17:24 31/10/2021

Lâm sản, thủy sản nỗ lực hồi phục sau giãn cách

Chu Khôi

Ngành nông nghiệp trong tháng 10/2021 chứng kiến những diễn biến trái chiều ở từng lĩnh vực. Trong khi chăn nuôi gặp khó khăn do giá bán thấp và tình trạng vật nuôi quá lứa tồn chuồng cao; thì lâm nghiệp có nhiều thuận lợi, mọi hoạt động bắt đầu vào đà tăng để đạt kế hoạch năm 2021. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang dần phục hồi sản xuất, tăng công suất hoạt động...

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông sản và lâm sản trong 10 tháng qua đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu nhóm hàng thủy sản đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%.

Do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng lúa mùa năm nay ước tính đạt 8,03 triệu tấn, giảm 73,5 nghìn tấn so với vụ mùa trước. Với vụ lúa hè thu, diện tích gieo trồng đạt 1.954 nghìn ha, tăng 8,9 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2020; sản lượng đạt 11,04 triệu tấn, tăng 282,8 nghìn tấn so với vụ hè thu năm ngoái.

Tiến độ trồng cây rau màu tính đến 15/10/2021
Tiến độ trồng cây rau màu tính đến 15/10/2021

Tiến độ gieo trồng màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc đạt thấp hơn so với cùng kỳ do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và mưa nhiều. Tính đến ngày 15/10/2021, cả nước gieo trồng được 63,8 nghìn ha ngô, bằng 94,1% cùng kỳ năm trước; 7,7 nghìn ha khoai lang, bằng 70%; 2 nghìn ha đậu tương, bằng 87%; 3,7 nghìn ha lạc, bằng 90,2%; 79,3 nghìn ha rau đậu, bằng 99%.

LÂM NGHIỆP HỒI PHỤC, CHĂN NUÔI KHÓ KHĂN

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng 10/2021 nhìn chung ổn định, tổng số bò trong tháng tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số trâu giảm 3,9%; tổng số lợn giảm 1,5%; tổng số gia cầm giảm 1,2%. Tuy số lượng lợn và gia cầm giảm nhẹ, nhưng do tiêu thụ thịt giảm, khiến chăn nuôi đang lao đao.

Chăn nuôi lợn đang đứng trước nhiều khó khăn khi giá thịt lợn hơi trong tháng 10/2021 tiếp tục giảm sâu so với tháng trước do nguồn cung đã phục hồi nhưng nhu cầu tiêu thụ thấp. Thêm vào đó, giá các chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều cơ sở chăn nuôi bị thua lỗ. Chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng, nhu cầu thị trường giảm, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tình trạng thua lỗ kéo dài.

Đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 10/2021 ước tính đạt 30,5 nghìn ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 13,8 triệu cây, tăng 8,0%. Các cơ sở chế biến gỗ dăm dần hoạt động bình thường, nhiều nhà máy đã bắt đầu khởi động sản xuất các đơn hàng phục vụ nhu cầu cuối năm khiến nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng, giá gỗ keo tăng nhẹ nên người dân đẩy mạnh khai thác keo. Sản lượng gỗ khai thác tháng 10/2021 đạt 1.700 nghìn m3, tăng 3,2%; sản lượng củi khai thác đạt 1,4 triệu ste, giảm 2,2%.

Tính chung 10 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 206,4 nghìn ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 78,9 triệu cây, tăng 3,3%. 

Trong 10 tháng qua, sản lượng gỗ khai thác đạt 14.289 nghìn m3, tăng 4,2%; sản lượng củi khai thác đạt 15,7 triệu ste, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

THỦY SẢN GIẢM NHẸ VỀ SẢN LƯỢNG VÀ XUẤT KHẨU

Đối với lĩnh vực thủy sản, sản lượng thu hoạch tháng 10/2021 ước tính đạt 798,1 nghìn tấn, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: sản lượng cá đạt 555,7 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 135,8 nghìn tấn, giảm 0,1%; thủy sản khác đạt 106,6 nghìn tấn, giảm 2,8%.

Lâm sản, thủy sản nỗ lực hồi phục sau giãn cách - Ảnh 1

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 492,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cá đạt 324,7 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 0,1%. Trong tháng 10/2021, giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dao động ở mức 22.000-23.500 đồng/kg, tăng 500-1.000 đồng/kg so với các tháng thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ dịch Covid-19 dần được kiểm soát nên việc thu hoạch, tiêu thụ và vận chuyển thuận lợi hơn. Sản lượng cá tra tháng 10 ước tính đạt 143,7 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

 
Tính chung 10 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 7.175,4 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.812,2 nghìn tấn, giảm 0,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.363,2 nghìn tấn, tăng 0,5% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.205,6 nghìn tấn, tăng 0,6%).

Giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu cũng đang tăng ở tất cả kích cỡ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp chế biến tôm đang trên đà phục hồi sản xuất, tăng dần công suất hoạt động so với những tháng có dịch Covid-19 bùng phát. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 10/2021 ước tính đạt 85,3 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 33,6 nghìn tấn, giảm 0,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 10/2021 ước tính đạt 306,0 nghìn tấn, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 231,0 nghìn tấn, tăng 0,1%; tôm đạt 12,4 nghìn tấn, giảm 1,6%; thủy sản khác đạt 62,6 nghìn tấn, giảm 4,8%. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng 10 ước tính đạt 288,1 nghìn tấn, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước.

Khai thác thủy sản chưa khả quan do một số địa phương vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, khiến số lượng tàu nằm bờ không hoạt động tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước.

 
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
"Sơ bộ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chúng tôi rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.
Hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ lần này, cùng với sự chủ động của các địa phương, tôi nghĩ rằng đây là điểm tựa cho các doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại.  
Về tăng trưởng, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta. Mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2021 mà Bộ đề ra từ 2,5-2,8% sẽ vẫn đạt được".

 

 
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
"Tuy vẫn còn nhiều trở ngại về nguồn lao động, chi phí, đảm bảo phòng chống dịch để sản xuất an toàn…, nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang từng bước khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.
Từ nay đến cuối năm 2021, thủy sản vẫn còn dư địa tăng trưởng tốt lẫn tăng kim ngạch xuất khẩu nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, trong khi đó các đơn hàng cần cho nhu cầu tiêu dùng thủy sản vào những dịp lễ và cuối năm rất lớn.
Thông thường, quý 4 hàng năm là quý có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất so với các quý khác. Vì thế, 2 tháng còn lại của năm 2021, ngành thủy sản sẽ quyết tâm phấn đấu tăng sản lượng cả khai thác và nuôi trồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD để đưa tổng kim ngach xuất khẩu thủy sản cả năm lên 8,7 tỷ USD".