14:14 11/11/2021

Xuất khẩu thủy sản đã đạt hơn 7 tỷ USD

Chu Khôi

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VASEP, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 10/2021 đạt 918 triệu USD, gần tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9/2021…

Xuất khẩu thủy sản đang phục hồi nhanh
Xuất khẩu thủy sản đang phục hồi nhanh

Đây là những tín hiệu tích cực với việc nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại tại các địa phương để phục hồi sản xuất. sau khi xuất khẩu thủy sản sụt giảm sâu trong 2 tháng liên tiếp do giãn cách xã hội, phòng chống Covid.

KIM NGẠCH 10 THÁNG TĂNG 2,4%

Xuất khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản chính đều tăng trưởng trở lại: cá ngừ và mực bạch tuộc đều tăng 18%, cua ghẹ tăng 13%, tôm tăng 1,6%. Những con số tăng trưởng cho thấy, sản xuất xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục rõ rệt.

Riêng cá tra vẫn giảm 18%, với doanh số xuất khẩu trong tháng 10/2021 chỉ đạt 139 triệu USD, do thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch Covid.

 

Tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,6%, cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ đạt 598 triệu USD, tăng 10%, mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD, tăng 4,5%, các loại cá khác giảm gần 1% đạt 1,36 tỷ USD. Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.

Trong tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31%, sang EU tăng 9%, sang Hàn Quốc tăng 20%, sang Canada tăng 17%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 43%.

Xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng, thị trường Mỹ chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ, Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Trung Quốc và EU đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD, giảm 24% và 864 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%.

VASEP nhận định, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch Covid.

Giá trị xuất khẩu từng loại thủy sản trong 10 tháng
Giá trị xuất khẩu từng loại thủy sản trong 10 tháng

DOANH NGHIỆP TÔM, CÁ TRA QUYẾT GIỮ VỮNG “THÀNH TRÌ”

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIMEX Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 10 đến nay, các tỉnh miền Tây Nam Bộ liên tục xuất hiện nhiều ca nhiễm và các ổ dịch mới. Đa phần nguồn gốc lây lan từ người lao động vùng dịch trở về từ đầu tháng 10 vừa qua. Mức căng thẳng mới này khiến có địa phương phải khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài vào ban đêm nhằm hạn chế lây lan.

Các địa phương trong tình cảnh trên như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang… có ca nhiễm tăng nhiều hơn các địa phương còn lại. Tin mới nhất là Cần Thơ, Sóc Trăng đã nâng lên cấp độ dịch 2. Bạc Liêu căng thẳng hơn nâng từ cấp 2 lên cấp 4. Cà Mau đang triển khai nội dung này. Diễn tiến này cho thấy nguy cơ bùng phát dịch đâu là chuyện nhỏ.

Tại các doanh nghiệp tôm và cá tra, thời điểm này lại âu lo diễn ra căng thẳng, kéo dài. Bởi nghe tin ấp, xã nào có người nhiễm bệnh là phải rà soát lại người lao động của mình có ai liên quan hoặc chỗ ở gần gũi… để sàng lọc ra xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ. Có ngày, các doanh nghiệp phải nhiều lượt làm thao tác này. Số lao động vơi dần đi vì không thể đón đưa người ở các xã có ổ dịch mới. Mỗi lần như vậy tốn rất nhiều công sức sàng lọc nhằm giảm thiểu rủi ro. Và tình hình này không dừng lại.

 
"Trước đây 7 ngày kiểm 20%, tăng lên 3 ngày kiểm 20%, nay 3 ngày phải xong một lượt kiểm tra xét nghiệm cho toàn bộ lao động. Thậm chí xét nghiệm kháng nguyên chưa đủ độ tin, phải thêm kiểm PCR cho an toàn".
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIMEX Việt Nam.

"Càng tăng tầng suất kiểm tra xét nghiệm, chi phí cứ đội lên. Dù hết sức nỗ lực, tới bây giờ đại đa số doanh nghiệp tôm và cá tra  đều đã trải qua ít nhất một lần tình huống xử lý F0 trong doanh nghiệp”, ông Lực chia sẻ.

Theo ông Hồ Quốc Lực, mỗi sáng sớm, lao động phải đợi kết quả test nhanh theo sắp xếp mới vào làm việc. Việc này đã diễn ra nhiều tháng, nhưng bây giờ dòng người dài hơn mấy lần do tần suất kiểm tra dày đặc hơn. Mặc dù từ trung ương đến các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực chống dịch, đặc biệt là đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân, tuy nhiên biểu đồ F0 phát hiện ngoài cộng đồng chưa đi xuống. Tình hình này, thời gian tới, các tỉnh miền Tây chắc sẽ lần lượt nâng cấp độ dịch địa phương mình nhằm hạn chế đi lại tràn lan, hạn chế lây nhiễm.

Ngày 28/10/2021, Ủy ban Tôm VASEP đã họp bàn các nội dung liên quan việc phục hồi hoạt động các doanh nghiệp chế biến nói riêng, ngành tôm nói chung và cái nhìn cho tương lai gần về nguyên liệu, thị trường… Ý kiến số đông khá trọng tâm là giữ vững an toàn trước khi triển khai sản xuất, an toàn mới sản xuất.

“Cũng mong là các nhà điều hành doanh nghiệp tôm sẽ cụ thể hóa suy nghĩ ra hành động thiết thực, khẩn trương, kịp thời để giữ vững thành trì của từng doanh nghiệp và nhất là quyết tâm không để gãy đổ chuỗi sản xuất con tôm”, TS. Hồ Quốc Lực bày tỏ.