Thấy gì từ việc loạt CEO “bự” của Mỹ đồng loạt thăm Trung Quốc giữa căng thẳng Mỹ-Trung?
Việc các CEO lớn liên tục thăm Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với các doanh nghiệp blue-chip. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của các CEO trong những chuyến viếng thăm này là tìm hiểu về một môi trường kinh doanh đang trở nên phức tạp hơn...
Tổng giám đốc (CEO) của một loạt công ty thuộc hàng lớn nhất của Mỹ đã và sẽ “đổ bộ” tới Trung Quốc trong tuần này để thăm dò một trong những thị trường lớn nhất của họ, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19 và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
CEO Elon Musk của Tesla, CEO Laxman Narasimham của Starbucks, và CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase sẽ là những cái tên lớn của giới doanh nhân Mỹ có mặt tại Trung Quốc trong tuần này. Chuyến thăm của họ nối tiếp các chuyến thăm Trung Quốc trong những tháng gần đây của lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu khác như Apple, Samsung, Aramco, Volkswagen, HSBC, Standard Chartered và Kering.
MỤC ĐÍCH CỦA CÁC CEO KHI THĂM TRUNG QUỐC
Việc các CEO lớn liên tục thăm Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với các doanh nghiệp blue-chip. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của các CEO trong những chuyến viếng thăm này là tìm hiểu về một môi trường kinh doanh đang trở nên phức tạp hơn, khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với các công ty tư vấn quốc tế, căng thẳng địa chính trị gia tăng, và triển vọng đầu tư trở nên bấp bênh.
Cho tới tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc gần như vẫn đóng kín bằng việc theo đuổi chính sách chống dịch hà khắc mang tên Zero Covid, dẫn tới những lời kêu gọi trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về giảm bớt phụ thuộc vào nước này. Sau đó, Trung Quốc bất ngờ dỡ bỏ các hạn chế, mở được cho nền kinh tế phục hồi mạnh trong quý 1. Nhưng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc giờ đây đang có nhiều dấu hiệu mất đà.
Để vực dậy nền kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư vào nước này, cam kết tạo ra một sân chơi cởi mở và bình đẳng.
Cam kết này được thể hiện rõ vào hôm thứ Ba tuần này, khi ông Musk có cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, người kêu gọi một mối quan hệ “lành mạnh” với Mỹ, nói rằng điều đó là vì “lợi ích của cả hai quốc gia và thế giới”. Ông Musk bày tỏ ủng hộ quan điểm của nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, nói rằng Tesla phản đối ý tưởng “phân ly” với Trung Quốc.
“Lợi ích của Mỹ và Trung Quốc gắn liền với nhau như cặp song sinh dính liền”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời CEO của Tesla. Ông Musk sau đó cũng được Bộ Thương mại Trung Quốc dẫn lời nói rằng quan hệ giữa hai nước không phải là một trò chơi có tổng bằng không - trong đó một bên thắng thì bên kia phải thua.
Tesla không phản hồi khi được đề nghị bình luận về chuyến thăm Trung Quốc của ông Musk. Tài khoản mạng xã hội Twitter của vị tỷ phú cũng im ắng bất thường sau khi ông hạ cánh xuống Trung Quốc.
Tesla đã ở vào thế phòng thủ trong những tháng gần đây, buộc phải giảm giá bán xe sau khi mất thị phần vào tay các đối thủ ở Trung Quốc, chẳng hạn như BYD - hãng xe điện được nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett hậu thuẫn. Việc giảm giá đó đã khơi mào cuộc chiến giá cả trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc, thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.
Đối với các CEO, thăm Trung Quốc là cơ hội để họ kết nối lại với nhân viên ở nước này và gặp gỡ với các quan chức chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên sau mấy năm gián đoạn.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đại lục đầu tiên của ông Dimon, “sếp tổng” của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase, trong 4 năm. Trong chuyến thăm, ông Dimon đã gặp gỡ Bí thư Thành uỷ Thượng Hải, và tại cuộc gặp, lãnh đạo thành phố nói với ông rằng Thượng Hải hy vọng JPMorgan sẽ sử dụng “tầm hưởng quốc tế” để thúc đẩy đầu tư vào trung tâm tài chính của Trung Quốc.
Sau đó, một tuyên bố của chính quyền Thượng Hải dẫn lời ông Dimon nói rằng JPMorgan Chase sẽ giữ vai trò “cầu nối” để các công ty toàn cầu có thể hiểu rõ hơn và đầu tư nhiều hơn vào Thượng Hải.
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh Bloomberg TV, ông Dimon thừa nhận làm ăn với Trung Quốc “đã trở thành một việc phức tạp hơn nhiều”. Ông cho rằng theo thời gian, thương mại Mỹ-Trung sẽ giảm. “Đây không phải là phân ly, đây là việc giảm bớt rủi ro”, ông nói.
