Đề xuất phát triển cảng biển Thừa Thiên Huế đến năm 2050
Theo Quy hoạch của Cục Hàng hải và Đường thuỷ Việt Nam, đến năm 2030 cảng biển Thừa Thiên Huế có thể đáp ứng cho lượng hàng hoá thông qua từ 13,6 - 20,3 triệu tấn và từ 276,1 - 285 nghìn lượt khách....

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam vừa trình Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, cảng đáp ứng lưu lượng hàng hóa từ 13,6 đến 20,3 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,03 đến 0,04 triệu TEU) và hành khách từ 276.100 đến 285.000 lượt.
Dự kiến, khu vực này sẽ có 10 bến cảng gồm từ 19–25 cầu cảng, tổng chiều dài từ 4.725 m đến 6.125 m (chưa bao gồm các bến cảng khác)
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển đáp ứng cho lượng hàng hoá có tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân ước đạt 3,6–4,5%/năm.
Riêng khu bến Chân Mây dự kiến có 7 bến cảng, trong đó có 3 cầu cảng container, tổng hợp và rời với chiều dài 820 m, tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn và 4.000 TEU hoặc lớn hơn.
Tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 khoảng 214,32 ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics,... gắn liền với cảng) và mặt nước khoảng 11.327 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Tổng vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 14.050 tỷ đồng, trong đó đầu tư hạ tầng hàng hải khoảng 1.260 tỷ đồng và đầu tư bến cảng khoảng 12.790 tỷ đồng.
Theo thống kê, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thừa Thiên Huế tăng từ 2,76 triệu tấn năm 2020 lên 7,71 triệu tấn năm 2024. Trong đó, hàng khô rời chiếm 97,9%, hàng lỏng chiếm 2% và hàng container chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020–2024 đạt 29,3%/năm.
Cùng giai đoạn, lượng hành khách qua cảng tăng trưởng 1,6%, lượt tàu biển tăng 13,4%. Cảng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 65.000 tấn giảm tải và tàu khách đến 168.666 GT.
Hiện tại, cảng có 6 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 1.226 m, 2 luồng hàng hải công cộng gồm luồng Chân Mây (dài 3,1 km, rộng 150 m) đã được công bố đưa vào sử dụng và luồng Thuận An (dài 5,7 km, rộng 60 m).
Theo đánh giá của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, thời gian qua, công tác quản lý đầu tư tại cảng biển Thừa Thiên Huế cơ bản tuân thủ quy hoạch được duyệt về cỡ tàu và quy mô bến cảng. Hệ thống bến cảng hiện hữu về cơ bản đã đáp ứng được khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển, phù hợp với tốc độ tăng trưởng ghi nhận trong các năm gần đây.
Đồng thời, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng tại khu vực cảng biển cũng đã được triển khai hiệu quả, qua đó góp phần tích cực trong thu hút hàng hóa bốc xếp tại khu vực Thừa Thiên Huế, tăng khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát tải trọng và khai thác đúng công năng cầu cảng được tăng cường; các quy định về bảo trì, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả vận hành khai thác.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển với các bên liên quan trong việc lập kế hoạch điều động tàu thuyền ra vào cũng được thực hiện hợp lý. Việc điều tiết lưu lượng giao thông trên luồng hàng hải đã giúp giảm đáng kể thời gian chờ tàu, đồng thời đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải.
Tuy nhiên, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cũng chỉ rõ một số hạn chế trong phát triển hoạt động hàng hải tại khu vực, trong đó nổi bật là việc thiếu cảng cạn và bất cập trong kết nối giao thông, ảnh hưởng đến năng lực thông suốt của chuỗi logistics toàn khu vực.