13:59 09/06/2023

Ngày càng rời xa phương Tây, kinh tế Trung Quốc sẽ thay đổi quỹ đạo?

Hoài Thu

Để theo đuổi mục tiêu vượt qua Mỹ trở thành siêu cường số một thế giới, Trung Quốc đang định hướng lại hoạt động thương mại và đầu tư của mình theo hướng tách khỏi phương Tây...

Những quyết định của Bắc Kinh có thể đang cản trở khả năng gia nhập hàng ngũ quốc gia giàu nhất thế giới của Trung Quốc - Ảnh: Xinhua
Những quyết định của Bắc Kinh có thể đang cản trở khả năng gia nhập hàng ngũ quốc gia giàu nhất thế giới của Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Theo tờ The Atlantic, ý nghĩ về một Trung Quốc đang trỗi dậy đã ăn sâu vào thế giới phương Tây đến mức việc này dường như trở thành điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thế giới kinh tế không vận hành theo một đường thẳng, và việc Bắc Kinh giờ đây đang đưa ra các quyết định về mối quan hệ với thế giới chắc chắn sẽ làm thay đổi quỹ đạo của nền kinh tế nước này.

KỶ NGUYÊN MỚI CỦA CẠNH TRANH ĐỊA CHÍNH TRỊ

Giới phân tích nhận định, để theo đuổi mục tiêu vượt qua Mỹ trở thành siêu cường số một thế giới, Trung Quốc đang định hướng lại hoạt động thương mại và đầu tư của mình theo hướng tách khỏi phương Tây, trong đó thậm chí hướng nội ở một số khía cạnh để củng cố khả năng phòng thủ kinh tế. 

Trong quá trình này, Trung Quốc cũng đóng góp vào các vấn đề toàn cầu, trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa sau chiến tranh lạnh đã nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới, mà ở đó cạnh tranh địa chính trị cùng mối quan tâm về an ninh là động lực cho các chính sách kinh tế.

Câu chuyện về sự trỗi dậy của Trung Quốc đến nay đều liên quan tới mối quan hệ của nước này với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ. Hơn 40 năm trước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã đưa ra chương trình cải cách thị trường tự do, theo đó kết nối người dân vốn chủ yếu làm nông nghiệp của nước này với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chương trình được thực hiện qua trái phiếu thương mại và đầu tư với Mỹ cùng các đối tác của Mỹ. Dòng vốn và công nghệ nước ngoài bắt đầu chảy vào quốc gia châu Á, cho ra đời hàng loạt hàng hóa được sản xuất dành cho người tiêu dùng giàu có ở Mỹ và châu Âu. Tăng trưởng bùng nổ kéo theo đó là thu nhập tăng lên tại Trung Quốc. Tất cả những điều này không thể có được nếu không có sự hợp tác của phương Tây.

Xxu hướng toàn cầu hóa sau Chiến tranh Lạnh đã nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới, mà ở đó cạnh tranh địa chính trị cùng mối quan tâm về an ninh là động lực cho các chính sách kinh tế - Ảnh: Getty Images
Xxu hướng toàn cầu hóa sau Chiến tranh Lạnh đã nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới, mà ở đó cạnh tranh địa chính trị cùng mối quan tâm về an ninh là động lực cho các chính sách kinh tế - Ảnh: Getty Images

Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh và Washington từng có thời điểm sẵn sàng gác lại những bất đồng chính trị để theo đuổi lợi ích kinh tế mà cả hai đều tin là cần thiết cho tương lai. Tuy nhiên, hiện tại, hai nước xem mối quan hệ với đối phương là một nguồn rủi ro và dễ bị tổn thương.

Bắc Kinh lo ngại rằng Washington có thể khai thác các đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc để ngăn chặn nước này vươn lên trở thành siêu cường toàn cầu, bằng cách kiểm soát các công nghệ quan trọng hoặc áp đặt trừng phạt. Do đó, Trung Quốc tự vệ bằng cách tập trung phát triển công nghệ trong nước và chuyển hướng sang hợp tác với các quốc gia không bị xem là mối đe dọa, như Nga.

Về phần mình, Washington lo rằng Trung Quốc có thể lợi dụng vị thế thống trị chuỗi cung ứng của mình, như sản xuất đất hiếm, để cản trở ngành công nghiệp của Mỹ. Hoặc Bắc Kinh sẽ lợi dụng khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Mỹ để tăng cường khả năng quân sự hoặc giảm khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ.

Cả chính quyền của Tổng thống Joen Biden và các chính quyền tiền nhiệm đều tìm cách cắt giảm hoạt động kinh doanh với Trung Quốc thông qua thuế quan, kiểm soát xuất khẩu cũng như nhiều biện pháp khác, đồng thời khuyến khích đầu tư vào sản xuất trong nước.

Theo ông Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc Hạ viện Mỹ, đây là những thay đổi hợp lý.

“Nhiều người muốn quay lại thời kỳ đầu của quan hệ kinh tế và cho rằng điều đó sẽ cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng theo tôi, đây chỉ là ảo tưởng”, ông Gallagher nói. “Chúng ta (Mỹ) cần cởi bỏ những chiếc khăn bịt mắt bằng vàng khi nói tới những rủi lo liên quan tới làm ăn với Trung Quốc. Chúng ta cũng cần củng cố chủ quyền kinh tế cùng với các đồng minh của mình”.