Trong những năm gần đây, các công ty phương Tây đã chịu áp lực phải giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kinh doanh của họ bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Điều đó được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm lo ngại về căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và căng thẳng đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington. Apple, vốn được xem là biểu tượng của hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, đã và đang thúc đẩy sự đa dạng hoá đó.
NHU CẦU GIẢM RỦI RO
Các chuyến thăm của các CEO Mỹ tới Trung Quốc gần đây trùng hợp với một chiến dịch tăng cường giám sát mà Bắc Kinh triển khai đối với các công ty tư vấn quốc tế khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc lo ngại.
Tháng 5 vừa qua, cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc cho biết đã tiến hành lục soát một số văn phòng của Capvision - một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải và New York. Thông báo này được đưa ra sau khi các giới chức Trung Quốc đóng cửa văn phòng Bắc Kinh của Mintz Group, một công ty thẩm định doanh nghiệp của Mỹ, và thẩm vấn nhân viên tại chi nhánh Trung Quốc của công ty tư vấn Bain. Các cuộc điều tra này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm tăng cường giám sát những gì được coi là thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia.
Chiến dịch này đã gây nhiều lo ngại đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, khiến một số người tự hỏi “ai sẽ là người tiếp theo?” - ông Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nói với CNN. Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cũng cho biết các thành viên của họ đang cảm thấy bất ổn, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc làm rõ các quy định.
Các công ty ngày càng không chắc chắn về 'lằn ranh đỏ' của Chính phủ Trung Quốc ở đâu và họ cần thực hiện những bước nào để tránh phạm lỗi với các cơ quan quản lý.”
Ông Nick Marro, phụ trách vấn đề thương mại toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU)
Sự không chắc chắn đã khiến một số công ty không đưa ra cam kết rót thêm vốn đầu tư vào Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát của PhòngThương mại Anh vào tháng trước, 70% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang “áp dụng cách tiếp cận ‘chờ và xem’” đối với các quyết định đầu tư dài hạn vào nước này.
Ông Ben Cavender, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược China Market Research Group, cho biết: “Hiện tại, nhiều công ty và nhà đầu tư đang đứng bên lề vì họ vẫn đang tìm kiếm sự minh bạch cao hơn về chính sách kinh tế của Trung Quốc, bao gồm cả cách Trung Quốc sẽ quản lý mối quan hệ với Mỹ”.
Bắc Kinh và Washington đã có những nỗ lực để ổn định quan hệ song phương, nhưng căng thẳng vẫn còn. Tháng 5 vừa rổi, Trung Quốc đã cấm nhà sản xuất chip Micron của Mỹ bán hàng cho các nhà cung cấp chính ở nước này, với lý do rủi ro an ninh mạng. Động thái này được coi là sự trả đũa cho những hạn chế mà Hoa Kỳ đã áp đặt đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc.
Ông Nick Marro, phụ trách vấn đề thương mại toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết niềm tin kinh doanh “vốn dĩ đã tương đối mong manh” do các chính sách chống dịch của Trung Quốc vốn chỉ mới kết thúc gần đây. Ông Marro nói với CNN: “Các động thái siết chặt kiểm soát gần đây đối với các nhà cung cấp thông tin đã làm trầm trọng thêm tình trạng bấp bênh. Các công ty ngày càng không chắc chắn về 'lằn ranh đỏ' của Chính phủ Trung Quốc ở đâu và họ cần thực hiện những bước nào để tránh phạm lỗi với các cơ quan quản lý.”
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc. Tháng trước, Tesla đã công bố mở một nhà máy thứ hai ở Thượng Hải chuyên sản xuất pin cỡ lớn.
Hãng xe Đức Volkswagen cũng tiết lộ kế hoạch rót 1 tỷ USD vào một trung tâm phát triển ô tô điện mới ở Trung Quốc. Động thái này diễn ra vài tuần trước khi các cổ đông kêu gọi kiểm toán độc lập nhà máy của Volkswagen ở Tân Cương, khu vực phía tây Trung Quốc có liên quan đến những cáo buộc lao động cưỡng bức.
Ông Marro cho rằng quyết định tái đầu tư vào Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. “Từ lâu, chúng tôi đã cảnh báo thận trọng với những kỳ vọng về một cuộc ‘di cư’ quy mô lớn của các công ty chạy khỏi Trung Quốc, ngay cả khi tâm lý kinh doanh đã yếu đi trong những năm gần đây”, ông nói. “Điều này không có nghĩa là các cuộc thảo luận về việc ‘giảm rủi ro' hoặc ‘phân ly’ không diễn ra vào lúc này, đặc biệt là ở cấp chính phủ. Mà thay vào đó, việc này cho thấy các mục tiêu chính sách của Trung Quốc phức tạp như thế nào trong thực tế.”