18:19 09/08/2022

Người dân Gia Lai khổ sở vì thi công dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên

Anh Tú

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên thông qua nâng cấp 143km Quốc lộ 19 thi công qua huyện Đăk Đoa, Đắc Pơ (tỉnh Gia Lai) tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và nguy cơ mất an toàn giao thông...

Nhà người dân huyện Đăk Đoa, Đăk Pơ bị chắn bởi công trình mương nước quá cao.
Nhà người dân huyện Đăk Đoa, Đăk Pơ bị chắn bởi công trình mương nước quá cao.

Theo phản ánh của người dân tỉnh Gia Lai, quá trình triển khai dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua huyện Đăk Đoa, Đăk Pơ, nhiều nhà dân bị ảnh hưởng do tình trạng trước nhà bị chắn bởi công trình mương nước quá cao và chưa kết nối với các tuyến đường dân sinh hiện trạng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Do đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, hạn chế ảnh hưởng đến người dân và đảm bảo an toàn giao thông.

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong các dự án quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 19.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với đoạn tuyến đi qua địa phận các huyện Đăk Đoa, Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai thuộc các gói thầu XL-03, XL-04A, hiện nay đang được các nhà thầu khẩn trương triển khai một số hạng mục như thi công hệ thống rãnh dọc, cống ngang, cầu, nền đường… 

 

Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu thi công cuốn chiếu theo từng hạng mục, từng đoạn tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt và tiến độ yêu cầu.

Lý giải về việc tình trạng trước nhà bị chắn bởi công trình mương nước quá cao, Bộ Giao thông vận tải cho hay dự án đi qua khu vực đồi núi, đặc thù địa hình khu vực rất phức tạp thay đổi liên tục, hiện trạng cao độ nhà dân hai bên đường cao, thấp không đồng nhất.

Để xử lý, khắc phục tình trạng nêu trên, Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo tư vấn rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thiết kế của dự án, hạn chế việc nâng cao mặt đường hiện hữu.

Về việc chưa kết nối với các tuyến đường dân sinh hiện trạng, "do khu vực Tây Nguyên hiện đang trong mùa mưa, thời tiết bất lợi nên các nhà thầu chưa hoàn thành hạng mục đắp lề, vuốt nối các tuyến đường dân sinh hiện trạng để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân", Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2, yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu,… khi thời tiết thuận lợi để triển khai ngay công tác sửa chữa hư hỏng mặt đường cũ, vuốt nối các đường ngang dân sinh, thảm bê tông nhựa mặt đường. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khu vực dự án đi qua. 

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 và các đơn vị liên quan khẩn trương thi công quyết liệt để đảm bảo tiến độ thi công, hạn chế gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân trên tuyến.

 

Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp 18km Quốc lộ 19 đoạn km90-km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Như vậy, Quốc lộ 19 có chiều dài gần 230km, kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) tiếp giáp với Campuchia đến cảng Quy Nhơn (Bình Định) sẽ được nâng cấp đồng bộ toàn tuyến, với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến gần 5.600 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án BOT nâng cấp hơn 34km Quốc lộ 19 đoạn km 17+027-km51 +152 có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2016.

Hiện nay, 143km Quốc lộ 19 đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km) có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD,  tương đương hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.