NHỮNG MỐI QUAN HỆ RẠN NỨT

Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc - được cho là có sức ảnh hưởng nhất trong nửa thập kỷ qua - đang rạn nứt. Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc có xu hướng giảm những năm qua. Năm 2017, các công ty Mỹ rót khoảng 14,1 tỷ USD vào Trung Quốc. Tuy nhiên, tới năm 2021, con số này chỉ còn 8,4 tỷ USD, theo số liệu từ công ty nghiên cứu Rhodium Group.

Trong một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc với các doanh nghiệp Mỹ, 51% doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ không có kế hoạch tăng đầu tư hoặc sẽ giảm đầu tư vào nước này. 26% nhận xét môi trường tại Trung Quốc đang bất ổn nên khó đưa ra quyết định.

Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang rạn nứt - Ảnh: WSJ
Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang rạn nứt - Ảnh: WSJ

Các doanh nghiệp châu Âu cũng không mấy mặn mà. Trong một báo cáo năm 2022, Rhodium Group cho biết: “Trong khi một số doanh nghiệp lớn, đa số là doanh nghiệp Đức, tiếp tục đầu tư vào hoạt động hiện tại của mình vào Trung Quốc, thì nhiều doanh nghiệp châu Âu khác ở Trung Quốc đang rút lại các khoản đầu tư mới. Hầu như không có doanh nghiệp châu Âu mới nào chọn thâm nhập thị trường Trung Quốc những năm gần đây”.

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 4 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đầu tư nước ngoài trên toàn cầu nhìn chung bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Trung Quốc là nước chịu tác động nhiều nhất.

IMF lưu ý rằng, trong thời kỳ đại dịch (khoảng năm 2020-2022), so với 5 năm trước đó, đầu tư mới của Mỹ và các nền kinh tế phát triển của châu Âu vào Trung Quốc đã giảm đáng kể. Trong khi đó, đầu tư mới vào các khu vực khác, bao gồm các thị trường mới nổi ở châu Âu, được duy trì tốt hơn nhiều.

Nghiên cứu của IMF cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tập trung hơn giữa các quốc gia có chung quan điểm chính trị. IMF gọi đây là “sự phân tán” trong dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng ý nghĩa thực sự đằng sau xu hướng này là “mối duyên kéo dài nhiều thập kỷ của các CEO phương Tây với Trung Quốc sắp kết thúc”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng giảm đầu tư ra nước ngoài. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), từ năm 2005, Mỹ là điểm đến phổ biến nhất của dòng vốn từ Trung Quốc, với tổng mức đầu tư cho đến nay là 193 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ gần như “bốc hơi”. Năm 2022, dù đầu tư tăng so với năm 2021 lên 3,2 tỷ USD, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với 54 tỷ USD của năm 2016.

Thay vào đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư sang phía Nam bán cầu. Năm 2022, hai nước nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc là Saudi Arabia và Indonesia.

Ông Derek Scissors, thành viên cấp cao của AEI, ước tính các quốc gia có liên quan đến chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường, chiếm chưa đến 25% tổng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên tới 60% (dù tổng mức đầu tư ít hơn) trong năm 2022.

SỰ DỊCH CHUYỂN CỦA TRUNG QUỐC

Dù kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu còn lớn, kim ngạch thương mại của nước này với các quốc gia đang phát triển cũng tăng lên đáng kể. Hiện tại, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc không phải là Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), mà là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với giá trị hàng hóa luân chuyển đạt 975 tỷ USD năm 2022.

Theo một nghiên cứu năm 2023 của Atlantic Council, tỷ trọng thương mại hàng hóa của Trung Quốc với châu Phi ở vùng Saharan đã tăng từ chỉ 4% vào năm 2001 lên hơn 25% vào năm 2020, vượt qua cả Mỹ và EU.

Đặc biệt, sự dịch chuyển của Trung Quốc cũng đang tập trung vào Nga, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cũng như các vật liệu thô khác mà không bị ảnh hưởng bởi quyền lực của Mỹ. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng hơn 30% trong năm 2022, lên mức kỷ lục 190 tỷ USD. Do các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, Nga đang quay sang sử dụng đồng Nhân dân tệ thay vì USD.

Theo các nhà phân tích, bên cạnh sự dịch chuyển đầu tư và quan hệ kinh tế khỏi thế giới phương Tây, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng nội nhiều hơn. Để làm vậy, nước này cần phải thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm tự sản xuất. Bắc Kinh có thể sẽ muốn xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của mình ra nước ngoài nhưng nhập khẩu càng ít càng tốt.

Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi Mỹ, Nhật và các nền kinh tế phát triển vẫn chiếm gần 60% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, thế giới đang phát triển (không tính Trung Quốc) chỉ chiếm chưa tới 25%. Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng ở phía Nam bán cầu, dù đang trở nên giàu có hơn, không đủ khả năng tài chính để mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc như người tiêu dùng ở các nước phương Tây và các nền kinh tế phát triển khác. Và các nước đang phát triển cũng không thể cung cấp những công nghệ mà phương Tây có.

Giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh chú trọng tới an ninh và quyền lực hơn là hiệu quả kinh tế đang khiến nước này xa rời khỏi những đối tác thương mại có khả năng cung cấp những thứ cần thiết nhất cho nền kinh tế - như công nghệ tiên tiến. Đổi lại, Trung Quốc có quan hệ kinh tế gia tăng với các quốc gia khác như Nga, nhưng lại không thể bù đắp lại những gì bị mất.

Do đó, liệu Trung Quốc có thể tiếp tục thăng hoa trong bối cảnh như vậy hay không vẫn cần thời gian trả lời. Nhưng những quyết định của Bắc Kinh có thể đang cản trở khả năng gia nhập hàng ngũ quốc gia giàu nhất thế giới của Trung Quốc.