14:54 29/05/2023

Xung đột ngày càng đẩy Nga tiến gần hơn với Trung Quốc?

Ngọc Trang

“Chẳng có lý do gì để tin rằng quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc sẽ không kéo dài lâu. Ở thời điểm hiện tại, cả hai đều mang lại cho đối phương thứ họ cần”...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Theo Business Insider, kể từ khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái, nền kinh tế Nga hứng đòn giáng từ loạt biện pháp trừng phạt chưa từng thấy của phương Tây và ngày càng phụ thuộc vào đối tác lớn nhất của mình là Trung Quốc.

Trong nhiều tháng, Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc khi hai nền kinh tế trở nên gắn kết hơn cả về tài chính và thương mại trong bối cảnh Nga bị cô lập vì các biện pháp trừng phạt.

Theo giới quan sát phương Tây, đây không phải một mối quan hệ đối tác cân bằng. Một số nguồn tin thân cận với điện Kremlin cũng nhận định Nga có thể trở thành “thuộc địa” về tài nguyên của Trung Quốc

“Với tôi, Nga chưa hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng rõ ràng đang tiến tới trạng thái đó”, ông Jay Zagorsky, giáo sư về thị trường tại Đại học Boston, nói khi đề cập tới sự phụ thuộc ngày càng lớn của Nga vào Trung Quốc với tư cách một đối tác thương mại.

Theo ông Zagorsky, Nga dự báo kim ngạch thương mại với Trung Quốc năm nay sẽ đạt kỷ lục mới 200 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều số liệu thống kê khác cho thấy Nga sẽ xuất khẩu khoảng 26% hàng hóa sản xuất trong nước sang Trung Quốc. Con số này gấp đôi so với với giai đoạn trước chiến tranh ở Ukraine.

Ông Zagorsky dự báo Nga sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác thương mại lớn nhất của mình khi kim ngạch xuất nhập khẩu đi và đến từ Trung Quốc đạt 50%. Việc này khiến Moscow phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc đến mức các lợi ích ở nước ngoài của quốc gia này phần lớn đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, ông Richard Connolly từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, không đồng tình với quan điểm này. Theo ông, việc Nga tăng cường quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc là “hệ quả tự nhiên” của các biện pháp trừng phạt chứ không phải là “quyết định có chủ ý”. Hơn nữa, Nga cũng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các quốc gia khác, như Ấn Độ, về thương mại.

“Dù có sự phụ thuộc mặt kinh tế, nhưng điều này không đồng nghĩa với phụ thuộc vào chính trị”, ông Connolly nói, đề cập tới mối quan hệ thương mại sâu rộng của Nga với châu Âu trước chiến tranh Ukraine. "Nga có hoàn toàn phụ thuộc vào châu Âu trong hơn 30 năm qua không, tôi không cho là như vậy. Mối quan hệ kinh tế này giống như Nga và Trung Quốc hiện tại vậy”.

Theo ông, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong đó, Trung Quốc hưởng lợi lớn khi đẩy mạnh nhập khẩu hàng háo từ Nga với mức giá giảm sâu, đặc biệt là dầu thô, khí đốt tự nhiên, than đá và kim loại quý. Song song với đó, nước này cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Nga, mang lại lợi ích kép là thúc đẩy GDP và tạo thêm nhiều việc làm.

Trong khi đó, Nga đang tận dụng mối quan hệ đối tác với Trung Quốc để vượt qua những rào cản do biện pháp trừng phạt của phương tây và có nguồn thu để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.

Còn ông Zagorsky cho rằng những khó khăn mà Nga đang phải đối mặt khiến nước này nhiều khả năng sẽ phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc trong thời gian tới.

Đơn cử, GDP theo sức mua của Trung Quốc hiện là khoảng 24.800 tỷ USD, gấp 6 lần của Nga, ông Zagorsky ước tính GDP theo sức mua của Trung Quốc sẽ tăng gấp khoảng 8 lần của Nga trong những năm tới.  

Mặc dù các mối quan hệ chính trị có thể nhanh chóng thay đổi, cả ông Zagorsky và ông Connolly đều cho rằng Nga không có lý do gì để chấm dứt quan hệ với Trung Quốc. Cả hai nước này đều có lý do để giữ khoảng cách về mặt kinh tế với phương Tây và đến nay mối quan hệ liên minh giữa Nga và Trung Quốc vẫn hoạt động hiệu quả.

“Chẳng có lý do gì để tin rằng quan hệ này sẽ không kéo dài lâu”, ông Connolly nói. “Ở thời điểm hiện tại, cả hai đều mang lại cho đối phương thứ họ cần”.