Người trồng bán rừng non: Nguy cơ phá sản chiến lược lớn
Do những diễn biến trái chiều giữa thị trường gỗ nguyên liệu và dăm gỗ hiện nay, người dân trồng rừng ở nhiều địa phương đang kéo nhau thu hoạch gỗ rừng non, khi mới 3-5 năm tuổi. Thậm chí, có nhiều cánh rừng non bị đốn sạch, khiến chiến lược phát triển rừng trồng gỗ lớn của nhiều địa phương có nguy cơ phá sản...
Đến các cơ sở sơ chế, chế biến gỗ nguyên liệu rừng trồng tại tỉnh Thanh Hóa vào những ngày đầu tháng 11/2022, chúng tôi chứng kiến những nhà xưởng chế biến gỗ nguyên liệu im lìm không hoạt động. Trong khi đó, những cỗ máy băm dăm hoạt động hết công suất suốt đêm ngày.
GỖ NGUYÊN LIỆU Ế ẨM, DĂM GỖ ĐẮT HÀNG
Tại Công ty Lâm sản Hải Oanh ở thôn Yên Thái, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, những chồng gỗ ghép thanh nối nhau san sát từ ngoài đường vào trong nhà xưởng. Ông Đỗ Văn Hải, Giám đốc công ty, cho biết công ty chuyên xuất gỗ ghép thanh nguyên liệu đến một số nhà máy sản xuất đồ gỗ tại TP.HCM và Bình Dương. Các nhà máy đó sản xuất tủ, bàn ghế gỗ và xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU.
Trước đây, giá bán gỗ ghép thanh 12 triệu đồng/m3, thì riêng sản phẩm gỗ ghép thanh mỗi tháng đem về cho công ty doanh thu 4 tỷ đồng, lợi nhuận 800 triệu đồng. Trong khi đó, ván dăm mỗi tháng đem về doanh thu 6 tỷ đồng, nhưng chỉ cho 200 triệu đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 trở lại đây, do gỗ nguyên liệu không bán được, hàng tồn kho ngày càng nhiều. “Năm nay do lạm phát ở Hoa Kỳ và EU, phần đông người dân ưu tiên vào tiêu dùng lương thực, thực phẩm và có xu hướng giảm chi tiêu vào những mặt hàng xa xỉ. Đồ gỗ được coi là mặt hàng không thiết yếu, nên sản phẩm này hiện rất khó tiêu thụ. Do không xuất khẩu sản phẩm được nữa, nên các nhà máy chế biến đồ gỗ ngừng mua gỗ nguyên liệu”, ông Hải cho biết.
Trái ngược với sự ảm đạm của gỗ nguyên liệu, dăm gỗ lại đang đắt hàng “như tôm tươi”. Do ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến thế giới bị thiếu hụt nhiên liệu, trong khi nhu cầu về chất đốt tăng cao khi châu Âu sắp bước vào mùa đông.
Ông Hải cho biết thêm, trước đây, đối tác ở Trung Quốc mua dăm gỗ chủ yếu phục vụ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất giấy. Nhưng năm nay, do nhu cầu viên nén ở các nước châu Âu tăng cao, nên thương nhân Trung Quốc tăng mua dăm gỗ để sản xuất viên nén rồi xuất khẩu sang EU. Đó chính là nguyên nhân khiến mặt hàng dăm gỗ “sốt nóng” vào thời điểm này.
"Nếu thị trường gỗ nguyên liệu “ấm” lên, thì phải mất 6-8 tháng sau mới giải quyết hết hàng tồn, khi đó hoạt động sản xuất mới khôi phục được về trạng thái bình thường như trước đây. Nhưng nếu tình trạng ngành sản xuất đồ gỗ “đóng băng” kéo dài, nguy cơ Công ty không cầm cự được".
Ông Đỗ Văn Hải, Giám đốc Công ty Lâm sản Hải Oanh.
Nếu năm ngoái, giá bán dăm gỗ chỉ 2.200.000 đồng/tấn, thì hiện tại đã lên tới 3.250.000 đồng/tấn. Để đáp ứng cho các đơn hàng dăm gỗ, Công ty Hải Oanh vẫn thu mua gỗ cây rừng trồng để sản xuất dăm gỗ, nhưng phần thân cây to đem sản xuất ván ghép thanh. Đó là lý do khiến lượng ván ghép thanh tồn kho ngày càng lớn.
“Bây giờ, gỗ ghép thanh tồn kho nhiều quá, nên chúng tôi không mua những cây gỗ to nữa, mà chỉ mua cây rừng cỡ nhỏ, loại rừng trồng dưới 5 năm. Trước đây, cây rừng càng lâu năm thì giá mua càng cao, cây rừng nhỏ giá mua càng thấp, như năm 2020-2021 giá cây gỗ nhỏ 3-5 tuổi chỉ 950.000 đồng/tấn. Ngược lại thời điểm này, giá cây rừng trồng 3-5 năm đang được mua vào với giá 1.350.000 đồng/tấn.
Trong khi, cây gỗ rừng trồng 6-7 năm tuổi, chỉ mua vào với giá 1.250.000 đồng/tấn, còn loại gỗ rừng trồng 8-10 năm, thì chỉ mua vào 1.150.000 đồng tấn. Do máy được thiết kế để băm cây gỗ nhỏ, đường kính từ 8 cm trở xuống, nên cây gỗ to đưa vào băm dăm rất khó”, ông Hải nêu thực trạng.
Ông Hải cũng cho hay hiện tại ở Thanh Hóa đã có một số nhà máy chuyên sản xuất gỗ ghép thanh do không bán được sản phẩm đang lâm vào tình thế phá sản phải rao bán nhà máy...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45 phát hành ngày 07-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam