng toàn ngành đã thực thi nhiều giải pháp linh hoạt để vượt qua khó khăn: điều chỉnh mùa vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất... Kết quả, tổng giá trị sản xuất của ngành đã tăng 3,01% so với năm 2020.

“Tác động của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng sản xuất và xuất khẩu bị đứt gãy. Tuy nhiên, ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục và đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra về tăng trưởng và xuất khẩu”, ông Trần Đình Luân khằng định.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết tổng sản lượng thủy sản các loại năm 2021 đạt 8,73 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so với năm 2020.

Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020; thu hoạch từ nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1%. Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 931 nghìn tấn (tăng 5,5% so với năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 265 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 666 nghìn tấn.

 

Về nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển), năm 2021 đạt khoảng 8.000 nghìn mét khối lồng, tổng sản lượng 648 nghìn tấn, tăng 8% so với năm 2020 (trong đó: Cá biển 38 nghìn tấn; tôm hùm 2,1 nghìn tấn; nhuyễn thể 380 nghìn tấn; đối tượng khác 228 nghìn tấn).

“Tuy sản lượng nhiều loại thủy sản tăng, nhưng nhìn chung cơ cấu giữa đánh bắt và nuôi trồng chưa đạt mục tiêu đề ra, sản lượng đánh bắt lớn hơn mục tiêu, trong khi sản lượng nuôi biển tăng quá chậm. Sản lượng khai thác tiếp tục tăng mặc dù không tăng về số lượng tàu cá dẫn đến việc thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản là phải giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác sẽ khó khăn hơn”, ông Hùng nhận định.

Ông Nguyễn Quang Hùng chỉ ra những “màu xám” của ngành thủy sản năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, tập huấn cho ngư dân tại các địa phương chưa được triển khai đảm bảo kế hoạch.

Việc theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất của các địa phương chưa kịp thời do hệ thống phần mềm điện tử chưa hoàn thiện và việc cập nhật, báo cáo của các địa phương chưa đầy đủ và kịp thời.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều để góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Tình trạng thiếu lao động chất lượng cao trong khai thác và nuôi trồng thủy sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU THỦY SẢN ĐẠT 8,9 TỶ USD

Đề cập về xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng cho hay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020 (8,41 tỷ USD), đạt 104,6% so kế hoạch (8,5 tỷ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2021 lên tới 9,57 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2020.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới năm 2021 tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19, đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu tôm của Việt Nam do có lợi thế từ các FTA, EVFTA, cùng với sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2021 ngành thuỷ sản xuất khẩu đã trải qua những cung bậc thăng trầm vì dịch Covid-19. Nửa đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản khá thuận lợi nhờ thị trường hồi phục, sản xuất trong nước ổn định.

Thế nhưng đến quý 3, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản gần như rơi vào bế tắc vì giãn cách xã hội và quy định sản xuất “3 tại chỗ” để phòng chống dịch Covid-19.

May mắn là từ đầu tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ với quyết sách chống dịch thích ứng, linh hoạt, đã mang đến luồng sinh khí mới cho ngành thủy sản.

Từ khi mở cửa trở lại, các doanh nghiệp thủy sản đã hồi phục mạnh mẽ để đạt được kết quả xuất khẩu ngoạn mục. 1 USD xuất khẩu đạt được trong bối cảnh này giá trị gấp nhiều lần so với ở thời điểm bình thường trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

VASEP nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2022 sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới. Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm.

Trong khi đó, yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ. Những yếu tố này sẽ khiến ngành thủy sản còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm mới.

 

Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu năm 2022: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,9 tỉ USD, diện tích nuôi trồng thủy sản ở mức 1,3 triệu hecta, tổng sản lượng thủy sản bằng năm 2021. Trong đó, sản lượng cá tra 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn...

Bởi vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và cộng động doanh nghiệp thủy sản đề nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh và có được nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và gia tăng năng lực.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tập trung cao nhất cho chỉ đạo sản xuất theo định hướng tại Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.